Mỹ muốn Ukraine tăng cường phản công trước khi nguồn vũ khí cạn kiệt?

Minh Hạnh |

Các quan chức cấp cao của Mỹ nói với tờ Washington Post rằng Ukraine cần nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ từ Nga trước khi sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh giảm dần.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện cho họ thấy là không phải chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì mãi mãi”, một thành viên cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói về giới lãnh đạo Ukraine.

Tổng thống Biden từng nhiều lần công khai cam kết hỗ trợ Kiev “chừng nào còn cần thiết” để đánh bại Nga. Tuy nhiên, lập trường này không áp dụng với nguồn lực mà Washington chuẩn bị gửi đến Ukraine.

“Cụm từ ‘chừng nào’ ý muốn nói đến quy mô cuộc xung đột, chứ không liên quan đến quy mô hỗ trợ”, quan chức giấu tên nói.

Tờ Washington Post viện dẫn sự thay đổi trong Hạ viện Mỹ, nơi đa số các thành viên đảng Cộng hòa tỏ ra ngày càng hoài nghi về chính sách viện trợ Ukraine của Tổng thống Biden.

Tờ báo cũng coi sự mệt mỏi ở châu Âu là một mối đe dọa chính khác đối với Kiev, khi các quốc gia phải vật lộn với giá năng lượng không ổn định và lạm phát tràn lan.

Theo Washington Post , quân đội Ukraine có thể có hạn chót đến mùa hè để đạt được tiến bộ, trước khi gói hỗ trợ vũ khí của Mỹ cạn kiệt .

Các quan chức cấp cao của Mỹ được cho là đã chuyển quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden tới giới lãnh đạo Ukraine. Nguồn tin nói rằng đôi khi rất khó để thuyết phục Kiev làm theo đề nghị của Washington.

Một ví dụ được trích dẫn là các hoạt động của quân đội Ukraine ở Bakhmut, nơi lực lượng Kiev đang bám trụ dù các quan chức Mỹ nói với họ rằng điều đó không đáng để hy sinh. Tờ Washington Post viết rằng Tổng thống Zelensky coi Bakhmut là “thành phố mang tính biểu tượng”.

Báo cáo nêu rõ, Mỹ muốn Ukraine tiến hành một cuộc phản công bằng cách tận dụng các đợt chuyển giao vũ khí mới trong những tháng tới, nhằm giành quyền kiểm soát càng nhiều đất đai càng tốt trước khi tham gia đàm phán với Nga.

Mátxcơva đã cáo buộc những người ủng hộ phương Tây của Kiev làm “trật bánh” các cuộc đàm phán hòa bình trong những tuần đầu của cuộc xung đột. Kể từ đó, bốn khu vực cũ của Ukraine đã gia nhập Nga sau khi người dân địa phương bỏ phiếu trưng cầu dân ý, bất chấp việc Ukraine tuyên bố không công nhận.

Các quan chức Nga đã nhiều lần khẳng định rằng tình trạng của các vùng lãnh thổ mới là vấn đề không thể thương lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại