Xung đột Nga-Ukraine chứng minh châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Mỹ?

Hoàng Phạm |

Xung đột Nga-Ukraine được cho là sẽ buộc châu Âu phải tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng thay vào đó, họ lại gia tăng phụ thuộc vào sự lãnh đạo, tình báo và sức mạnh của Mỹ.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia cho rằng cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội tăng cường phòng thủ của chính mình. Thay vào đó, cuộc xung đột khiến họ gia tăng sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ.

Châu Âu phụ thuộc vào sự dẫn dắt của Mỹ

Mỹ vẫn đóng vai trò dẫn đầu khi phản ứng về cuộc xung đột, tập hợp các đồng minh, tổ chức viện trợ quân sự cho Ukraine và cho đến nay là nước đóng góp nhiều nhất về số lượng thiết bị quân sự cũng như thông tin tình báo cho Ukraine. Washington quyết định theo từng giai đoạn loại vũ khí nào Kiev sẽ nhận và loại nào không được nhận.

Vai trò không thể thiếu của Mỹ được thể hiện trong quyết định của Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine và cho phép các nước khác làm điều tương tự. Trước đó, bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Ba Lan và Anh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối thực hiện động thái này trừ khi Mỹ cung cấp cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine.

Bà Liana Fix, một nhà phân tích người Đức thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cho biết: “Sự lãnh đạo của Mỹ gần như đã quá thành công vì lợi ích của chính họ, khiến châu Âu không có động lực để phát triển vai trò lãnh đạo của mình”.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine hôm 3/2, nhưng chỉ đưa ra những lời hứa hẹn với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Kiev có thể gia nhập khối trong tương lai.

Trong khi đó, EU đã đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, viện trợ tài chính đáng kể cho Kiev và một quỹ - hiện ở mức 3,6 tỷ euro (3,9 tỷ USD) - để bồi hoàn cho các quốc gia thành viên vì những đóng góp quân sự của họ cho Ukraine. Tổng số đóng góp quân sự cho Ukraine từ các quốc gia thành viên EU ước tính khoảng 12 tỷ euro và hỗ trợ tổng thể là gần 50 tỷ euro.

Tuy nhiên, mục tiêu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “quyền tự chủ chiến lược” – để Liên minh Châu Âu có thể hành động độc lập với Mỹ – đang trở nên phi thực tế.

Bất đồng giữa lòng châu Âu về cách tiếp cận với Nga

Các nhà ngoại giao và chuyên gia cho rằng điều đó phần lớn là do các quốc gia châu Âu bất đồng gay gắt với nhau về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine và thậm chí về mối quan hệ của họ với Nga hay Tổng thống Vladimir Putin, cả hiện tại và trong tương lai.

Ông Charles A. Kupchan, cựu quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiện là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Georgetown, cho rằng không thể có một nền quốc phòng châu Âu thực sự nếu không có chính sách đối ngoại châu Âu chặt chẽ. Cuộc xung đột ở Ukraine đã cắt đứt cả hai con đường này, thúc đẩy sự thống nhất mới và cả những rạn nứt mới ở châu Âu.

“Rất ít người mong muốn quyền tự chủ nếu điều đó có nghĩa là giữ khoảng cách với Mỹ, bởi xung đột đã cho thấy sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu và sự đảm bảo mà nó đem lại cho các đồng minh châu Âu kể từ sau Thế chiến 2 quan trọng như thế nào”, ông Kupchan nói.

Các quốc gia Trung và Đông Âu, cùng với các quốc gia Baltic và Anh, không tin vào những lời hứa về một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu và đã nỗ lực để Mỹ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh châu Âu cũng như trong liên minh NATO.

Đối với họ, chiếc ô hạt nhân của Mỹ được coi là không thể thiếu để ngăn chặn nước Nga. Điều này xuất phát từ việc họ coi Nga là mối đe dọa lớn hơn so với quan điểm của các đồng minh khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy, đặc biệt là kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ông Kupchan cho rằng dù Washington có muốn hay không, với mong muốn xoay trục sang Trung Quốc, “cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu trong thời gian dài sắp tới”.

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đánh giá, Tổng thống Pháp Macron “đã tự làm suy yếu ý tưởng của chính ông về quyền tự chủ của châu Âu bằng những tuyên bố liên quan đến ông Putin” khi lập luận rằng một trật tự an ninh mới của châu Âu phải bao gồm cả Nga và rằng không nên làm bẽ mặt Tổng thống Nga.

“Điều đó đã tạo ra sự nghi ngờ ở Đông Âu và ít nhiều khiến ông Macron không thể tạo ra động lực đằng sau ý tưởng về quyền tự chủ của châu Âu”, ông Rasmussen nhận định.

Chừng nào các cường quốc lớn của châu Âu “không có chung quan điểm về cách tiếp cận với Nga, phần còn lại sẽ nhìn qua bên kia Đại Tây Dương và tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ Mỹ”, ông nói thêm.

Ông Guntram Wolff, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết giấc mơ châu Âu luôn có hai trụ cột tập thể chính: tài chính và quốc phòng. Đức đứng đầu và Pháp đứng thứ hai.

“Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu, các nước Trung và Đông Âu ngay lập tức hiểu rằng họ cần Mỹ vì an ninh của họ, và Đức cũng nhanh chóng quyết định như vậy”, ông Wolff nói.

Bất chấp lời hứa của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về “Zeitenwende” mà ông gọi là bước ngoặt trong chính sách an ninh của Đức, vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch này.

Quyền tự chủ chiến lược – ý tưởng chưa thể hiện thực hóa

Các nước châu Âu đã cố gắng bắt kịp đầu tư quốc phòng cần thiết, nhưng theo cách riêng lẻ chứ không có sự điều phối của EU. Điều đó có nghĩa là họ sẽ mua những gì có sẵn, chủ yếu là vũ khí của Mỹ chứ không phải của châu Âu.

Đức khiến Pháp “khó chịu” khi ngay lập tức mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thay vì máy bay của châu Âu hay thậm chí chờ đợi Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) - một dự án máy bay chung của Pháp-Đức-Tây Ban Nha.

Tương tự, lo ngại về khả năng dễ bị tấn công trước các tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga ở Kaliningrad, Berlin đã gây sốc cho Paris khi đề xuất “Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu”, một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, với sự hợp tác của 13 đồng minh NATO cùng Phần Lan và Thụy Điển, chủ yếu sẽ sử dụng công nghệ hiện có của Mỹ và Israel, chứ không phải thiết kế của châu Âu.

Pháp không phải là một bên tham gia và đã hoãn cuộc họp thường niên của chính phủ Pháp-Đức để bày tỏ không hài lòng.

Nhà phân tích Fix cho biết: “Về lâu dài, những quyết định như thế này làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ. Mọi người hiện đang đặt cược vào NATO và Mỹ, cũng như các thiết bị đã có sẵn”.

Việc ông Scholz chỉ cung cấp xe tăng cho Ukraine với điều kiện Mỹ cũng hành động tương tự đã trở thành vấn đề gây tranh cãi ở châu Âu.

“Điều đó cho thấy các nước châu Âu cuối cùng không tin tưởng lẫn nhau, và đối với Trung và Đông Âu, niềm tin và sự tín nhiệm đã không còn nữa”, bà Fix nói.

Các nhà phân tích cho biết, ông Macron và ông Scholz đã không thể đem lại khả năng lãnh đạo cần thiết, dù riêng rẽ hay cùng nhau.

Ông Bart Szewczyk, cựu quan chức chính quyền Obama hiện làm việc cho Quỹ Marshall của Đức nhận định, Pháp đã bỏ lỡ một cơ hội để “cho thấy quyền tự chủ chiến lược là gì hoặc có thể là gì. Bên dưới vẻ ngoài của khẩu hiệu, không có gì nhiều về mặt nguồn lực hoặc triển khai hoặc thậm chí là lãnh đạo trí tuệ”.

Khi nói đến việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và đã nhanh chóng xây dựng các nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), điều chỉnh các quy định, áp đặt các lệnh trừng phạt và đồng ý về mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Phòng thủ là một câu chuyện khác nhau.

“Về an ninh và quốc phòng, họ đã mất uy tín. Pháp có thể đã sử dụng cuộc chiến này như một cơ hội để cược lớn vào Ukraine và Trung Âu và nói rằng ‘các vị thực sự có thể tin tưởng vào chúng tôi’, nhưng điều đó đã không xảy ra”, bà Fix nói.

Thay vào đó, cả Paris và Berlin đều do dự, hy vọng đó sẽ là một cuộc xung đột ngắn. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh không phải như vậy.

“Quyền tự chủ chiến lược đã tắt ngấm và Pháp không thích điều đó”, bà Fix nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại