Mỹ lo ngại vì khác biệt giữa toan tính của phương Tây với mục tiêu Ukraine theo đuổi

Hồng Anh |

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp tròn 1 năm, các quan chức Mỹ nói với các nhà lãnh đạo Ukraine rằng, họ đang phải đối mặt với một thời điểm quan trọng để thay đổi quỹ đạo cuộc chiến, theo Washington Post.

Mỹ gây sức ép buộc Ukraine đạt bước tiến mới

Điều này cho thấy Mỹ đang gia tăng áp lực buộc Kiev phải đạt được những bước tiến đáng kể trên chiến trường trong bối cảnh Washington và các đồng minh tăng cường cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine .

Mỹ lo ngại vì khác biệt giữa toan tính của phương Tây với mục tiêu Ukraine theo đuổi - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Reuters

Mặc dù cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết”, nhưng các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết, gói viện trợ mới nhất từ Quốc hội và các đồng minh của Mỹ là cơ hội tốt nhất để Kiev thay đổi cục diện xung đột một cách xác định. Nhiều thành viên bảo thủ tại Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát tuyên bố sẽ rút lại sự ủng hộ còn châu Âu vẫn chưa đưa ra cam kết sẵn sàng ủng hộ lâu dài cho Ukraine khi xung đột bước vào giai đoạn tiêu hao.

Một số quan chức Mỹ cho rằng, Quốc hội đã trao cho Nhà Trắng nhiều quyền hạn hơn họ yêu cầu. Washington Post dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắn nhủ với họ rằng chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì và làm mọi thứ một cách liên tục trong thời gian dài. Có một quan điểm rất mạnh mẽ rằng Ukraine sẽ khó có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kinh tế và an ninh từ Quốc hội Mỹ giống như trước đây. Cam kết “chừng nào còn cần thiết” liên quan đến mức độ xung đột chứ không liên quan đến số lượng trang thiết bị hỗ trợ”.

Cuộc xung đột đang dường như đang rơi vào trạng thái bế tắc tại miền Đông Ukraine khi không bên nào giành được ưu thế. Các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden tin rằng, thời điểm quan trọng sẽ đến vào mùa Xuân này khi dự đoán Nga sẽ phát động cuộc tấn công lớn còn Ukraine sẽ tiến hành phản công trong một nỗ lực giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.

Chính quyền Biden đang làm việc với Quốc hội để thông qua khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp trị giá 10 tỷ USD cho Ukraine và dự kiến công bố một gói hỗ trợ quân sự lớn khác trong tuần tới. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Nhận thức được giai đoạn quan trọng sắp diễn ra trong cuộc chiến, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer, Phó Ngoại trưởng Wendy Sherman và Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl đã đến thăm Ukraine vào tháng 1 vừa qua. Giám đốc CIA William J. Burns cũng đã thăm quốc gia này để thông báo cho Tổng thống Zelensky về kỳ vọng của Mỹ và nhấn mạnh tính cấp bách của thời điểm hiện nay. Chuyến thăm của các quan chức Mỹ dường như cũng gửi đi thông điệp cứng rắn với Nga rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev sẽ không suy yếu.

Mỹ lo ngại vì khác biệt giữa toan tính của phương Tây với mục tiêu Ukraine theo đuổi - Ảnh 2.

Xe tăng chủ lực Abrams của quân đội Mỹ.

Nỗ lực vận động hành lang

Một số nhà phân tích dự đoán, cả Nga và Ukraine đều không có khả năng giành được lợi thế quân sự quyết định trong tương lai gần. Ông Andrea Kendall-Taylor, Giám đốc Chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận định: “Các bên dường như đang rơi vào một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Tôi cho rằng điều này trái ngược với những gì mà nhiều người Mỹ hy vọng về việc giúp Ukraine giành chiến thắng về mặt quân sự. Ở thời điểm hiện tại, điều này không có gì chắc chắn”.

Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông đã thể hiện quyết tâm ủng hộ Ukraine “lâu dài và cung cấp đủ trang thiết bị, vũ khí trong khả năng có thể”. Nhưng họ cảnh báo, con đường chính trị sẽ trở nên khó khăn hơn một khi Ukraine sử dụng hết gói viện trợ hiện tại của Quốc hội Mỹ, dự kiến sớm nhất là vào mùa hè này.

Một số nhà lãnh đạo phương Tây từng tỏ ra e ngại về việc gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine do lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, đặc biệt là sau khi ông Putin phát tín hiệu sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Song nỗ lực vận động hành lang của Tổng thống Zelensky, cũng như các thỏa thuận kín phía sau hậu trường của các quan chức Mỹ đã làm thay đổi lập trường của phương Tây.

Ông Biden và ông Blinken đã dành phần lớn thời gian trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 để thuyết phục các đồng minh cung cấp cho Ukraine xe tăng và tên lửa. Chẳng hạn, Mỹ đã thuyết phục Hà Lan cung cấp những hệ thống phòng không quan trọng, như hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Bên cạnh đó, Washington cũng đồng ý gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine theo điều kiện của Đức. Trước đó Berlin tuyên bố sẽ chỉ cung cấp xe tăng Leopard 2 hoặc ủy quyền cho các quốc gia khác tái xuất khẩu xe tăng này cho Ukraine nêu Mỹ đồng ý chuyển giao xe tăng tiên tiến cho Kiev. Hiện giờ, khi Mỹ chuẩn bị gửi 31 xe tăng hàng đầu của nước này, Châu Âu cũng đang nhanh chóng tập hợp hai tiểu đoàn xe tăng Leopard trong một nỗ lực nhằm giúp Ukraine thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trên chiến trường.

Khác biệt giữa toan tính của phương Tây và mục tiêu của Ukraine

Nhưng việc công khai thể hiện sự đoàn kết trong nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine không che giấu được những lo lắng tiềm ẩn của phương Tây về cách thức Ukraine phân bổ các nguồn lực mà họ có được trong những tháng tới.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã sử dụng các nguồn lực và quân đội đáng kể để bảo vệ Bakhmut ở khu vực Donbas. Các nhà phân tích và hoạch định quân sự Mỹ lập luận rằng việc đồng thời bảo vệ Bakhmut và phát động một cuộc phản công vào mùa Xuân để giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát mà Mỹ cho là quan trọng hơn là điều không thực tế. Thế nhưng, Tổng thống Zelensky lại coi Bakhmut là khu vực có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và việc để mất thành phố này sẽ là đòn giáng mạnh vào tinh thần của quân đội Ukraine. Cuối tuần qua, ông Zelensky tuyên bố các lực lượng nước này sẽ cầm cự “trong thời gian lâu nhất có thể” để ngăn quân đội Nga chiếm thành phố.

Các quan chức Mỹ cho biết họ tôn trọng quyết định của nhà lãnh đạo Ukraine nhưng nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu ở nơi mà Nga liên tục điều quân đến thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho Moscow. Thay vào đó, họ hối thúc Kiev nhanh chóng xác định thời điểm thực hiện cuộc phản công vào mùa Xuân, đặc biệt khi Mỹ và châu Âu đang huấn luyện các binh sỹ Ukraine sử dụng một số loại vũ khí phức tạp hơn.

Ngoài Bakhmut, ông Zelensky đã nhiều lần tuyên bố sẽ tập hợp lực lương để giành lại toàn bộ lãnh thổ do Nga kiểm soát, trong đó có cả Crimea – nơi Moscow đã sáp nhập vào năm 2014. Song cộng đồng tình báo Mỹ cảnh báo, việc giành lại khu vực này nằm ngoài khả năng hiện tại của quân đội Ukraine.

Sự khác biệt giữa mục tiêu và năng lực quân sự của Ukraine đã khiến châu Âu lo ngại cuộc xung đột sẽ kéo dài vô tận và điều này sẽ tạo gánh nặng cho phương Tây khi họ đang phải vật lộn đối phó với suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao và giá năng lượng không ổn định. Trong bối cảnh đó, các trợ lý của Tổng thống Biden nói rằng họ đang theo đuổi cách thức tốt nhất là khuyến khích Ukraine giành thêm nhiều vùng lãnh thổ hơn nữa trước khi tham gia đàm phán với Nga.

Nhưng những nhân vật hoài nghi lo ngại, thời gian không đứng về phía Ukraine khi Moscow triển khai thêm hàng trăm nghìn binh sỹ vào chiến trường trước cuộc tấn công lớn dự kiến diễn ra vào mùa xuân. Các quan chức tình báo phương Tây và Ukraine ước tính, Nga hiện có hơn 300.000 binh sỹ ở Ukraine, gấp đôi so với con số 150.000 binh sỹ ban đầu và số lượng này có thể tăng cao hơn nữa trong vài tuần tới. Trong chiến dịch tấn công vào mùa Xuân Nga có thể điều các lực lượng tràn qua biên giới Belarus để vào Ukraine và cắt đứt các tuyến tiếp tế ở miền tây Ukraine mà Kiev đã sử dụng để củng cố quân đội./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại