Đồng thời, động thái này còn có tác dụng gián tiếp xoay chuyển cán cân quân sự ở đông bán cầu...
Từ thế kỷ 18, vùng biển bờ đông và vùng Caribe là những "điểm nóng" nơi Mỹ tranh chấp ảnh hưởng với các cường quốc châu Âu thời cận đại, như: Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Kể từ năm 1841, khu vực Bắc Đại Tây Dương được coi là mặt trận "sân nhà" của Biên đội Bắc Đại Tây Dương Hải quân Mỹ, tiền thân Hạm đội 2 ngày nay.
Là hạm đội đầu tiên được thành lập sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ là một trong những đơn vị chiến lược duy trì ảnh hưởng của Washington trên Đại Tây Dương, đối trọng trực tiếp với Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô.
Trong thời kỳ 1973-1989, Hải quân Mỹ chú trọng khả năng đảm đương nhiều nhiệm vụ và tác chiến trên nhiều chiến trường, khiến Hạm đội 2 có địa bàn hoạt động trải rộng trên 17 triệu ki-lô-mét vuông.
Ngoài việc chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng với Hải quân Liên Xô, Hạm đội 2 còn là đơn vị quan trọng tham gia các biến động ở vùng Caribe, tiêu biểu nhất là cuộc "khủng hoảng tên lửa Cuba" năm 1962.
Vào cuối thập niên 1980, Hạm đội 2 đã tham gia vào các chiến dịch quân sự tấn công nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi tiếp giáp Địa Trung Hải.
Do sự thay đổi về ưu tiên địa chính trị của Mỹ, Hạm đội 2 bị giải thể vào năm 2011. 126 tàu, 4.500 máy bay các loại và 90.000 quân nhân được điều chuyển về trực thuộc quyền của Bộ chỉ huy các hạm đội Mỹ.
Theo Tư lệnh Hạm đội 2, Phó đô đốc Andrew Lewis, sau 20 năm chiến đấu, tham gia hơn 100 chiến dịch ở Iraq, Bosnia và Afghanistan, hải quân Mỹ đã trở nên chủ quan, lơ là trên vùng biển quan trọng kéo dài từ Bắc Băng Dương xuống Nam Cực.
Ông kỳ vọng sự trở lại của Hạm đội 2 sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Việc tái triển khai Hạm đội 2 là động thái giúp hải quân Mỹ duy trì cán cân quân sự ở Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương, đồng thời giảm bớt áp lực cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải, Hạm đội 4 ở Nam Mỹ và Hạm đội 3 ở Đông Thái Bình Dương.
Kể từ năm 2014, những biến động mới ở Đại Tây Dương và sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Bắc Cực, điển hình việc hiện đại hóa, trang bị mới nhiều khí tài chiến lược cho Hạm đội Biển Bắc khiến khu vực được coi là "sân nhà" của Mỹ trong hơn 200 năm qua bị đe dọa.
Đô đốc Christopher Grady, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy các hạm đội Mỹ, cho biết: "Sự cạnh tranh trên biển và những thách thức về an ninh hàng hải của chúng ta đã quay trở lại. Nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn như vậy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc gần 30 năm trước".
Đáng chú ý, trong trường hợp cần thiết, tàu chiến của Hạm đội 2 có thể được điều động để tăng cường cho Hạm đội 4, giúp đơn vị này tập trung tàu chiến duy trì ô phòng thủ tên lửa ở khu vực bờ Tây nước Mỹ.
Với bờ Tây được bảo đảm an toàn, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) có thể dồn một lượng khí tài đáng kể của Hạm đội 3 về phía tây, tăng cường hiện diện ở vùng vành đai Thái Bình Dương cùng với Hạm đội 7.
Các khí tài này có thể tham gia vào những hoạt động bảo vệ căn cứ quân sự, tuần tra, tập trận ở vùng vành đai Thái Bình Dương. Lá chắn phòng thủ tên lửa bảo vệ Mỹ và đồng minh tại các "điểm nóng" ở châu Á-Thái Bình Dương cũng từ đó được tăng cường.
Có thể thấy, việc "hồi sinh" Hạm đội 2 gây tác động gián tiếp lên ổn định hàng hải ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thể hiện nước đi mới trong chiến lược "xoay trục sang châu Á", tập trung kiềm chế ảnh hưởng trên biển của Ấn Độ và Trung Quốc-hai quốc gia có lực lượng hải quân phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng trên thế giới hiện nay.