Mỹ gửi tín hiệu đặc biệt ở Biển Đen và hành động đáp trả ‘cực gắt’ của Nga

Đức Trí |

Mỹ tuyên bố sẽ điều tàu chiến đến Biển Đen và coi đây là hành động gửi “tín hiệu đặc biệt” đến Nga, ngay lập tức Moscow đã có hành động đáp trả “cực gắt”.

CNN ngày 8/4 dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đang xem xét điều các tàu chiến đến Biển Đen trong vài tuần tới để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine. Điều này là do "sự hiện diện quân sự" của Nga ở biên giới phía Đông của Ukraine đã tăng lên. Việc triển khai các tàu chiến đến Biển Đen sẽ gửi một "tín hiệu đặc biệt" tới Nga.

Theo báo cáo, mặc dù Quân đội Mỹ không cho rằng việc Nga tập trung lực lượng ở biên giới với Ukraine là hành động chuẩn bị tấn công, nhưng "nếu tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả", vị quan chức Mỹ cho biết.

Mỹ cho rằng, việc Nga tập trung quân tại biên giới có thể là đang tiến hành một cuộc diễn tập hay huấn luyện nào đó, đến nay Mỹ chưa ghi nhận được thông tin tình báo nào cho thấy Nga sẽ có hành động nào đó với Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào, phía Nga cũng nhận thức rõ điều này và Mỹ không thể không đề phòng.

Vị quan chức này cũng tuyên bố rằng, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cử máy bay do thám đến hoạt động trong không phận quốc tế của Biển Đen để theo dõi các hoạt động của hải quân Nga và bất kỳ hoạt động nào của lực lượng này ở Crimea.

Theo các chuyên gia, Công ước Montreux năm 1936 quy định rõ, Mỹ phải thông báo kế hoạch cử tàu chiến đến Biển Đen trước 14 ngày, hiện, chưa rõ phía Mỹ đã gửi thông báo cho các nước có liên quan hay chưa.

Theo báo cáo của Sputnik ngày 9/4, Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin Mỹ có thể điều tàu chiến tới Biển Đen. Một phát ngôn viên của Quân đội Mỹ khẳng định: "Về vấn đề này, không có gì tôi có thể nói với bạn."

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ, Anh, Canada, Litva và Ba Lan đã hội đàm để thảo luận về tình hình Ukraine và việc "Nga gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới Ukraine".

Mỹ kêu gọi Nga giải thích những gì mà Washington coi là tái triển khai quân đội và bày tỏ sẵn sàng liên lạc với Moscow về vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/4 khẳng định, Nga đã đưa ra lời giải thích với Mỹ vào tuần trước, nhưng Nga sẽ không đối thoại theo "giọng điệu và triển vọng" mà Mỹ đặt ra.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng, Nga có quyền điều động quân đội trên lãnh thổ của mình, điều này sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào và không ai phải lo lắng về điều này.

Mỹ gửi tín hiệu đặc biệt ở Biển Đen và hành động đáp trả ‘cực gắt’ của Nga - Ảnh 2.

Tàu chiến Mỹ qua eo biển Bosporus trong một đợt hoạt động ở Biển Đen. Nguồn: huanqiu.

Moscow đã nhiều lần khẳng định, Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột nội bộ của Ukraine và hy vọng rằng Kiev có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Nga đã có hành động đáp trả “cực gắt”, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cho hay, đang điều hơn 10 tàu hải quân, trong đó có tàu đổ bộ và tàu chiến, từ biển Caspi đến biển Đen để tham gia tập trận.

Thời gian qua, Biển Đen là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa Nga và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng ở miền Đông Ukraine hiện nay, việc Mỹ đưa tàu chiến đến Biển Đen sẽ đe dọa trực tiếp đến Crimea, điều này có thể sẽ buộc Nga phải phân tán sự chú ý ra khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Kể từ khi sáp nhập vào năm 2014, Bán đảo Crimea đã trở thành một pháo đài quân sự của Nga. Moscow đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự tại khu vực mà Tổng thống Putin coi là trung tâm trong kế hoạch sức mạnh của Nga ở Địa Trung Hải.

Hiện Crimea có đủ các cơ sở, được tăng cường tàu và tàu ngầm mới với hệ thống tên lửa Kalibr mạnh áp đảo bất kỳ liên minh nào trong vùng biển này.

Trong năm 2021, quân đội Nga sẽ nhận được gần 3.500 thiết bị mới và 2/3 ngân sách quân sự sẽ dành cho việc mua và nâng cấp vũ khí, bao gồm hệ thống giám sát bề mặt tự động mới nhất của Bộ Quốc phòng ở Biển Đen.

Đáp lại, Hải quân Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đen. Trong hai tuần qua, các tàu khu trục mang tên lửa hành trình Raytheon Tomahawk là USS Donald Cook và USS Porter, và tàu tiếp liệu USNS Laramie đã tiến vào Biển Đen trong lần triển khai lớn nhất tại khu vực kể từ năm 2017.

Sự xuất hiện của Hải quân Mỹ là một sự phô trương sức mạnh, chứng tỏ rằng lực lượng này có thể hoạt động trên một vùng địa lý rộng và không cần sự trợ giúp của các đồng minh trong khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đen là quan trọng để khống chế sự bành trướng của Nga, nhưng một chiến lược hiệu quả hơn đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp từ các đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại