Cục trưởng Cục Chống phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Ermakov đã tuyên bố rằng Mỹ đang có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu khi triển khai vũ khí nguyên tử đến các quốc gia phi hạt nhân. Điều này trên thực tế có chính xác không và liệu có nguy cơ thực sự nào về một cuộc chiến tranh hạt nhân?
Vũ khí hạt nhân còn tồn ở châu Âu từ thời Chiến tranh Lạnh
Không có gì bí mật khi Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ lâu đã triển khai một chương trình quy định việc sử dụng chung vũ khí hạt nhân (Chương trình Chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO).
Hơn nữa, ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ , Bỉ, Đức, Ý và Hà Lan vẫn còn sở hữu những quả bom rơi tự do B61 với nhiều biến thể khác nhau từng xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù, hiện nay số lượng bom nguyên tử này đang được giảm dần, nhưng ước tính vẫn có khoảng 180 quả đang được bảo quản tại các quốc gia trên.
Do đó, việc triển khai bom hạt nhân rơi tự do của Mỹ ở châu Âu không phải là một tin gì mới, mà đã xảy ra từ rất lâu trước cả cuộc khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ nảy sinh vào năm 2014. Nhìn từ góc độ này thì tuyên bố của đại diện phía Bộ Ngoại giao Nga mang tính chính trị nhiều hơn.
Tất nhiên, việc châu Âu vẫn còn sở hữu vũ khí hạt nhân chứng tỏ chúng hoàn toàn có khả năng được sử dụng trong một cuộc xung đột quân sự toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng cần phải biết rằng Mỹ hiện đang có khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân chiến lược được lắp chủ yếu vào các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Không thua kém Mỹ, ngoài số lượng vũ khí chiến lược tương đương, Nga còn sở hữu một kho dự trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ (trong số đó có cả các loại vũ khí dành cho tàu sân bay).
Xét về góc độ này, có vẻ như tiềm lực hai bên khá cân bằng, và việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ bất cứ bên nào, trên thực tế, cũng khó xảy ra. Bởi hậu quả của nó sẽ là một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu nhiều khả năng sẽ xóa sổ toàn bộ Mỹ cũng như Nga.
Mỹ tăng số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật
Cần khẳng định rằng Washington ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình, và thậm chí còn tổ chức hẳn một cuộc thảo luận chuyên gia về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân năng lượng thấp có độ chính xác cao để chống lại các quốc gia phi hạt nhân trong các cuộc xung đột cục bộ và khu vực.
Là một phần của chương trình này, biến thể mới của bom B61-12 hiện đang được phát triển. Xét về thông số kỹ thuật, nó có sức công phá tối thiểu chỉ tương đương 300 tấn TNT (nhưng ở chế độ công phá tối đa có thể đạt tới 50 kiloton), và độ lệch tâm chỉ 30 mét.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã cho sản xuất loại đầu đạn hạt nhân năng lượng thấp mới W76-2 cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II tại nhà máy Pantex Plant ở Texas. Theo thông tin công bố, đầu đạn W76-2 sẽ có sức công phá khoảng 5-7 kiloton và thuộc lớp vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Phải nói rằng cách tiếp cận này ít ảnh hướng đến sự cân bằng hạt nhân hiện đang kiềm chế cả Mỹ và Nga. Những phát ngôn kêu gọi hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân rõ ràng không thể ngăn cản việc phổ biến hạt nhân.
Tuy nhiên, những cách tiếp cận mới này có thể sẽ là động cơ thúc đẩy một số nước (ví dụ như Iran ) phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.