Tấn công Iran: Hậu quả Mỹ đón nhận cũng khủng khiếp như gây chiến với Nga!

Trung Phạm |

Iran từ lâu đã theo đuổi các chiến lược chiến tranh phi đối xứng có thể cho phép họ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với các lực lượng quân sự và lợi ích của Mỹ.

Lò lửa chiến tranh sôi sục

Dựa vào loạt thông tin xuất hiện dồn dập những ngày vừa thì dường như Mỹ và Iran đang tiến rất gần tới một cuộc xung đột vũ trang.

Trong tuần này, chỉ vài ngày sau khi Mỹ điều tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược đến Trung Đông để răn đe cái mà họ gọi là mối đe dọa đến từ Iran thì 2 tàu chở dầu của Saudi Arabia và một tàu của Na Uy đã bị hư hại trong hành động phá hoại bị cáo buộc là do Iran tiến hành trên Vịnh Ba Tư.

Mâu thuẫn giữa một bên là chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của vị tổng thống Cộng hòa quyết đoán Donald Trump và bên kia là một cường quốc Trung Đông cũng không kém phần cứng rắn khiến giới quan sát liên tưởng tới cuộc tấn công Iraq do Washington lãnh đạo năm 2003, dù khi nhìn lại thì hành động xâm lược đó được xem là thảm họa cho tất cả các bên tham gia.

Ngày nay, một số nhân vật diều hâu từng là kiến trúc sư cho cuộc chiến Iraq năm 2003 vẫn đang còn đó. John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump hiện nay từng là người giữ vai trò chủ chốt giúp cựu Tổng thống George W. Bush lên kế hoạch xâm lược ở Iraq, khi đó trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế.

Những hành động của John Bolton vào thời điểm đó lột tả ông ta là một người liều lĩnh. Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 14/5/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã gián tiếp ám chỉ đến John Bolton khi nói rằng "những cá nhân cực đoan trong chính quyền Mỹ tìm mọi cách đổ lỗi cho Iran về các sự cố ở Vịnh Ba Tư".

Tấn công Iran: Hậu quả Mỹ đón nhận cũng khủng khiếp như gây chiến với Nga! - Ảnh 1.

Không quân Mỹ gửi thông điệp cứng rắn tới Iran

Những hậu quả khủng khiếp nhất vẫn đang đợi Mỹ ở phía trước

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng như vậy nhưng một cuộc chiến tranh mới với Iran sẽ không chỉ đơn giản là một bản sao của cuộc chiến năm 2003 với Iraq. Cuộc đối đầu lần này sẽ phải chứng kiến nhiều sự khác biệt, và gần như chắc chắn sẽ tồi tệ hơn. Iran ngày nay là một quốc gia hoàn toàn khác so với Iraq năm 2003. Cách họ tham chiến chắc chắn cũng sẽ rất khác biệt.

Trước hết, Iran có diện tích và quy mô dân số lớn hơn so với Iraq thời điểm trước khi cuộc xung đột diễn ra năm 2003. Khi đó, dân số Iraq khoảng 25 triệu người còn dân số Iran hiện nay ước tính là hơn 82 triệu. Về diện tích, Iran rộng 591.000 dặm vuông so với 168.000 dặm vuông của Iraq.

Số liệu thống kê năm 2005 cho thấy, Quân đội Iraq có ít hơn 450.000 quân khi cuộc chiến bắt đầu còn Iran hiện nay theo ước tính đang có khoảng 523.000 quân thường trực cùng với 250.000 quân dự bị.

Tấn công Iran: Hậu quả Mỹ đón nhận cũng khủng khiếp như gây chiến với Nga! - Ảnh 2.

Nằm ở vị trí trung tâm Á - Âu, Iran có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thương mại quốc tế

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó chính là vị trí địa chiến lược của Iran. Không giống như Iraq, Iran là một cường quốc hàng hải, tiếp giáp biển Caspi ở phía Bắc, Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman ở phía Nam. Nước này cũng có chung đường biên giới trên đất liền với một số đồng minh của Mỹ như Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Nằm ở vị trí trung tâm Á - Âu nên Iran có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thương mại quốc tế. Khoảng 1/3 lưu lượng dầu lửa trên thế giới đi qua Eo biển Hormuz giáp với Iran và Oman. Tại chiều hẹp nhất, tuyến đường vận tải biển này chỉ rộng chưa tới 2 dặm. Do đó, việc đóng cửa Eo biển có thể khiến lượng xuất khẩu dầu toàn cầu giảm khoảng 30% mỗi ngày.

Xét về sức mạnh quân sự thông thường, Iran yếu hơn nhiều nếu so với Mỹ. Thế nhưng Iran từ lâu đã theo đuổi các chiến lược phi đối xứng có thể cho phép họ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và cũng là đơn vị độc lập với quân đội chính quy, đang chỉ huy một tổ chức vũ trang đặc biệt hoạt động ở nước ngoài có tên gọi Lực lượng Đặc nhiệm Quds.

Chính nhóm vũ trang đặc biệt này đã giúp Iran phát triển được một lực lượng ủy nhiệm rộng lớn hoạt động ở nhiều quốc gia khác như Iraq, Lebanon và Syria. Tổ chức vũ trang Hezbollah - một thế lực quân sự đáng gờm cũng do Iran tài trợ và điều khiển.

Iran đã từng sử dụng các nhóm vũ trang này để tấn công người Mỹ trước đây. Đầu năm nay, một báo cáo cập nhật của Lầu Năm Góc cho thấy, các lực lượng ủy nhiệm Iran đã sát hại ít nhất 608 lính Mỹ ở Iraq trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2011.

Tấn công Iran: Hậu quả Mỹ đón nhận cũng khủng khiếp như gây chiến với Nga! - Ảnh 4.

Lính Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran duyệt binh

Đặc biệt, Hải quân Iran có một lợi thế thực sự so với Mỹ. Họ thậm chí chẳng phải cần tới các tàu chiến cỡ lớn hoặc hỏa lực mạnh mới có thể phong tỏa được Eo biển Hormuz mà chỉ cần dùng thủy lôi hoặc tàu ngầm là cũng đủ sức làm gián đoạn hoạt hoạt động giao thương quốc tế.

Nhiều cuộc tập trận mô phỏng của Mỹ đã cho thấy, những cuộc tấn công liều chết bằng xuồng cao tốc và tên lửa có thể gây ra những thiệt hại đáng kinh ngạc đối với Quân đội Mỹ.

Báo cáo năm 2017 của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ đã chỉ ra rằng, hải quân của IRGC là lực lượng rất khác so với hải quân thông thường của Iran và họ thường ưu tiên sử dụng các tàu chiến nhỏ hơn, nhanh hơn nhưng vẫn được trang bị rất nhiều vũ khí và đã được giao thêm trọng trách bảo vệ Vịnh Ba Tư.

Tiếp nữa phải kể tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran mà theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì đó là một kho tên lửa đa dạng nhất cũng như lớn nhất ở Trung Đông. Phong trào vũ trang Hezbollah được cho là đang sở hữu một kho vũ khí khoảng 130.000 tên lửa.

Tấn công Iran: Hậu quả Mỹ đón nhận cũng khủng khiếp như gây chiến với Nga! - Ảnh 5.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận trên Vịnh Ba Tư

Do đó, nếu Mỹ muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Iran, có lẽ họ sẽ phải cần tới một nguồn nhân lực và sức mạnh rất to lớn, tương đương với việc dùng để đối phó với các cường quốc lớn hơn như Trung Quốc hoặc Nga.

Tờ New York Times ngày 13/4 đưa tin, quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã lên kế hoạch triển khai 120.000 binh lính tới khu vực nếu Iran tấn công các lực lượng Mỹ hoặc khởi động lại chương trình hạt nhân.

Thế nhưng, kế hoạch này cũng chỉ dựa trên kịch bản không liên quan đến hoạt động đổ bộ xâm lược vì khi đó sẽ phải cần tới nhiều quân hơn.

Cuộc chiến tranh Iraq có sự tham gia của 150.000 lính Mỹ cùng với hàng chục nghìn binh lính đến từ các quốc gia đồng minh. Năm 2013, chi phí tài chính cho cuộc chiến tranh Iraq đã được chốt ở mức hơn 2 nghìn tỷ đô la cùng với khoảng 400.000 người đã thiệt mạng trong giai đoạn từ 2003 - 2011.

Các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ tất nhiên biết rõ điều đó. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không thể tuyên bố rằng chẳng có lựa chọn quân sự nào tốt khi tấn công quân sự Iran bởi làm như vậy sẽ giảm đi sức ép mà Washington muốn tăng cường áp đặt lên Iran. Rõ ràng, đây là một chiến lược rủi ro mà thậm chí một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng đang tỏ ra lo lắng.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) và USS Abraham Lincoln (CVN-72) hoạt động song song trên biển Địa Trung Hải

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại