Quốc gia nào "to gan", dám vượt mặt Nga chuyển giao S-300 cho Mỹ?

Anh Tú |

Quân đội Mỹ có gặt hái được gì từ việc nghiên cứu S-300PT để hiểu biết thêm về các công nghệ phòng không hiện đại hơn của Nga hay không có lẽ vẫn cần phải chờ xem.

Trận địa tên lửa S-300 Nga trên đất Mỹ

Thời gian gần đây xuất hiện một loạt các thông tin cho thấy ít nhất một hệ thống tên lửa đất đối không S-300PT đã được chuyển giao cho Quân đội Mỹ để lực lượng này thực hành các bài tập kiểm tra đối kháng.

Mặc dù thời gian chuyển giao chính xác chưa được tiết lộ nhưng những hình ảnh vệ tinh đã xác nhận tại một trường bắn thử nghiệm của Quân đội Mỹ đã xuất hiện một hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6 và các bệ phóng di động 5P85.

Quốc gia nào to gan, dám vượt mặt Nga chuyển giao S-300 cho Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống S-300 gồm hai bệ phóng và một đài radar tại một thao trường huấn luyện của QĐ Mỹ

Việc Mỹ sở hữu được hệ thống S-300 là chưa từng có tiền lệ dù nước này đã có lịch sử lâu dài "sưu tập" các hệ thống chiến đấu trên không của Liên Xô để đánh giá hoạt động ngay từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh.

Điển hình trong số những hệ thống như vậy phải kể đến các máy bay tiêm kích thế hệ 3 MiG-21 và MiG-23, các tổ hợp phòng không S-75, 2K12 KuB do Ai Cập cung cấp từ những năm 1970, tiêm kích thế hệ 4 MiG-29 và Su-27 mua của Moldova và Belarus trong thập kỷ 1990 và thậm chí là J-7 do Trung Quốc sản xuất do chúng rất giống với MiG-21 Liên Xô.

Trong khi rất nhiều khách hàng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện nay đang hoặc đã từng vận hành các biến thể S-300 cũ như Bulgaria với S-300P, Slovakia với S-300PS hay Hy Lạp với S-300PMU-1 thì Ukraine gần như chắc chắn là quốc gia duy nhất tiếp cận được biến thể PT.

Quốc gia nào to gan, dám vượt mặt Nga chuyển giao S-300 cho Mỹ? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300P của Bulgary

Ukraine trước đây đã từng tỏ ra rất nhiệt thành, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia phương Tây để chia sẻ những công nghệ nhạy cảm thừa kế từ Liên Xô, kể cả việc cho phép tiếp cận không giới hạn các tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27.

Bên cạnh đó cũng từng xuất hiện nhiều thông tin cho thấy các phi công NATO đã được phép huấn luyện tác chiến với S-300 ngay tại Ukraine. Vì vậy, khi S-300PT xuất hiện trên đất Mỹ, mọi ánh mắt nghi ngờ một lần nữa lại đổ dồn về Ukraine.

S-300 vào tay Mỹ cũng vô dụng?

Hệ thống S-300 đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1978 và kể từ thời điểm đó đã có nhiều biến thể cải tiến khác được phát triển, trong đó S-300V4 - phiên bản hiện đại nhất mới đi vào phục vụ năm 2010.

S-300PT, đưa vào hoạt động năm 1982, được đánh giá là tân tiến hơn phiên bản gốc S-300P, trang bị tên lửa đất đối không 5V55KD có tầm bắn 90km với độ tấn công chính xác cao hơn.

Tuy nhiên, các khả năng tác chiến của S-300PT vẫn bị hạn chế bởi đầu đạn nhẹ 133kg, tốc độ di chuyển chậm (Mach 3,35) và số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc thấp.

Ngay cả ở trong Quân đội Ukraine, giá trị sử dụng của hệ thống tên lửa già cỗi này cũng rất giới hạn do S-300PT thiếu tính cơ động của các biến thể S-300 mới, không được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tầm ngắn bổ trợ hay hệ thống tác chiến điện tử đủ mạnh, khiến nó dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công.

Quốc gia nào to gan, dám vượt mặt Nga chuyển giao S-300 cho Mỹ? - Ảnh 3.

Kết quả nghiên cứu mà QĐ Mỹ thu nhận được từ S-300PT là không đáng lo ngại

Mức độ tương đồng giữa S-300PT với các hệ thống phòng không hiện đang được các đối thủ tiềm ẩn của Mỹ triển khai cũng rất hạn chế. Điều đó cho thấy, giá trị nghiên cứu mà Mỹ thu nhận được từ S-300PT là không đáng lo ngại.

Mặc dù nhiều hệ thống S-300PS mới hơn, phần nào đó tương đồng với S-300PT, đã được Nga triển khai từ năm 1985 nhưng hiện nay chúng cũng chỉ giữ một vai trò có giới hạn trong mạng lưới phòng thủ của Moscow và chẳng bao lâu nữa sẽ được thay thế bởi các tổ hợp phòng không tầm trung hiện đại hơn, tinh vi hơn là S-350.

S-300PT cũng chỉ đại diện cho một biến thể phòng thủ được Nga phát triển trong những năm 1990, chẳng hạn như S-300PMU-2 - hệ thống được thiết kế để đánh trả các đòn tấn công tầm xa chứ không chỉ là phòng thủ điểm tầm gần. Mặt khác, tổ hợp này còn có khả năng tấn công hàng chục mục tiêu cùng lúc với vận tốc siêu thanh ở khoảng cách gần gấp 3 lần S-300PT.

Các hệ thống cảm biến, tác chiến điện tử và tên lửa của những tổ hợp sản xuất ở thập kỷ 1990 cũng đều tiên tiến hơn nhiều so với các hệ thống tiền nhiệm thời Liên Xô.

Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn nếu kể tên tới các hệ thống được đưa vào sử dụng những năm 2000 như S-300VM hiện đang được vận hành ở Venezuela, đó là chưa tính tới S-300V4 hay S-400 sau này.

Cố gắng đánh giá các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại của Nga như S-400 hay S-300V4 thông qua việc nghiên cứu S-300PT - tổ hợp đã lùi xa về quá khứ từ cách đây cả 3 thế hệ chẳng khác nào việc thẩm định F-35 hiện nay của Mỹ dựa trên mẫu F-5A trước đây.

Do đó, liệu Quân đội Mỹ có gặt hái được gì từ S-300PT để hiểu thêm về công nghệ phòng không hiện đại hơn của Nga như S-300VM hay các tên lửa tiên tiến R-77 và R-27ER, có lẽ vẫn cần phải chờ xem.

Tên lửa S-300 phô diễn uy lực trong cuộc tập trận ngày 11/10

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại