Trong Thế chiến II, Điện Kremlin đã đương đầu với 8 cuộc không kích toàn diện. 15 quả bom bay, hơn 150 quả bom cháy - là những thứ đã tấn công "pháo đài" của Moscow. Nhưng Điện Kremlin gần như không bị thiệt hại đáng kể. Làm thế nào người Nga có thể thực hiện kỳ tích như vậy?
"Phù phép" Điện Kremlin hòa làm một với thành phố
Nikolay Spiridonov, sĩ quan chỉ huy trong Điện Kremlin (giai đoạn 1938-1953) là người rất quan tâm đến vấn đề an ninh của khu phức hợp này ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, theo RBTH.
Điện Kremlin không chỉ là thành trì của chính quyền Xô Viết, nó còn là biểu tượng tin h thần của đất nước. Vì vậy, Spridonov đã gửi một tin nhắn bí mật tới lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ Lavrentiy Beria, người đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch nhằm che giấu Kremlin ngay lập tức.
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi phải giấu đi 28 ha lãnh thổ khỏi tầm nhìn từ trên cao, bao gồm các tòa nhà cao tầng, như tháp Kremlin và tháp chuông Ivan Đại đế.
Kế hoạch bắt đầu bằng việc tất cả các tòa tháp trong Điện Kremlin được sơn lại bằng các màu khác nhau và được phủ bằng lều gỗ. Mọi mái nhà bên trong điện Kremlin đều được sơn màu nâu gỉ để làm cho chúng không thể phân biệt được với các mái nhà thường thấy ở Moscow.
Mặt đất ở Điện Kremlin lát đá cuội, được phủ đầy cát. Các tấm lều được sơn trông giống như mái nhà được trải dài trên các khu vườn Kremlin, cùng với mặt tiền của các tòa nhà cũng được sơn lại để gây nhầm lẫn cho các phi công Đức.
Kế hoạch khéo léo này được đưa ra bởi Boris Iofan, kiến trúc sư Xô Viết nổi tiếng và tài giỏi nhất thời bấy giờ.
Một trong những mục tiêu chính của kẻ thù là lăng Lenin. Công trình được giấu dưới một cái lều gỗ vuông khổng lồ để làm cho nó trông giống như một tòa nhà. Thi hài của cố lãnh tụ Lenin đã được chuyển ra khỏi thủ đô để bảo đảm an toàn và chỉ trở về vào năm 1945, theo RBTH.
Ngụy trang Moscow
Sự an toàn của Điện Kremlin không phải là mối quan tâm duy nhất. Trên thực tế, toàn bộ Moscow cũng được thực hiện các kế hoạch bảo vệ khác nhau. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được ban hành và hàng trăm ngàn người đã chung tay làm việc để bảo vệ thủ đô.
Dân số thành phố vào thời điểm đó là khoảng 4,6 triệu người. Nhiều công dân Moscow đã được huấn luyện phòng thủ dân sự trong những năm trước chiến tranh và giờ đây là lúc họ áp dụng vào thực tiễn.
Người Moscow bắt đầu che các cửa sổ bằng băng keo, thực hiện lệnh giới nghiêm một cách nghiêm ngặt (từ 12h đến 5 giờ sáng, tất cả hoạt động giao thông, gồm cả xe hơi và người đi bộ trên đường phố đều bị cấm). Hơn 200 nhà máy được sơ tán khỏi thành phố, trong khi hầu hết những nhà máy còn lại sản xuất hàng hóa, đạn dược và vật tư cho mặt trận.
Hơn 200 nghìn tình nguyện viên tham gia vào đội cứu hỏa. Hàng trăm ngàn người dân Moscow đã xây dựng các chướng ngại vật bên trong thành phố và thiết lập hai tuyến phòng thủ rộng lớn bên ngoài thành phố.
Các tòa nhà giả xuất hiện trên khắp thành phố, trong khi các tòa nhà thật không thể nhìn ra do sử dụng các thủ thuật che giấu.
Các tuyến đường phố được sơn lại trông như bãi đất, trong khi những con đường giả được tạo ra ở các khu vực không có người ở, như công viên, v.v. Đường cao tốc Leningrad, con đường chính giữa Moscow và phía Bắc, có mục đích chiến lược, vì vậy nó được che dấu đặc biệt kỹ lưỡng với màn che bằng gỗ bắt chước mái nhà.
Để che giấu các nhà máy chiến lược quan trọng, người dân đã tạo ra các bản sao ngụy trang. Ở vùng Nizhny Novgorod, một bản sao bằng kính và bìa cứng của nhà máy ô tô địa phương đã được thiết lập ở ngoại ô thành phố.
Bản sao được thắp sáng cả ngày lẫn đêm và rất nhiều quả bom của Đức đã ném nhầm xuống đó. Nhà máy thật được bảo vệ an toàn.
Tổng kết lại, Moscow đã phải hứng chịu 95 cuộc không kích của Đức vào ban đêm và 30 cuộc không kích vào ban ngày.
Tính đến tháng 4/1942, các cuộc không kích của Đức đã phá hủy 19 nhà máy (316 bị hư hại), 69 tòa nhà thành phố (110 bị hư hại), 226 ngôi nhà (641 bị hư hại).
May mắn thay, đó là lần cuối cùng Moscow rơi vào tình trạng nguy hiểm lớn đến như vậy.