Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran - Mỹ tiếp tục gia tăng, và Tehran tỏ ra sẵn lòng rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT) để theo đuổi vũ khí nguyên tử thì năng lực quân sự, đặc biệt là các phương tiện đường không và phòng không của Iran ngày càng trở thành đề tài tranh luận.
Thực lực Không quân Iran
Không quân Iran hiện có 16 phi đoàn máy bay chiến đấu. Do ngân sách quốc phòng hạn chế nên thành phần chính của các phi đoàn này là những chiếc máy bay có từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Iran giữa những năm 2000 đã khiến nước này càng ít lựa chọn khi muốn hiện đại hóa. Kết quả là, lực lượng không quân Iran trở thành cánh tay yếu nhất trong quân đội của họ.
Không quân Iran bao gồm 5 phi đoàn F-4D/ F-4E Phantom II, 3 phi đoàn F-5E/ F-5F Tiger II, 2 phi đoàn F-14 Tomcat và 2 phi đoàn MiG-29A/MiG-29UB, J-7M, Su-22M4/ Su-22UM-3Kvà Su-24MK mỗi loại 1 phi đoàn.
Phi đoàn số 16 gồm hai loại máy bay Mirage F-1E và F-5E. Thêm một phi đoàn F-4 Phantom nữa cũng có mặt trong biên chế Không quân Iran, mặc dù chúng là mẫu RF-4E - phiên bản được chế tạo để do thám tầm cao.
Tiêm kích F-4 Phantom của Không quân Iran.
Kể từ khi chính quyền thân phương Tây của ông Mohamed Reza Shah bị lật đổ năm 1979, Iran chỉ trang bị thêm 3 phi đoàn chiến đấu cơ mới, bao gồm các tiêm kích J-7 (Trung Quốc) và MiG-29 (Liên Xô), cuối những năm 1980.
Khoảng 12 chiếc Su-24 cũng được Iran mua về từ Liên Xô trong khoảng thời gian này, giúp hình thành nên phi đoàn hiện nay.
Số máy bay còn lại được thừa hưởng từ Không quân Đế quốc Iran, hoặc mua lại từ quốc gia láng giềng Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991.
Trong những năm 1970, Iran là khách hàng hàng đầu của khí tài Mỹ, đặc biệt Tehran là khách hàng duy nhất của F-14 Tomcat với 79 chiếc đã được chuyển giao.
Iran còn lên kế hoạch mua thêm 80 chiếc máy bay loại này cùng hơn 300 tiêm kích F-16. Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng của Tehran đã qua từ lâu, lực lượng không quân của họ ngày nay đã bị các đối thủ tiềm năng vượt mặt, trong đó có Mỹ, Saudi Arabia, Israel và cả UAE.
Tiêm kích J-7M của Không quân Iran.
Điểm yếu lớn nhất
Theo tạp chí MW, có lẽ điểm yếu lớn nhất của Không quân Iran là trong lĩnh vực tác chiến không-đối-không. Các mẫu máy bay hiện có của Iran tương thích với tên lửa không-đối-không tầm xa chỉ có F-14 - với khả năng triển khai tên lửa AIM-54 Phoenix và phiên bản nội địa Fakour-90, mang lại cho máy bay phạm vi tác chiến không-đối-không trên 200km.
Mặc dù các mẫu F-5E và F-4E đã được sửa đổi để tích hợp năng lực tác chiến không-đối-không tiên tiến - như F-5E của Đài Loan và Singapore được trang bị tên lửa Sky Sword II, AIM-120; F-4E trong tay Hy Lạp được trang bị AIM-120, thì các mẫu máy bay này của Iran lại không nhận được những nâng cấp tương tự.
Mẫu tiêm kích MiG-29A/UB đã được hiện đại hóa bởi phần lớn các quốc gia vận hành kể từ khi nó được đưa vào hoạt động, nhằm triển khai tên lửa không-đối-không tiên tiến. Tuy nhiên, Tehran chưa làm được điều đó, khiến các máy bay MiG-29 của nước này không tương thích với tên lửa R-77 và R-27.
Tên lửa không-đối-không tầm xa Fakour-90.
Điều đó có nghĩa, hiện nay chỉ có duy nhất các phi đoàn tiêm kích F-14 (2 trong số 17 phi đoàn của Iran - nếu tính cả phi đoàn RF-4E) là có khả năng tác chiến tầm xa trên không, số còn lại đều bị các đối thủ của Iran vượt xa về tầm bắn với tên lửa AIM-120B và AIM-120C.
Trước tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ - với tên lửa AIM-120D tầm bắn 180km - thì bất lợi của Không quân Iran là quá lớn.
Iran đã không hiện đại hóa được các mẫu máy bay mà trong tay nhiều quốc gia khác, chúng có thể được sửa đổi để tương thích với những loại tên lửa hiện đại. Đây là một thất bại lớn của Tehran.
Tiêm kích F-14 Tomcat của Iran.
Mặc dù Iran đang cân nhắc mua các tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30 của Nga, thậm chí đề nghị ký hợp đồng lắp ráp và hợp tác sản xuất trên lãnh thổ của họ nhưng phương án đơn giản hơn (mà lại hiệu quả cao hơn) bước đầu dành cho Iran là nâng cấp các phi đoàn MiG-29 hiện nay lên chuẩn MiG-29M nhờ sự hỗ trợ của Nga.
Tehran có thể trang bị cho chúng các tên lửa không-đối-không R-77 và R-27ER/ET bởi Iran từng thất bại khi phát triển các mẫu tên lửa nội địa với khả năng tương tự cho các mẫu F-4 và F-5.
Tương lai của Không quân Iran sẽ ra sao? Chúng ta vẫn cần phải chờ đợi để nhận được câu trả lời.
Đoạn phim giả định F-14 Iran đối đầu MiG-21 Iraq ở vịnh Ba Tư