Mỹ đang chế tạo chuyên cơ “Air force One” thế hệ mới

Quang Huy |

Nếu công tác lắp ráp các máy bay chuyên cơ "Air Force One" này triển khai theo đúng kế hoạch, thì ai đó trong số những tổng thống tương lai của Mỹ sẽ được sử dụng vào năm 2024.

Chiếc chuyên cơ mới dành cho các Tổng thống Mỹ sẽ là máy bay Boeing 747 mới toanh. Đơn đặt hàng chế tạo chiếc máy bay này đã được Lầu Năm góc công bố chính thức, và "Air force One" dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2024.

Trong khi Mỹ đang tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống mới của mình thì Lực lượng Không quân Mỹ chuẩn bị cho quá trình chế tạo chiếc chuyên cơ "Air force One" mới – phương tiện để chở tổng thống Mỹ đi khắp nơi trên thế giới

Ý tưởng đặt tên riêng cho các máy bay chở nhân vật cao cấp nhất của đất nước xuất hiện vào năm 1953, sau sự cố liên quan tới chiếc máy bay của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Dwight D. Eisenhower (khi đó ông sử dụng chiếc máy bay động cơ cánh quạt Constellation của Lockheed).

Chiếc máy bay này vô tình lại trùng tên với một chiếc máy bay thương mại trong một khu vực không phận.

Việc thay đổi máy bay chuyên chở tổng thống ở Mỹ không phải là công việc thường xuyên diễn ra, hơn nữa, các máy bay này không được chế tạo dành riêng cho một tổng thống nào của Mỹ.

Hiện nay, các máy bay phục vụ Tổng thống Barak Obama là Boeing 747-200 phiên bản cũ, mang số hiệu 28000 và 29000, từng thuộc quân số của Lực lượng Không quân Mỹ từ năm 1990, dưới thời tổng thống George Bush cha.

Mỹ đang chế tạo chuyên cơ “Air force One” thế hệ mới - Ảnh 1.

Các máy bay chuyên cơ Air Force One hiện tại của Tổng thống Obama.

Hôm 10/5/2016, trên trang điện tử của chính phủ Mỹ về mua sắm công Federal Business Opportunities, Lực lượng Không quân Mỹ đã công bố thông tin mới liên quan tới bản hợp đồng từng công bố trước đó cho phép tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing bắt đầu triển khai các hoạt động thiết kế sơ bộ.

Từ hồi tháng 1/2015, Lực lượng Không quân Mỹ đã thông báo rằng, chiếc máy bay chuyên chở tổng thống thế hệ mới sẽ là Boeing 747-800.

Nếu công tác lắp ráp các máy bay chuyên cơ này triển khai theo đúng kế hoạch, thì ai đó trong số những tổng thống tương lai của Mỹ sẽ được sử dụng nó vào năm 2024.

Dự kiến chuyên cơ mới sẽ có thời hạn phục vụ tối thiểu 30 năm. Tuy nhiên, theo một số thông tin chính xác do giới quân sự công bố cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định cắt giảm đơn đặt hàng của mình:

"Nếu như trong bản hợp đồng công bố trước đây có đề cập tới 3 chiếc chuyên cơ thì hiện nay số lượng này giảm xuống chỉ còn 2 chiếc."

Bản hợp đồng này liên quan tới việc tái trang bị cho hai chiếc máy bay đang được sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh và tạo sự thỏa mái cho nhân vật đứng đầu nhà nước, tuy nhiên tổng giá trị bản hợp đồng này không được tiết lộ.

Những yếu tố tác động lên giá thành hợp đồng – đó là dịch vụ bảo dưỡng, khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không và lắp đặt các hệ thống thông tin liên lạc bảo mật hiện đại.

Theo các tài liệu đăng tải trên trang điện tử của Nhà Trắng, các chuyên cơ tổng thống hiện nay được trang bị hệ thống điện tử có khả năng chịu được các xung điện từ mạnh, còn hệ thống liên lạc bảo mật cho phép biến chuyên cơ chở thành trung tâm chỉ huy cơ động trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc Mỹ bị tấn công.

Theo quy định hiện hành, Lực lượng Không quân Mỹ phải hỗ trợ cất cánh tối thiểu 2 chiếc máy bay tại căn cứ không quân Andrews ở Maryland để ít nhất một chiếc chuyên cơ có thể cất cánh.

Theo các tính toán của Lực lượng Không quân Mỹ vào năm 2010, tỷ lệ 2 chiếc Boeing 747-8 có thể sẵn sàng cất cánh ngay lập tức là 56%, còn các máy bay Boeing 747-200 hiện nay chỉ đáp ứng 28%.

Các chuyên cơ Boeing 747-200B hiện tại có diện tích mặt sàn 450m2 ở 3 tầng, bao gồm văn phòng của tổng thống, phòng họp, 2 nhà bếp có thể chuẩn bị bữa ăn cho 100 người cùng một lúc, phòng dành cho Mật vụ Mỹ, các phòng dành cho phóng viên và cố vấn tổng thống.

Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ có 26 thành viên phi hành đoàn và ngoài ra còn có thể chở được khoảng 100 người, trong đó có tổng thống, các nhân vật thân cận, bộ phận bảo vệ, nhân viên phục vụ,…

Nếu như chiếc máy bay chở khách bình thường Boeing 747-200 có trần bay tối đa là 13.750m thì chuyên cơ Air force One có thể bay ở độ cao tối đa 15.000m, nhưng không quá 1 tiếng đồng hồ.

Air force One không được trang bị bất cứ loại vũ khí nào, tuy nhiên, ở phần trên của máy bay có lắp đặt hệ thống antenna khổng lồ để hỗ trợ liên lạc với các vệ tinh, gồm cả những vệ tinh quân sự.

Ngoài ra, chúng cũng được trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa, bao gồm các thiết bị gây nhiễu điện tử và hồng ngoại cùng các loại mồi bẫy đánh lừa tên lửa,…

Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh rằng, giống như tất cả các máy bay chở khách khác, chuyên cơ của Tổng thống Mỹ không được gia cố hệ thống thân vỏ, có nghĩa là nó sẽ là mục tiêu bị bắn hạ đối với các loại súng sử dụng đạn 20 và 30mm.

Trong một diễn biễn khác để di chuyển khắp nơi trên thế giới, tổng thống Nga sử dụng máy bay IL-96-300PU. Vào năm 2012, chính phủ Nga đã mua 4 chiếc máy bay kiểu này với tổng giá trị lên tới hơn 17 tỷ rúp.

Đến cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga lên kế hoạch tiếp nhận chiếc máy bay "Ngày phán xét" chuyên để Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh quy mô.

Chiếc máy bay này cho phép điều khiển các đơn vị vũ trang khi triển khai những hành động quân sự có sử dụng vũ khí bình thường và vũ khí hạt nhân.

Chúng đáp ứng được điều kiện chiến tranh điện tử khi trên mặt đất không có cơ sở hoặc các điểm chỉ huy mặt đất và hệ thống đường dây thông tin liên lạc bị hỏng hóc. Chi phí của dự án này không được phía Nga công bố.

(Theo Discussio.ru)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại