Đầu tháng 6/2020, Thượng nghị sĩ cả 2 đảng của Mỹ đã đề xuất dự luật nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2).
Trước đó, ngay từ ngày 20/12/2019, Tổng thống Mỹ Trump đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2020, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân liên quan đến dự án đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream-2.
Là một dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và châu Âu, tại sao dự án Nord Stream-2 phải thường xuyên chịu lệnh trừng phạt của Mỹ?
Trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga và Đức đã thể hiện thái độ giống nhau một cách đáng ngạc nhiên, đó là kiên quyết phản đối và tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện dự án. Vậy dự án có lợi ích chiến lược quan trọng nào đối với Nga và châu Âu? Mỹ có "tư duy" chiến lược nào đằng sau Nord Stream-2?
Dự án Nord Stream-2 kết nối trực tiếp giữa Nga và Đức. Nguồn: people.com.cn.
Dự án Nord Stream-2 có tác động lớn đến châu Âu
Nord Stream-2 là một dự án hợp tác của Gazprom và năm công ty châu Âu. Mục tiêu của nó là đặt một đường ống khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức qua biển Baltic, có thể "lách" qua Ukraine để vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Đức và sau đó thông qua tuyến đường ống vận chuyển chính của nước này để đi đến các nước châu Âu khác.
Một khi Nord Stream-2 hoàn thành, nó sẽ ràng buộc chính trị và ngoại giao giữa Nga với châu Âu, thậm chí mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa Nga và châu Âu sẽ được xoa dịu. Do vậy, dự án đã liên tục gặp trở ngại.
Trước khi có Nord Stream-2, gần một nửa xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu phải đi qua Ukraine, trong khi đó xuất khẩu khí đốt tự nhiên là mũi nhọn kinh tế chiến lược của Nga.
Do đó, Ukraine coi tuyến đường ống vận chuyển là một con bài mặc cả quan trọng trong quan hệ Nga-Ukraine hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan năm 2019 đã cho biết, nếu lượng khí tự nhiên của Nga quá cảnh qua Ukraine bị giảm, Ukraine sẽ không chỉ mất một phần lớn nguồn kinh tế mà còn phải tập trung ngăn chặn "sự xâm lược" của Nga.
Một khi dự án Nord Stream-2 thông khí, lượng vận chuyển lớn nhất hàng năm có thể đạt tới 55 tỷ m3. Thêm vào đó, khi dự án TurkStream (dự án đường ống khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ) đưa vào sử dụng, vai trò của Ukraine trong hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga gần như trở về con số 0.
Ban đầu, khi Nord Stream-2 được đưa ra đã xuất hiện nhiều tranh cãi trong EU, trong đó, Ba Lan quốc gia mới của EU là nước phản đối mạnh mẽ nhất dự án hợp tác giữa Nga và Đức này.
Chính phủ Ba Lan tin rằng, dự án sẽ cho phép khí đốt tự nhiên của Nga được giao trực tiếp cho Đức, điều này sẽ tăng cường sự phụ thuộc của EU vào khí đốt tự nhiên của Nga và gây tổn hại cho lợi ích chung của EU.
Đằng sau những tranh cãi này là động cơ chính trị, lợi ích kinh tế của từng quốc gia.
Dự án Nord Stream-2 bắt đầu từ St. Petersburg, Nga và kết nối trực tiếp với thành phố Greifswald ở phía đông bắc nước Đức, đường ống này đi qua biển Baltic và không đi qua lục địa châu Âu, điều này làm Ba Lan và một số quốc gia khác mất đi một khoản chi phí khổng lồ từ Nga trong việc quá cảnh khí đốt.
Quan trọng hơn, dự án này sẽ làm các quốc gia trên mất đi "thẻ đánh bạc" trong trò chơi chính trị đối với Nga.
Nord Stream-2 phơi bày sự tư lợi của Mỹ. Nguồn: people.com.cn. |
Mỹ tăng cường kìm kẹp Nga và Đức nhằm ngăn chặn Nord Stream-2
Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của Đức đứng vị trí hàng đầu châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Đức cũng giữ một vai trò quan trọng hàng đầu trong các vấn đề của châu Âu.
Gần đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vai trò của Đức càng thêm quan trọng hơn, trong đó Đức đã thúc đẩy xây dựng hệ thống tín dụng EU, đẩy nhanh tiến trình hợp nhất của Quân đội châu Âu cũng như tiến trình tự chủ nghiên cứu và phát triển vũ khí.
Đặc biệt, từ ngày 1/7, Đức còn giữ vai trò chủ tịch luân phiên EU và đã đưa ra khẩu hiệu "Làm cho châu Âu mạnh mẽ trở lại".
Điều quan trọng nhất là Đức và Nga đã thể hiện quan điểm đồng thuận về dự án Nord Stream-2, vì vậy Mỹ đã không ngừng thể hiện thái độ cứng rắn đối với Đức.
Vừa qua, Mỹ đã tiến hành một số hành động nhằm "kìm nén" Berlin, Tổng thống Trump hôm 22/6 tuyên bố rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức, và cho đến nay điều này được Mỹ sử dụng như một quân bài để mặc cả với Đức.
Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc Đức đã tài trợ cho "lực lượng tự trị" ở Seattle giữa lòng nước Mỹ, số tiền viện trợ lên đến 9 triệu Euro.
Về phía Đức, Berlin đang xem xét thúc đẩy EU phối hợp chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án Nord Stream-2. Nếu các biện pháp chống trừng phạt được thực thi, Mỹ chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng để "đàn áp" Đức.
Vào thời điểm đó, mối quan hệ Mỹ-Đức có thể bị "đóng băng", việc triển khai chiến lược quân sự liên quan đến NATO sẽ bị hạn chế và thỏa thuận hợp tác giữa hai bên sẽ bị tạm thời hủy bỏ.
Còn đối với Nga, Moscow và Washington luôn giằng co nhau trong lĩnh vực quân sự. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga rơi vào tình trạng bị phong tỏa kinh tế và cô lập chính trị do Mỹ.
Trong đó, về mặt kinh tế, Mỹ đã thúc đẩy Ukraine và một số quốc gia khác "ép" phí quá cảnh khí đốt, làm cho hoạt động xuất khẩu khí đốt không đủ lợi nhuận.
Dự án Nord Stream-2 sẽ cho phép Nga thoát khỏi sự bao vây, cấm vận của Mỹ, mục đích của dự án này gồm:
Thứ nhất, đáp trả hiệu quả các hành động phong tỏa kinh tế của Mỹ và mở ra một cục diện phát triển kinh tế mới;
Thứ hai, trên phương diện chính trị, dự án là nền tảng để Nga tiến hành ngoại giao "đường ống khí đốt", dự kiến Nga và châu Âu sẽ tiến tới một "thời kỳ mơ hồ" sau khi dự án này đi vào hoạt động.
Mỹ khó có thể "lung lay" ý chí của Nga và Đức đối với dự án này. Nguồn: Ria |
Kể từ khi bắt đầu dự án Nord Stream-2, mối quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu đã dần rạn nứt. Đến tháng 6/2020, vết nứt này đã rõ ràng hơn. Một mặt, Mỹ chỉ trích Đức hợp tác với Nga đã làm giảm áp lực của Washington lên Moscow trong lĩnh vực kinh tế. Mặt khác, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Đức, không tiếp tục làm "người bảo vệ" nước Đức.
Ngoài ra, hành động trừng phạt Nord Stream-2 của Mỹ đã chạm đến lợi ích của hầu hết các nước EU. Hiện, EU đang chuẩn bị áp thuế kỹ thuật số đối với các công ty Internet của Mỹ ở châu Âu. Ngày 17/6, Mỹ đã đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán với EU về thuế dịch vụ kỹ thuật số.
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, Mỹ tập trung vào việc ngăn chặn và kiềm chế Nga. Nhìn lại lịch sử, một lý do quan trọng khiến Liên Xô cũ thua Mỹ là vì không có lợi thế kinh tế nổi bật.
Tuy nhiên, Liên Xô cũ đã từng thắng thế trong Chiến tranh Lạnh khi dựa vào nguồn năng lượng gần như vô tận trong lãnh thổ của mình. Có thể nói rằng năng lượng đã hỗ trợ cho nền kinh tế của Liên Xô cũ và Nga.
Hiện nay, nền kinh tế Mỹ và Nga đã sớm không còn mối ràng buộc hay liên hệ nào, nếu Mỹ muốn "đàn áp" Nga, thì Washington phải "đàn áp" thị trường năng lượng toàn cầu.
Trong tương lai, nếu Mỹ mất quyền phát ngôn trong lĩnh vực năng lượng, điều này sẽ gây bất lợi cho các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Sau khi dự án Nord Stream-2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, Nga sẽ tăng tốc xâm nhập vào châu Âu bằng phương thức năng lượng và làm chủ thị trường năng lượng châu Âu.
Xuất phát từ vấn đề này, Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream-2, tuy nhiên các biện pháp của Mỹ không những không nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu mà còn gặp phải sự phản kháng của các nước này. Điều này cũng gián tiếp giúp đẩy nhanh tiến trình thực hiện kế hoạch chiến lược của Nga.