Mỹ có thể diệt S-400 nếu muốn: Tên lửa Nga chào thua đòn tấn công của liên quân vào Syria?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Người ta đang nghe thấy sự ồn ào từ phía Mỹ, dậy lên những ý kiến chê bai dòng tên lửa S-400 Nga vốn "đang nổi danh như cồn".

Không có gì lạ! trong thương trường, toan tính dìm hàng nhau là lẽ thường tình. Điều này chỉ có thể phân định "của thật", bằng chính khách hàng sử dụng. Quả là chưa có cơ hội trong thực chiến, S-400 không dễ để số đông bình giá.

Nhưng may thay có các nhà chuyên môn rất hẹp, về từng loại hình công nghệ quân sự, từ các bộ óc "có sạn" của nhiều quốc gia phân tích. Vì thế kết luận tên lửa S-400 của Nga tốt hay không, phải là ý kiến đánh giá của các bậc chuyên gia.

Mỹ có thể diệt S-400, nếu muốn?

Mới đây, National Interest trích dẫn lời các quan chức Mỹ, họ khẳng định rằng các phương tiện phòng không ở Syria do Nga sản xuất dường như đã chào thua đòn tấn công của lực lượng Mỹ và đồng minh trong cuộc bắn phá hôm 14-4 vừa qua!

Các quan chức Mỹ cho rằng, S-400 Triumf không có gì ghê gớm cả, rằng vũ khí Mỹ có thể hạ bệ thần tượng này! Trước đó, trang Business Insider từng cho rằng, vũ khí đầu tiên Không quân Mỹ sẽ sử dụng "hạ bệ S-400" nằm trong bộ ba tên lửa HARM, JSOW và tên lửa mỗi bẫy ADM-160MALD.

Tiêm kích F/A-18 mang tên lửa MALD có thể phát tín hiệu phát xạ gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ một máy bay tàng hình.

Bằng cách đó, nó làm cho phòng không Nga không phân biệt được mục tiêu thật/giả. MALD được triển khai từ một máy bay.

Trong suốt hành trình bay trên không phận của đối phương, nó di chuyển theo một đường bay được lập trình từ trước (có thể tái lập trình) và tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến, điều này làm phòng không đối phương không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, bị quá tải và bị gây nhiễu chủ động.

Ngoài ra, MALD cũng tái tạo lại tín hiệu giả của các pháo đài bay như B-52H hay máy bay tàng hình như B-2 Spirit. Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự Mỹ, MALD có thể thách thức hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Mỹ có thể diệt S-400 nếu muốn: Tên lửa Nga chào thua đòn tấn công của liên quân vào Syria? - Ảnh 1.

Tên lửa Nga triển khai ở Syria.

….Rằng, sau khi hệ thống phòng không của đối phương bị gây nhiễu và không phân biệt đâu là mục tiêu thật giả, tên lửa AGM-88 HARM chống radar bắt đầu nhập cuộc. Để tăng độ chính xác khi diệt mục tiêu, AGM-88 được tích hợp hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM của Không quân Mỹ, nhằm nâng cao khả năng chính xác và giảm thiệt hại phụ trong quá trình sử dụng.

HCSM được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU giúp nó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa.

Tên lửa chống radar cao tốc AGM-88 là một trong những vũ khí quan trọng của Không quân Mỹ giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của Quân đội Mỹ

Họ cho rằng AGM-88 sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối theo nguyên lý bám theo cánh sóng radar để đánh vào anten máy phát. Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, AGM-88 là bài toán khó đối với hệ thống đánh chặn. Phá hủy trạm radar khống chế hệ thống phòng không.

Mỹ có thể diệt S-400 nếu muốn: Tên lửa Nga chào thua đòn tấn công của liên quân vào Syria? - Ảnh 2.

Sau đó tên lửa (bom liệng) JSOW tiếp tục nhập cuộc. Mỹ có loại tên lửa AGM-154 JSOW được thiết kế không có động cơ tên lửa, loại đạn này chủ yếu sử dụng các cánh ổn định và cánh ngang (được bung ra sau khi đạn rời bệ phóng) để bay lượn theo quán tính có được sau khi rời bệ phóng từ máy bay trước khi tiếp cận mục tiêu.

JSOW cho phép tung ra những đòn tấn công tiêu diệt các căn cứ, hệ thống phòng không. Theo nhà sản xuất Raytheon, JSOW có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau với sai số tâm mục tiêu (CEP) chỉ 3 m, có thể mang nhiều loại đầu đạn và tấn công cả các mục tiêu kiên cố bên trong các hầm ngầm.

Với đòn phối hợp của bộ 3 vũ khí kể trên, tạp chí Business Insider cho rằng sẽ không có bất cứ mục tiêu nào có thể thoát đòn tấn công Mỹ dù đó là hệ thống S-400 tối tân của Nga!

Nói gì thì nói, người Nga đã có các dòng tên lửa phòng không "hữu sự tự nhiên hương" qua thực chiến, như S-75 (SAM-2) ở Việt Nam, như S-125 ở Nam Tư…

Mỹ có thể diệt S-400 nếu muốn: Tên lửa Nga chào thua đòn tấn công của liên quân vào Syria? - Ảnh 3.

Tên lửa S-75 (SAM-2) ở Việt Nam

Hãy đọc kỹ tạp chí VKO của Nga, người ta chợt thấy, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, Nga rất chú trọng tổng kết chiến thuật. Các tướng lĩnh Nga luôn nằm lòng vấn đề bí mật lực lượng. Đặc biệt là S-400 chưa "ra ràng’ khai hỏa. Họ biết rõ Mỹ muốn soi mạnh yếu của S-400 qua đợt công kích này lắm!

Bằng chứng đây: Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/4 mới đây, sau vụ không kích, viên Trung tướng thủy quân lục chiến Mỹ Kenneth McKenzie, Tham mưu trưởng liên quân của Lầu Năm Góc cho biết các hệ thống phòng không Nga đã được kích hoạt, chúng quét mục tiêu và ở trong trạng thái phòng không, nhưng không tiến hành đánh chặn.

Cũng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng phía Nga không huy động (để khai hỏa) các hệ thống phòng không, trong thời gian diễn ra cuộc tấn công bằng tên lửa dội vào lãnh thổ Syria.

Bằng logic biện chứng, người ta có thể suy luận, Nga đã khóa các mục tiêu, "không sót một con", nhưng việc khai hỏa thì khác. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do một số mục tiêu bay quá thấp ở cự ly xa, (so với căn cứ Nga) trên đất Sirya, mà Nga chưa bố trí tầng tầng lớp lớp tên lửa các loại như ở "quê nhà".

"Phản lý sự"

Về kỹ thuật, chẳng dễ phân tích. Người đứng đầu Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự (FSMTC), ông Dmitry Shugaev đã công bố ưu điểm của S-400 đối với một số tính năng là không thể phủ nhận.

"Ngay cả ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, không có tên lửa tương tự nào độc đáo như hệ thống S-400 của Nga, kể cả American Patriot. Vì S-400 có chất lượng vượt trội", D.Shugaev nói với Interfax.

Để so sánh với ‘hàng’ của Mỹ, một chuyên gia quân sự chuyên biên tập trang Vestnik PVO, ông Said Aminov, cách đây chưa lâu từng so sánh khả năng của hai hệ thống và lý giải tại sao lá chắn S-400 lại ưu việt hơn Patriot nhiều.

Bệ phóng Patriot của Mỹ thực chất chỉ làm việc ở một hướng nhất định vì bệ phóng là kiểu phóng nghiêng. Nếu đối phương đánh tập hậu từ phía sau thì về thực chất, hệ thống không bảo đảm được chức năng của mình.

S-400 của Nga thì không bị nhược điểm đó vì tên lửa của Triumf phóng thẳng đứng, hệ thống bảo đảm bắn các mục tiêu ở tất cả các hướng trong phạm vi 360 độ.

Ông Aminov cũng nêu ra yếu tố tầm bắn của hai hệ thống khác biệt rất lớn: "Các tên lửa dành cho các biến thể cơ sở của Patriot là PAC-1 và PAC-2 có tầm bắn đến 160 km, trong khi các tên lửa họ 48N6 có tầm tối đa đến 250 km" và loại đạn mới đạt 400km.

Triumf có thể sử dụng đến 6 loại tên lửa khác nhau, có thể tiêu diệt toàn phổ các mục tiêu bay, trong đó có các mục tiêu phức tạp như tên lửa bay thấp, bom đạn chính xác cao, tên lửa đường đạn.

Các tên lửa của Triumf có thể tiêu diệt mục tiêu đường đạn bay với tốc độ 4.500 m/s, Patriot không có khả năng này. Aminov cho biết, thậm chí đã xảy ra những trường hợp "quân ta bắn quân mình" khi Patriot hạ gục liền... máy bay của quân nhà.

Ông Aminov đánh giá chung, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf tạo ra lá chắn phòng không bảo vệ các mục tiêu chắc chắn hơn Patriot của Mỹ.

‘Cái ô’ S-400 Nga che đầu, sẽ rộng hơn nhiều và bao trùm hơn của Mỹ. Đó sẽ là một thứ bán cầu vòng tròn bao trùm mục tiêu. Về tầm bắn, hệ thống của Nga vượt trội hệ thống của Mỹ ít nhất 1,5 lần đối với các mục tiêu khí động và ít nhất 2,5 lần, đối với mục tiêu đường đạn.

Người thực, việc thực: Các sĩ quan thuộc trung đoàn S-400 gần Moscow đã nói với ông Alexei Egorov, một chuyên gia quân sự, kênh truyền hình Zvezda về khả năng độc đáo của tổ hợp phòng không như sau:

S-400 Triumph hiện đại. Tính đồng nhất của hệ thống là nó có radar thông minh mới, có khả năng phi thường. Ví dụ, radar nhìn thấy tất cả các vật thể trong không gian rộng lớn, ngay cả những chiếc máy bay nhỏ nhất cũng bị chú ý.

Đáng nể là radar nhận ra và các mục tiêu mặt đất, tốc độ chậm, ví dụ, xe tải trên đường cao tốc, nó có thể phân biệt chúng với vật thể bay trên không !!! "Ngay cả khi máy bay sẽ ở độ cao thấp và ở cùng tốc độ với chiếc xe, radar vẫn sẽ nhận ra nó và đưa ra chỉ số mục tiêu ".

Các sĩ quan cũng đảm bảo với các nhà báo rằng sự kiện 1987 do phi công trẻ người Đức Matthias Rust, bay máy bay động cơ nhẹ qua biên giới Liên Xô và hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ, nay là không thể. Các hệ thống phòng không hiện đại ngay lập tức nhận ra kẻ xâm nhập.

Với các chuyên gia phòng không, điều quan trọng trước tiên là hệ thống S-400 phải nhận được tín hiệu (đủ loại của đối phương) từ rất xa, rất thấp, hoặc rất cao, bất kể số lượng ít, hoặc nhiều, đến rất nhiều một cách chính xác.

Hệ thống trinh sát vòng ngoài và vòng trong của S-400 có radar 91N6E, radar đa chức năng 92N6E có tháp anten cao bắt cực thấp và radar 96L6E (bắt cao cực đại).

Mỹ có thể diệt S-400 nếu muốn: Tên lửa Nga chào thua đòn tấn công của liên quân vào Syria? - Ảnh 5.

Cấu hình cơ bản của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Nga.

Ngay báo Mỹ mới đây dẫn đánh giá của chuyên gia quân sự hàng đầu Carlo Kopp, cho rằng S-400 Triumf có thể trang bị radar đặc biệt được thiết kế để tiêu diệt máy bay hiện đại ở tầng thấp, S-400 có loại tên lửa không chỉ bay với vận tốc 5km/giây mà còn có khả năng triệt hạ các mục tiêu đang bay ở độ cao 5 mét so với mặt đất.

Ngày 25 tháng 4 mới đây, TASS đưa tin, chính thức radar cảnh giới vòng ngoài, từ xa, của Nga có tên Sky-M được lệnh "đưa vào nhóm A" (nhóm sẵn sàng chiến đấu), cho trung đoàn 14 và trung đoàn phòng không vùng Penza. Còn trạm radar "Sky-U" đã bắt đầu nhiệm vụ cảnh báo trong khu vực Irkutsk.

Trạm "Sky-M" được thiết kế để phát hiện, xác định tọa độ các mục tiêu nhiều loại từ máy bay đến tên lửa dẫn đường, bao gồm cả siêu âm cỡ nhỏ, đạn đạo, có sử dụng công nghệ tàng hình ở khoảng cách lên tới 600 km. Có các trạm này liên thông tin tức, S-400 sẽ chủ động đón đánh tốt hơn nữa.

Chỉ có điều là giờ đây CIA, cùng các cặp mắt cú vọ thuộc tình báo NATO chưa thể biết, xe điều khiển, tính toán, ngắm bắn 55K6E của tổ hợp S-400 này sử dụng thuật toán nào, để điều khiển liên tục 4 loại đạn của S-400 (giành cho từng loại mục tiêu). Để S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km.

Lưu ý S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao, cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

Và… S-400 không bao giờ bố trí một mình. Hỏa lực nhiều tầng quanh nó còn có cả tá vũ khí phòng không "cũng nổi danh như cồn" của Nga giăng lưới chứ!

Tiến sĩ khoa học lịch sử Alexei Podberezkin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự-Chính trị thuộc trường MGIMO (Nga) đã bóc mẽ thái độ "dìm hàng" S-400:

"Đây là toan tính nhằm phá hoại uy tín của Nga. Người Mỹ chẳng mấy quan tâm đến chuyện cần dựa trên cơ sở nào để phán xét chê bai. Họ biết rõ các dữ liệu chiến thuật-kỹ thuật cũng như kết quả thử nghiệm thao trường của những hệ thống này.

Đó là hệ thống siêu hiện đại có khả năng đồng thời theo dõi hàng chục cuộc tấn công tên lửa trên vài chục kênh chứ không phải chỉ một hoặc hai, ở độ cao tới 30 km, tầm xa là 400 km hoặc nhiều hơn.

Khả năng triệt hạ mục tiêu của S-400 hoàn toàn đa dạng: từ tên lửa hành trình cho đến tên lửa đạn đạo tầm trung, vươn đến những điểm cuối của chuyến bay. Không một hệ thống nào khác có khả năng siêu việt như vậy. Không cần đặc biệt tán dương S-400 bởi nó đã nổi tiếng.

Còn khi người ta cố gắng rêu rao rằng nó không đủ hiệu quả, thì đó chỉ đơn giản là sự hoang tưởng. Vì bây giờ đang có thực tế khách hàng mua đang xếp hàng để được nhận S-400… Tôi nghĩ rằng lượng đơn đặt hàng của "Almaz-Antaeus" (tập đoàn Nga về phát triển và sản xuất vũ khí) bây giờ đủ cho công việc 10-15 năm".

Người Mỹ biết, không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đã và đang cần mua S-400, mà cách đây mới 5 tháng, (tháng 11 năm 2017), Liên bang Nga đã thông báo rằng hợp đồng cung cấp S-400 cho Saudi Arabia đã được ký kết.

Số là, vào tháng 10 năm 2017, trong chuyến thăm của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz al Saud tới Nga, một gói các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự trị giá 3 tỷ đô la đã được thảo luận. Trong đó có tiền cho 4 tiểu đoàn S-400.

Nga từng tuyên bố rằng đến năm 2020, sẽ có ít nhất 56 trung đoàn S-400 đưa vào nhóm A, làm nhiệm vụ chiến đấu, tất nhiên, tới ngày đó, phiên bản mới có tính năng luôn cao hơn.

Và đây, chính National Interest sau khi nêu ý kiến dìm hàng của chính giới Mỹ, tạp chí này đã nhấn mạnh rằng sáng chế S-400 tạo điều kiện cho Nga đạt lợi thế so với Mỹ và các nước NATO khi NATO sở hữu dàn chiến đấu cơ không lớn.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng tên lửa phòng không của Nga là mối đe dọa hiện thực với các tổ hợp dò tìm và giám sát vô tuyến trên không của Mỹ và một số nước NATO khác. National Interest nhắc đến chiếc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Boeing E-3 Sentry của Mỹ, đang tỏ ra sơ hở trước S-400 của Nga. Hãy tránh ra xa!

***

Tới đây không phải nói thêm, chỉ viện dẫn ra một quy luật trong tư duy, đôi khi phản biện không đạt yêu cầu, lại là cơ hội cho S-400 rạng danh một cách tự nhiên, không cần quảng cáo. Đúng là "hữu xạ tự nhiên hương".

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại