Mỹ "chơi" đồng minh Israel vố đau: F-16 "đào thoát" bất thành trước S-300 Syria

Bình Nguyên |

Hợp đồng đã ký, mọi thứ tưởng như đã trong tầm tay, nhưng Israel đành nuốt nước mắt chia tay với nửa tỷ USD khi bị đồng minh Mỹ "giơ thẻ đỏ" cấm bán tiêm kích F-16 cho Croatia.

Yêu nhau lắm...

Để "làm mưa làm gió" ở Trung Đông khiến cả khối Ả rập nhiều lần khiếp sợ, Không quân Israel được sự hỗ trợ hết mình và không giới hạn của Mỹ - đồng minh thân cận nhất và là "người anh lớn", nhà bảo trợ của Nhà nước Do Thái.

Hầu hết các loại máy bay tiêm kích có trong biên chế Không quân Israel đều có xuất xứ từ Mỹ, những tiêm kích F-4, F-16, F-15 đã tung hoành, bá chủ bầu trời trong nhiều cuộc xung đột một mất một còn giữa Nhà nước Do Thái với các quốc gia thuộc khối Ả rập.

Trong mọi trường hợp, Mỹ luôn thể hiện là đồng minh tin cậy bậc nhất của Israel, bất chấp phản ứng dữ dội của công luận thế giới.

Syria và Ai Cập là 2 trong số các địch thủ đã từng phải nếm chịu những thất bại hết sức cay đắng và được Israel "dạy cho những bài học đẫm máu". Qua những trận chiến nảy lửa, Không quân Israel đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và thể hiện sức sáng tạo, sự khôn ngoan không gì sánh được của người Do Thái.

Mỹ chơi đồng minh Israel vố đau: F-16 đào thoát bất thành trước S-300 Syria - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 của Không quân Israel.

Sau 35 năm chiếm lĩnh bầu trời, vào năm 2015, những chiếc tiêm kích F-16A/B của Israel đã bay chuyến cuối cùng để rồi chính thức giã từ vũ khí từ năm 2016. Trong tổng số 75 chiếc tiêm kích loại này, Israel dự định bán 40 chiếc cho nước ngoài, số còn lại đưa vào niêm cất dự trữ hoặc trưng bày trong các bảo tàng.

Bằng nhiều nỗ lực cuối cùng thì Israel cũng gặp được "khách", đó là Croatia, một quốc gia châu Âu đang có kế hoạch hiện đại hóa không quân của mình nhưng do tiềm lực kinh tế có hạn nên phải tiến hành theo kiểu "con nhà nghèo".

Mặc dù Israel đưa ra cái giá không hề rẻ cho 12 chiếc tiêm kích F-16 đã qua sử dụng là 500 triệu USD nhưng Croatia vẫn gật đầu vì với họ, sau khi được đại tu nâng cấp trên cơ sở những công nghệ hiện đại bậc nhất của các tổ hợp chế tạo vũ khí - hàng không quân sự Israel thì các máy bay này gần như sẽ lột xác hoàn toàn, "xứng đồng tiền bát gạo".

Tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo được đánh giá là một trong những loại tiêm kích "nồi đồng cối đá", hoạt động hiệu quả và tin cậy bậc nhất thế giới, do vậy Croatia quyết mua là hoàn toàn có thể hiểu được. Dù sao thì cũng là "cũ người mới ta".

Bên bán và bên mua gặp nhau vào đầu năm 2018, hợp đồng đã được ký trong sự vui mừng của cả đôi bên. "Điều kiện cần" đã có, chỉ chờ "điều kiện đủ" là sự gật đầu của Mỹ cho phép Israel bán F-16 cho quốc gia thứ 3 nữa là xong.

Mỹ chơi đồng minh Israel vố đau: F-16 đào thoát bất thành trước S-300 Syria - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16A/B mà Israel muốn bán cho Croatia.

... cắn nhau đau

Đang trong lúc mòn mỏi chờ đợi Mỹ "bật đèn xanh" để bán F-16 cho Croatia thì tháng 9 năm 2018, một sự kiện chấn động đã xảy ra khi tên lửa phòng không Syria bắn nhầm máy bay trinh sát IL-20 của Nga khiến toàn bộ 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, Moscow lập tức chuyển giao tên lửa S-300 cho Damascus.

Một khi tên lửa S-300 Syria đi vào trực chiến sẽ đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của các loại tiêm kích thế hệ 4 như F-16, F-15 Israel. Chính vì thế, Nhà nước Do Thái lại thêm nóng lòng "đẩy bớt" các tiêm kích F-16 đi càng nhanh càng tốt, họ thậm chí đã sẵn sàng rút cả những tiêm kích F-16C/D mới hơn để bán cho Croatia.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, Mỹ đã đột ngột "giơ thẻ đỏ" với Israel, cấm không cho họ thực hiện hợp đồng đã ký với Croatia. Vậy là kế hoạch đào thoát tên lửa S-300 Syria của Israel đã bị phá sản.

Quyết định của Mỹ thật dễ hiểu, Israel đã động đến "nồi cơm" của chú SAM. Thế là không được, nhẽ ra việc "xin phép" bán F-16 cho Croatia phải được Israel xúc tiến ngay từ đầu, từ trước khi ký hợp đồng chính thức, đằng này họ lại "tiền trảm hậu tấu" để rồi cuối cùng đẩy tất cả vào tình huống khó xử.

Hàng nghìn chiếc F-16 còn đang nằm "lăn lóc" trong các bãi xác máy bay rộng lớn ở sa mạc khiến Mỹ đau đầu tìm kiếm khách hàng để thanh lý với giá rẻ, thậm chí là cho không máy bay nhưng khách hàng phải chi tiền để nâng cấp, hiện đại hóa.

Mỹ chơi đồng minh Israel vố đau: F-16 đào thoát bất thành trước S-300 Syria - Ảnh 3.

Hàng nghìn máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ "nghĩa địa" ở sa mạc Arizona

Indonesia là một ví dụ điển hình khi chịu chi tới 750 triệu USD để mua lại 24 chiếc F-16 đã qua sử dụng của Mỹ, tất nhiên sản phẩm khi bàn giao sau khi được đại tu, nâng cấp.

Những món hời như thế làm sao chú SAM dễ dàng bỏ qua cho được. Không những thu được tiền, thậm chí rất nhiều tiền mà còn tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ thì rõ ràng nếu có kẻ "động đến nồi cơm", chắc chắn Washington sẽ phải ra tay ngăn chặn, cho dù kẻ đó có là đồng minh thân thiết bậc nhất đi chăng nữa.

Có lẽ thương vụ mua hụt 12 chiếc F-16 Israel sẽ khiến Croatia chuyển hướng, hoặc quay sang bắt tay với Washington hoặc Israel phải chia sẻ lợi ích với chú SAM, nhường một số phần việc để người Mỹ cùng làm nếu muốn tiếp tục triển khai hợp đồng này.

Việc bị tên lửa S-300 Syria đe dọa cộng với việc mua sắm thêm nhiều tiêm kích tàng hình F-35 nhằm duy trì ưu thế trên không sẽ khiến Israel tới đây phải đề phòng và tìm cách khắc phục mà cách tốt nhất là bán F-16 lấy tiền, quay vòng để mua máy bay mới.

Tất nhiên là muốn làm được cú "đào thoát" thế kỷ, người Do Thái phải được Mỹ "bật đèn xanh" chứ không phải giơ thẻ đỏ như thương vụ hụt với Croatia vừa rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại