Mỹ chia sẻ thông tin tình báo giúp Ấn Độ giám sát quân đội Trung Quốc

Anh Minh |

Khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã giúp Ấn Độ để mắt đến các lực lượng Trung Quốc, các chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ vừa cho hay, theo Business Insider.

Các binh sĩ Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ tại một trạm kiểm soát ở Kashmir trên đường cao tốc dẫn đến Ladakh, ngày 17/6/2020.

Các binh sĩ Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ tại một trạm kiểm soát ở Kashmir trên đường cao tốc dẫn đến Ladakh, ngày 17/6/2020.

Cuộc ẩu đả chết người ở biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya vào tháng 6 là đụng độ đầu tiên giữa đôi bên trong nhiều thập kỷ. Kể từ đó, cả hai đều củng cố các vị trí của mình và Ấn Độ đã được hỗ trợ giám sát các lực lượng Trung Quốc.

Tướng Kenneth Wilsbach, người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, nói: "Chúng tôi đã gần gũi hơn với Ấn Độ trong năm nay, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin tình báo, đặc biệt liên quan đến tình hình đang xảy ra ở biên giới phía đông bắc của họ với Trung Quốc".

"Chúng tôi đã chia sẻ khá nhiều thông tin tình báo, nhiều nhất có thể, với họ để giúp đỡ người bạn tuyệt vời của chúng tôi, Ấn Độ", Wilsbach, người nắm quyền chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương từ tháng 7 nói thêm.

Sự chia sẻ đó có thể đã được tạo điều kiện thuận lợi trong những tuần gần đây bởi Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA), một thỏa thuận quân sự mà Mỹ và Ấn Độ đã ký vào cuối tháng 10.

BECA "sẽ cho phép chúng tôi mở rộng quan hệ đối tác và trao đổi thông tin nền tảng", Phó đô đốc Robert Sharp, giám đốc Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia và là người đại diện Mỹ ký kết thỏa thuận, cho biết tại một sự kiện vào tháng trước.

BECA cho phép Ấn Độ tiếp cận dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không, đồng thời cho phép Mỹ cung cấp các thiết bị hỗ trợ hàng hải và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, một nguồn tin công nghiệp quốc phòng nói với Reuters trước khi lễ ký kết diễn ra.

Dữ liệu không gian địa lý được cung cấp theo thỏa thuận sẽ mang lại cho tên lửa Ấn Độ "lợi thế sát thủ" trong việc nhắm mục tiêu, như một phương tiện truyền thông Ấn Độ đã đưa tin.

Ông Sharp nói: “Việc trao đổi và chia sẻ thông tin nền tảng là cơ sở tốt để bắt đầu hoạt động… ngoài việc dùng chung một bản đồ”.

BECA là hiệp định thứ tư trong số bốn hiệp định nền tảng. Một thỏa thuận năm 2002 cho phép chia sẻ thông tin quân sự bí mật. Một thỏa thuận hậu cần năm 2016 cho phép quân đội hai bên sử dụng các cơ sở của bên kia để sửa chữa hoặc tiếp tế. Thỏa thuận thứ ba vào năm 2018 đã cho phép Ấn Độ tiếp cận các thiết bị liên lạc an toàn, cho phép phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng Mỹ.

Đã có những minh chứng về sự hợp tác trong các thỏa thuận này. Các tàu Mỹ đã tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến của Ấn Độ, và một máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ gần đây đã tiếp nhiên liệu ở quần đảo Andaman & Nicobar ở phía đông Ấn Độ Dương, mà chính phủ Mỹ gọi là "một sự kiện lịch sử".

Các thỏa thuận là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đã nới lỏng lập trường không liên kết nghiêm ngặt mà nước này đã duy trì trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một phần được thúc đẩy bởi những hành động thúc đẩy gần đây của Mỹ và sự hung hăng của Trung Quốc.

Hervé Lemahieu, giám đốc Chương trình Quyền lực và Ngoại giao tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nói đã có "một cuộc cách mạng trong cách Ấn Độ nhìn nhận các vấn đề thế giới và gắn kết với các đối tác ở châu Á".

Ông Lemahieu nói rằng “Ấn Độ đã chọn cách liên kết với Mỹ một cách quyết đoán hơn nhiều và với các quốc gia như Úc, nước mà họ không thực sự có nhiều mối quan hệ truyền thống”.

Biên giới trên bộ có tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc có thể vẫn là trọng tâm chính của quân đội Ấn Độ, nhưng New Delhi đang ngày càng tích cực hoạt động ở Ấn Độ Dương - nơi sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Trung Quốc ngày càng tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại