Mỹ “bật đèn xanh” cho hàng loạt thỏa thuận vũ khí với Arab Saudi và các nước khác

Huyền Chi |

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán 3.000 quả bom có điều khiển chính xác cho Arab Saudi, cùng vũ khí trị giá 4 tỉ USD cho các nước khác với lý do “an ninh quốc gia”.

Khói lửa bốc lên ngùn ngụt sau một đòn không kích mà Arab Saudi thực hiện ở thủ đô Sanaa của Yemen (Ảnh: RT)

Khói lửa bốc lên ngùn ngụt sau một đòn không kích mà Arab Saudi thực hiện ở thủ đô Sanaa của Yemen (Ảnh: RT)

Thương vụ với Arab Saudi đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn trong hôm 29/12 (giờ Mỹ), theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), dọn đường cho việc bàn giao 3.000 trái bom đường kính nhỏ GBU-39 cho vương quốc này, với tổng trị giá khoảng 290 triệu USD.

DSCA cho hay thương vụ đề xuất này sẽ "hỗ trợ các mục tiêu chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ" bằng cách cải thiện tình hình an ninh của một "quốc gia bằng hữu" đã giúp tăng cường "sự ổn định" trong khu vực Trung Đông.

Thỏa thuận này xuất hiện chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với Quốc hội rằng họ sẽ cấp phép cho thương vụ bán 7.500 tên lửa không-đối-đất với tổng trị giá 478 triệu USD, cho phép hãng Raytheon trực tiếp bán số tên lửa trên cho chính phủ Arab Saudi.

Giống như Quốc hội Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có quyền ngăn chặn các thương vụ này sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021. Ông từng tuyên bố sẽ "đánh giá lại" mối quan hệ Mỹ - Arab Saudi, nhưng hiện chưa rõ ông sẽ đưa ra động thái nào.

Chính quyền Barack Obama – mà ông Biden từng làm Phó Tổng thống – từng phê duyệt các thường vụ vũ khí trị giá hàng tỉ USD với Arab Saudi trong 2 nhiệm kỳ, hơn bất kỳ đời Tổng thống Mỹ nào trước đó; theo Reuters.

Thêm vào đó, ứng viên mà ông Biden lựa chọn cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, Lloyd Austin, là thành viên trong ban giám đốc của Raytheon từ năm 2016.

Các thương vụ chuyển giao vũ khí cho Riyadh đã hứng nhiều chỉ trích tại Quốc hội trong những tháng qua, trong đó nhiều nhà lập pháp như thượng nghị sĩ Bob Menendez – thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện – từ chối ủng hộ thỏa thuận tên lửa 478 triệu USD khi nó lần đầu được đề xuất hồi đầu năm nay.

William Hartung, Giám đốc Dự án Vũ khí và An ninh thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế, nhận định rằng thương vụ này "không nên được cho phép", chỉ ra chiến dịch đánh bom đẫm máu kéo dài suốt 5 năm qua mà Riyadh thực hiện ở Yemen, mà trong đó các vũ khí do Mỹ chế tạo được sử dụng trong các hành động có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

"Mỹ không nên bán các loại bom điều khiển chính xác cho Arab Saudi vào thời điểm này, bởi vai trò của họ trong cuộc chiến ở Yemen, vốn đã giết hại hàng nghìn thường dân, và một cuộc xung đột kéo dài giờ đã trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất của thế giới" – ông Hartung viết trong một tuyên bố.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ quyết hàng loạt các biện pháp lưỡng đảng nhằm ngăn chặn thỏa thuận bán vũ khí cho Arab Saudi.

Các nhà lập pháp chỉ ra cuộc chiến ở Yemen và vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 – được cho là xảy ra bên trong tòa lãnh sử Arab Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ - để ngăn chặn các thương vụ này.

Tuy nhiên, ông Trump cho rằng việc cản trở các thương vụ này sẽ làm "suy yếu tính cạnh tranh toàn cầu của Mỹ" và làm "tổn hại" quan hệ Mỹ - Arab Saudi.

Cuối cùng, ông sử dụng quyền lực "khẩn cấp" liên quan tới "mối đe dọa" từ Iran để chặn nỗ lực của giới lập pháp, bất chấp sự chỉ trích.

Cùng với thỏa thuận bán đạn dược 290 triệu USD được phê chuẩn trong hôm thứ Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng "bật đèn xanh" cho hàng loạt thỏa thuận vũ khí cho các quốc gia khác, trong đó có 2 thỏa thuận bán trực thăng AH-64 Apache trị giá 4,2 tỉ USD với Kuwaitm thỏa thuận bán thiết bị máy bay trị giá 170 triệu USD cho Ai Cập.

Các thỏa thuận này xuất hiện giữa lúc mà chính quyền Trump tăng cường thông qua các thương vụ bán vũ khí trước khi ông rời Nhà Trắng, trong đó bao gồm thương vụ vũ khí trị giá 23 tỉ USD với UAE và hàng loạt thương vụ có tổng trị giá 22 tỉ USD với Đài Loan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại