Mỹ, Ấn ký văn bản an ninh quan trọng, đàm phán thiết bị quân sự "khủng": Thông điệp cho TQ

Đại sứ Tôn Sinh Thành - Đồ họa: Đỗ Linh |

Dù không được nhắc đến công khai, nhưng ai cũng biết Trung Quốc chính là thách thức khiến Mỹ ủng hộ sự nổi lên của Ấn Độ và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Trong cuộc Đối thoại 2+2 Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Ấn lần 2 diễn ra tại Washington ngày 18/12/2019, hai bên đã kiểm điểm lại những tiến bộ đạt được trong hợp tác chiến lược an ninh và quốc phòng hai nước kể từ cuộc Đối thoại 2+2 lần thứ nhất được tổ chức tháng 9 năm ngoái tại New Delhi.

Tuyên bố chung của cuộc Đối thoại lần này cùng những phát biểu của các bộ trưởng cho thấy hai bên tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh và triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hợp tác quốc phòng - an ninh chuyển đổi sang cấp độ mới

Đột phá trong hợp tác quốc phòng là việc hai bên đã ký được Phụ lục An ninh Công nghiệp (ISA) nhằm đảm bảo an ninh trong chuyển giao công nghệ nhạy cảm, chia sẻ thông tin trong các tình huống khủng hoảng thông qua những kênh an toàn.

Hai bên cũng đã ký thêm 3 thỏa thuận thuộc Sáng kiến Công nghệ và Thương mại Quốc phòng (DTTI) giúp tăng cường hợp tác chế tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cùng với thỏa thuận COMCASA đươc ký tại Đối thoại 2+2 lần trước, các thỏa thuận mới đạt được lần này đang làm chuyển đổi hợp tác quân sự giữa hai nước sang một cấp độ mới.

Tuyên bố chung cũng cho biết hai bên phấn đấu đạt được Hiệp định trao đổi và hợp tác cơ bản (BECA) trong năm 2020 nhằm chia sẻ thông tin địa không gian, mà Ấn Độ rất cần trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnat Singh đánh giá quan hệ quốc phòng Ấn-Mỹ đã phát triển lên một tầm rất cao, nhờ việc ký các thỏa thuận COMCASA, LEMOA, làm tăng mạnh khả năng hợp đồng tác chiến giữa 2 quân đội.

Ông cho biết, lần này hai bên nhất trí lập được đường dây nóng giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng; mở rộng kết nối giữa Bộ chỉ huy quân đội Ấn Độ với các Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy Trung Tâm và Bộ chỉ huy Châu Phi của Mỹ; cử sĩ quan liên lạc của hai nước tại các trung tâm và căn cứ của hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đánh giá trong năm qua hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực hải quân đã được mở rộng sang lục quân, không quân và lực lượng tác chiến đặc biệt.

Mỹ, Ấn ký văn bản an ninh quan trọng, đàm phán thiết bị quân sự khủng: Thông điệp cho TQ - Ảnh 1.

Tháng 11/2019, hai bên lần đầu tiên tổ chức tập trận chung thường niên 3 binh chủng mang tên Tiger Triumph và nhất trí sẽ tiếp tục hoạt động này hàng năm, đồng thời Mỹ cũng sẽ tham gia Tập trận hải quân đa phương MILAN tổ chức tại Ấn Độ năm 2020. Ông Rajnat Singh còn cho biết hai bên đã quyết định mở rộng và nâng cấp qui mô các cuộc tập trận chung và khai thác khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như phỏng thủ vũ trụ, phòng thủ không gian mạng và lực lượng tác chiến đặc biệt.

Nhiều hợp đồng vũ khí "khủng"

Về thương mại quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho biết kim ngạch buôn bán vũ khí giữa hai nước cho đến nay đã lên tới 18 tỷ USD.

Mới đây Mỹ đã đồng ý bán cho Ấn Độ nhiều vũ khí và thiết bị hải quân hiện đại với trị giá hơn 1 tỷ USD. Một lô vũ khí khác bao gồm 24 trực thăng đa năng của hải quân MH-60 Romeo Seahawk trị giá 2,6 tỷ USD được Bộ QP Mỹ thông qua tháng 4/2019, giúp Ấn Độ khả năng chống tàu mặt nước và tàu ngầm. Hội đồng mua bán quân sự Ấn Độ (DAC) mới đây thông qua lô hàng 6 máy bay chống ngầm P-8I của hãng Boeing.

Một lô thiết bị quân sự nữa cũng đang được đàm phán với Mỹ nhằm trang bị cho các hạm đội Ấn Độ tại quần đảo Adaman Nicobars và Goa.

Tuy nhiên, phía Ấn nhắc lại ưu tiên nâng cấp từ mua bán quốc phòng lên chuyển giao công nghệ quốc phòng và tăng cường đầu tư của các công ty quốc phòng Mỹ vào Ấn Độ theo chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India); giúp Ấn Độ phát triển 2 hành lang công nghiệp quốc phòng ỏ Tamil Nadu và Uttar Pradesh.

Tập đoàn Tata của Ấn Độ cùng các hãng Lockheed Martin và Boeing của Mỹ đã thiết lập các liên doanh chế tạo các thiết bị cho máy bay và trực thăng. Boeing đã thiết lập được một chuỗi 160 nhà cung cấp thiết bị tại Ấn Độ để sản xuất các thiết bị quân sự.

Triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tuyên bố chung cuộc Đối thoại đánh giá cao sự hội tụ giữa hai bên trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ một trật tự có luật lệ, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đầu tư hạ tầng minh bạch và bền vững, tăng cường kết nối ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cam kết hợp tác để cùng với các đồng mình và đối tác đạt được một tầm nhìn chung đối với khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Esper khẳng định Mỹ và Ấn Độ có lợi ích ràng buộc đối với tự do, rộng mở và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnat Singh đề nghị Mỹ tham gia Sáng kiến Ấn Độ dương - Thái Bình Dương do Thủ tướng Modi đưa ra tại EAS lần thứ 14 tại Bangkok ngày 4/11/2019, nhằm xây dựng một khu vực rộng mở, bao trùm ở khu vực này.

Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar nhấn mạnh thêm rằng mục đích hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ là xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng, trên cơ sở thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy kết nối và hợp tác phát triển cũng như sự đồng điệu giữa các nước trong khu vực.

Hai bên cũng đánh giá cao các cơ chế triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như các Cuộc gặp 4 bên (Quad) cấp bộ trưởng Mỹ, Nhật, Ấn, Úc tổ chức lần đầu tiên tại New York cũng như việc tăng cường hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Nhật và Ấn Độ và việc lần đầu tiên Ấn Độ tham gia tuần tra chung (Group Sail) vì tự do hàng hải vào đầu năm nay.

Mỹ, Ấn ký văn bản an ninh quan trọng, đàm phán thiết bị quân sự khủng: Thông điệp cho TQ - Ảnh 3.

Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam và Trung Á bà Alice G Wells cho biết thêm Quad là một cơ chế quan trọng để tập hợp các quốc gia cùng chí hướng nhằm triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mới đây, Quad đã tổ chức một cuộc diễn tập sa bàn chống khủng bố tại Ấn Độ và một cuộc họp chuyên viên trao đổi về các thách thức trên không gian mạng, bao gồm cả tội phạm mạng và 5G.

Trong Đối thoại lần này, Ấn Độ và Mỹ cũng đã nhất trí triển khai Chương trình Mỹ-Ấn Độ phối hợp tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình cho các nước Châu Phi và đang tìm kiếm những đối tác khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hợp tác trong lĩnh vực này.

Hai bên đã trao đổi về những thách thức đối với khu vực hiên nay, trong đó có những nguy hiểm do hệ thống liên lạc 5G của Trung Quốc gây ra cũng như những hành động kinh tế mang tính phá hoại và không công bằng mà nước này thực hiện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ đồng ý tham gia vào Liên minh Cơ sở hạ tầng chống thiên tai do Ấn Độ thành lập. Hai bên cũng đã trao đổi về tình hình ở Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka. Phía Mỹ ủng hộ sự tham gia của Ấn Độ tronng dự án Cảng Chabahar vì nhưng lợi ích to lớn của nó đối với Afghanistan.

Các bộ trưởng cũng ủng hộ tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở ở eo biển Hormuz và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc Bắc Triều Tiên phải dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình theo các Nghị quyết của HĐBA LHQ.

Phía Mỹ tỏ ra tích cực hơn trong hợp tác chống khủng bộ, kêu gọi đích danh Pakistan phải có hành động ngay và dứt khoát để các lực lượng khủng bố không sử dụng lãnh thổ Pakistan chống các nước khác. Ông Pompeo cho biết 2 bên đang phối hợp chặt chẽ về tình báo và ngoại giao để đối phó với các mối đe dọa khủng bố.

Về các lĩnh vực khác, Ngoại trưởng Pompeo cho biết hai bên đang thảo luận tích cực để đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng có đi có lại. Trong vòng 24 tháng qua, xuất khẩu dầu thổ và khí hóa lỏng của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng thêm 6 tỷ USD.

Về khoa học công nghệ, hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực giám sát các tình huống trong vũ trụ, các chuyến bay đưa người vào vũ trụ, các cơ quan khoa học NASA của Mỹ và ISRO của Ấn Độ gần hoàn tất xây dựng một vệ tinh quan sát trái đất NCER hiện đại. Trong đối thoại lần này, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận về quản lý nguồn nước. Về quan hệ nhân dân, hai bên đã thông qua 2 sáng kiến gồm: Chương trình trao đổi giữa các nghị sĩ thuộc Nhóm Ấn Độ (India Caucus) và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và sáng kiến các nhà sáng chế trẻ Mỹ-Ấn Độ, để tạo ra các cơ hội cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ hai nước được thực tập trong các lĩnh vực khoa học và kinh tế chủ chốt của hai nước. Hiện tại Mỹ có 200,000 sinh viên Ấn Độ, đóng góp 7 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.

Thông điệp đối với Trung Quốc

Kết quả cuộc Đối thoại lần này cho thấy Mỹ thực sự ưu tiên và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ vì những lý do chiến lược. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Đối thoại 2+2 là hòn đá tảng của quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. Theo một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ, Đối thoại lần là một phần trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Trump xét trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hiện nay và những mục tiêu mà Mỹ đang cố gắng đạt được trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông này nói hợp tác giữa Mỹ với Ấn Độ cũng như với Úc, Nhật và các đối tác cùng chí hướng khác để bảo đảm các nguyên tắc trong khu vực là một thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ muốn gửi đi.

Mỹ, Ấn ký văn bản an ninh quan trọng, đàm phán thiết bị quân sự khủng: Thông điệp cho TQ - Ảnh 4.

Dù không được nhắc đến công khai, nhưng ai cũng biết Trung Quốc chính là thách thức khiến Mỹ ủng hộ sự nổi lên của Ấn Độ như là một "tay chơi" toàn cầu và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Tuyên bố chung 2 bên khẳng định khuôn khổ 2+2 là nỗ lực của toàn bộ chính phủ 2 nước nhằm hiện thực hóa đầy đủ tiểm năng của quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ-Ấn.

Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam và Trung Á bà Alice G Wells cho rằng Đối thoại 2+2 là cơ chế chủ yếu để biến sự hội tụ chiến lược thành những kết quả cụ thể. Các thỏa thuận mới đạt được giữa hai nước sẽ tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và ngăn chặn khả năng để công nghệ của Mỹ bị rò rỉ cho nước thứ ba.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng các thỏa thuận mới đạt được chỉ nhằm tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tục khai thác thị trường xuất khẩu vũ khí béo bở ở Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 12% tổng nhập khẩu vũ khí thế giới trong giai đoạn từ 2013-2017.

Mỹ, Ấn ký văn bản an ninh quan trọng, đàm phán thiết bị quân sự khủng: Thông điệp cho TQ - Ảnh 5.

Vì những lợi ích đó, trong đối thoại lần này phía Mỹ đã tránh đề cập tới việc ngăn cản Ấn Độ mua tên lửa S-400 của Nga và mua dầu lửa của Iran.

Về phần mình, New Delhi cũng thể hiện rõ ưu tiên quan hệ với Mỹ, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để nâng cao vị thế chiến lược của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar cho rằng nỗ lực hợp tác giữa hai nước không chỉ nhằm bổ sung sức mạnh của nhau mà còn có lợi cho 2 nước và cho cả khu vực.

Theo ông Jaishankar, cuộc Đối thoại 2+2 lần này đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Mỹ là nước đầu tiên có cơ chế đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng với Ấn Độ. Nhật là nước thứ hai có cơ chế này với Ấn Độ. Úc cũng có cơ chế này với Ấn Độ nhưng chỉ ở cấp Thứ trưởng. Mạng lưới các cuộc Đối thoại 2+2 đang trở thành kênh quan trọng của Ấn Độ nhằm làm sâu sắc hơn mối liên hệ giữa các nước thành viên Quad, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên quyết đoán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại