“Quan điểm của chúng tôi là nếu bạn hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi thì bạn phải xin phép chúng tôi”, Đô đốc Hải quân Ấn Độ Karambir Singh trả lời câu hỏi tại sao tàu Shi Yan 1 của Trung Quốc lại bị yêu cầu rời khỏi vùng biển Ấn Độ.
Quan chức hải quân Ấn Độ nhấn mạnh, Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển quốc tế nhưng một khi phát hiện tàu Trung Quốc có biểu hiện của một âm mưu quân sự, họ có quyền xua đuổi
Trước đó, tàu nghiên cứu - khảo sát Trung Quốc Shi Yan 1 đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu ở vùng biển gần cảng Blair ở đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ thì bị máy bay giám sát hàng hải hoạt động ở đó phát hiện, các nguồn tin chính phủ cho biết.
Andaman được coi là hòn đảo chiến lược của Ấn Độ do đó là nơi có thể bao quát cả khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.
Vì luật pháp Ấn Độ không cho phép tàu nước ngoài thực hiện bất kỳ hoạt động nghiên cứu hoặc thăm dò nào trong Vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đã yêu cầu tàu nghiên cứu Trung Quốc di chuyển ra khỏi vùng biển nước này.
Theo Marinetraffic, một trang web theo dõi tàu và tình báo hàng hải, tàu nghiên cứu Shi Yan 1 dài 60m, rộng 26m và có tổng trọng lượng 3.071 tấn.
Tại cuộc họp báo nhân Ngày Hải quân Ấn Độ 4-12, Đô đốc Karambir Singh cho biết thêm, có đến 7-8 tàu chiến Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở vùng biển Ấn Độ Dương
Gần đây, một trực thăng P-8i của Hải quân Ấn Độ cũng phát hiện 7 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh Ấn Độ Dương. Trực thăng chuyên làm các nhiệm vụ trinh thám hàng hải tầm xa và có năng lực chống ngầm này cũng đã chụp lại các hình ảnh của tàu Trung Quốc triển khai ở khu vực.
Trong khi Bắc Kinh nói rằng các tàu hải quân của họ hoạt động ở vùng biển Ấn Độ nhằm thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển trong khu vực thì New Delhi lo ngại sự hiện diện đó là một phần chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
“Hải quân Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận sớm với đối tác Pakistan ở Biển Bắc Ảrập để tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh”, ông Karambir Singh nói.
Trong bối cảnh sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương ngày càng tăng, hải quân Ấn Độ năm 2017 đã tính toán lại việc bố trí triển khai để các tàu chiến và máy bay luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng cho nhiệm vụ dọc theo các tuyến đường biển quan trọng
Ấn Độ sẽ tổ chức sự kiện tập trận chung hải quân đa quốc gia, được gọi là Milan, ngoài khơi bờ biển Vizag vào tháng 3-2020. Cuộc tập trận hàng hải lớn nhất của Ấn Độ dự kiến có sự tham dự của 41 quốc gia nhưng hải quân Trung Quốc đã không được mời.
Đô đốc Singh cho biết, Ấn Độ chỉ mời các quốc gia có tư tưởng cùng chí hướng tham gia tập trận chung. “Khác với Trung Quốc, chúng tôi có khả năng tương tác với các nước khác tốt hơn”, người đứng đầu hải quân Ấn Độ giải thích
Ngân sách quốc phòng dành cho hải quân Ấn Độ giảm liên tục trong 8 năm qua nhưng nước này vẫn đặt mục tiêu triển khai một hạm đội 175 tàu chiến vào năm 2027. Bởi vậy, hải quân Ấn Độ đang đề nghị tăng ngân sách để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa
“Với tư cách là người đứng đầu hải quân, tôi tin rằng chúng ta cần 3 tàu sân bay để 2 chiếc luôn hoạt động”, Đô đốc Hải quân Karambir Singh nói đồng thời cho biết thêm, Ấn Độ sẽ ra mắt tàu sân bay bản địa đầu tiên vào năm 2022 và dự án phát triển tàu sân bay thứ hai đang được hoàn thiện