Từ Mekong đến Biển Đông, Trung Quốc hành xử với láng giềng rất khác Ấn Độ

Anh Tú |

Giáo sư Brahma Chellaney vừa có bài viết đăng trên Livemint hôm 23.12 nói về cách hành xử bất chấp luật lệ quốc tế của các nước lớn với các nước nhỏ mà điển hình là hành động của Trung Quốc tại Mekong và Biển Đông thời gian qua. Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết này.

Khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kết thúc cách đây ba thập kỷ, nhiều chuyên gia đã dự đoán một kỷ nguyên mới trong đó địa-kinh tế sẽ quyết định địa chính trị. Họ cho rằng khi hội nhập kinh tế tiến triển, trật tự dựa trên quy tắc sẽ ngự trị toàn cầu. Các quốc gia sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế hoặc phải trả giá đắt.

Giờ đây, sự lạc quan đó dường như là quá ngây thơ. Ngay cả khi hệ thống luật pháp quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, đã được củng cố, ví dụ các công ước của Liên Hợp Quốc, các hiệp định toàn cầu như thỏa thuận khí hậu Paris 2015 hay Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, thì luật của kẻ mạnh vẫn tiếp tục lấn át pháp luật. Có lẽ không có quốc gia nào tận dụng được tình trạng này giỏi hơn Trung Quốc.

Hãy xem xét các dự án đập Trung Quốc dọc theo sông Mekong, chảy từ cao nguyên Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát đến Biển Đông, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Bằng cách xây dựng 11 đập lớn gần biên giới thuộc cao nguyên Tây Tạng, ngay trước khi dòng sông chảy vào Đông Nam Á, Trung Quốc đã phá hủy hệ thống sông một cách không thể cứu vãn và cũng tàn phá môi trường rộng lớn hơn, bao gồm cả xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long gây ra tình trạng hạn mặn.

Hiện giờ, mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong 100 năm và hạn hán đang gia tăng ở các nước hạ lưu. Điều này mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy mạnh mẽ đối phó các nước láng giềng. Vậy mà, Trung Quốc không phải đối mặt với hậu quả nào cho việc “vũ khí hóa” vùng nước Mekong. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nước này đang xây dựng hoặc lên kế hoạch cho ít nhất 8 đập lớn hơn trên sông Mekong.

Từ Mekong đến Biển Đông, Trung Quốc hành xử với láng giềng rất khác Ấn Độ - Ảnh 1.

Tình trạng hạn hán vì các con đập ở sông Mekong

Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể còn trơ trẽn hơn. Tháng này đánh dấu 6 năm Bắc Kinh tiến hành chương trình cải tạo căn cứ trong hành lang chiến lược cao, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bằng cách xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực mà không cần khai hỏa, hoặc chịu bất kỳ trừng phạt quốc tế nào.

Để làm rõ điều này, hãy xem lại vào tháng 7.2016, một tòa án trọng tài quốc tế do Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) thành lập tại The Hague đã phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thiếu tính hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thèm quan tâm đến phán quyết, gọi đó là trò hề. Trừ khi có gì đó thay đổi, kế hoạch của Mỹ thành lập “một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" sẽ chẳng hơn một tầm nhìn trên giấy.

Cách Trung Quốc khinh thường phán quyết của PCA trái ngược hẳn với phản ứng của Ấn Độ trước phán quyết của một tòa án do PCA thành lập 2014 trao Bangladesh gần 80% trong 25.602 kilômét vuông vùng biển tranh chấp ở Vịnh Bengal. Mặc dù quyết định đã bị chia rẽ (không giống như phán quyết được thống nhất cao của Tòa án trong vụ Biển Đông 2016) và có những sai sót rõ ràng khiến Ấn Độ chịu thiệt thòi ví dụ như mất một khu vực màu xám khá lớn trong vịnh, nhưng Ấn Độ chấp nhận nó một cách dễ dàng.

Từ Mekong đến Biển Đông, Trung Quốc hành xử với láng giềng rất khác Ấn Độ - Ảnh 2.

Ấn Độ tuân thủ phán quyết giải quyết tranh chấp với Bangladesh tại vịnh Bengal

Trên thực tế, giữa năm 2013 và 2016, trong khi các thủ tục tố tụng do Philippines khởi xướng về các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông đang được tiến hành, ba tòa án khác nhau do PCA thành lập đã ra phán quyết chống lại Ấn Độ trong các tranh chấp với Bangladesh, Ý và Pakistan. Ấn Độ đều tuân thủ tất cả chúng.

Điều này có ý nghĩa rõ ràng: đối với các nước lớn và có ảnh hưởng, việc tôn trọng luật lệ dựa trên quy tắc là một lựa chọn mà Trung Quốc với đặc điểm của một chế độ đặc biệt, lại không sẵn sàng thực hiện. Vì bối cảnh đó, Việt Nam không mặn mà dùng các hành động pháp lý đối với các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, vốn đang can thiệp vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Việt Nam quá hiểu Trung Quốc sẽ ngó lơ bất kỳ phán quyết nào chống lại họ và sử dụng đòn bẩy thương mại để trả đũa.

Đó là lý do tại sao một cơ chế thực thi luật pháp quốc tế rất cần thiết. Tranh chấp giữa các quốc gia sẽ luôn luôn phát sinh. Hòa bình đòi hỏi các cơ chế để giải quyết chúng một cách công bằng và hiệu quả, và củng cố sự tôn trọng đối với các biên giới hiện có.

Tuy nhiên, một cơ chế như vậy dường như không thể xuất hiện sớm vào lúc này. Rốt cuộc, Trung Quốc không đơn độc trong việc vi phạm luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt: các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cũng vậy.

Đây là những quốc gia mà Hiến chương Liên Hợp Quốc ủy thác bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế (ý tác giả nói 5 nước thường trực có quyền phủ quyết mọi trừng phạt của LHQ).

Ngày nay, luật pháp quốc tế có sức mạnh chống lại kẻ bất lực và bất lực trước kẻ mạnh. Bất chấp sự thay đổi nền móng ở lĩnh vực kinh tế, địa chính trị và môi trường, một khi luật chơi không đổi, thì các cường quốc vẫn sử dụng luật pháp quốc tế để áp đặt ý chí của họ lên các nước yếu hơn, trong khi chính họ không thèm đếm xỉa luật pháp quốc tế. Chừng nào điều này còn đúng, một trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc sẽ vẫn là “một chiếc lá sung” (ý tác giả là chẳng có giá trị gì) khi theo đuổi các lợi ích quốc gia.

*Ông Brahma Chellaney là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách và thành viên có trụ sở tại New Delhi thuộc Học viện Robert Bosch ở Berlin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại