"Vết sẹo" ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả "đừng bịa đặt"

Hồng Anh |

Trước những nghi ngại về các dự án lớn của Trung Quốc ở tỉnh nghèo Koh Kong, Campuchia nói gì?

Đường bay của Sân bay Quốc tế Dara Sakor do một công ty Trung Quốc xây dựng trông chẳng khác gì một vết sẹo dài ở nơi từng là rừng rậm nguyên sinh của Campuchia, báo New York Times (NYT) bình luận.

Sau khi chính thức hoàn thành vào năm tới, Sân bay Quốc tế Dara Sakor ở tỉnh nghèo Koh Kong, Campuchia sẽ trở thành cơ sở có đường bay dài nhất nước này. Gần đó, các công nhân cũng đang tiến hành chặt hạ cây xanh trong một công viên quốc gia để chuẩn bị khởi công một dự án xây cảng nước sâu lớn, có khả năng tiếp nhận tàu chiến.

Nhà thầu Trung Quốc phụ trách hai dự án sân bay và cảng nước sâu nói trên khẳng định các cơ sở này đều phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, lí do khiến một số người hoài nghi là bản thỏa thuận cho thuê đất 99 năm ở Dara Sakor, đặc biệt là khi các dự án nói trên lại được xây dựng giữa rừng sâu.

Các hoạt động ở Dara Sakor và các dự án do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở khu vực lân cận đã dấy lên nhiều hoài nghi và lo ngại rằng Bắc Kinh đang âm thầm biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự của họ.

"Vì sao Trung Quốc lại xây một đường băng ở giữa rừng như vậy? Bởi nó sẽ giúp Trung Quốc phát huy được tiềm lực không quân của mình trong khu vực, một điều sẽ thay đổi toàn bộ cuộc chơi" - Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị tại trường Occidental College, Los Angeles, Mỹ nhận định.

Trung Quốc vốn phải cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, gần đây, Campuchia đang có xu hướng "mở lòng" hơn với Trung Quốc và quay lưng với Mỹ. Hiện Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Theo các quan chức quân đội Mỹ, mặc dù Bắc Kinh một mực từ chối việc có ý đồ quân sự ở Campuchia, nhưng tại khu vực bờ biển Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận độc quyền về dự án mở rộng một căn cứ hải quân của Campuchia.

"Chúng tôi quan ngại rằng đường bay và cảng nước sâu ở Dara Sakor đang được xây dựng cho mục đích quân sự, bởi chúng có quy mô vượt quá so với nhu cầu của các hoạt động thương mại, cả trong thời điểm hiện tại và tương lai", Trung tá Dave Eastburn, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, trả lời NYT qua email.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ những nhận định cho rằng Campuchia cho phép Trung Quốc hiện diện quân đội ở nước này. Thay vào đó, chính quyền ông Hun Sen khẳng định khu rừng rậm hẻo lánh ở Dara Sakor sẽ trở thành trung tâm hậu cần toàn cầu nhờ sân bay và cảng nước sâu (do Trung Quốc xây dựng).

"Không có chuyện quân đội Trung Quốc hiện diện ở Campuchia, không bao giờ. Và ai nói ra điều này đều là bịa đặt", phát ngôn viên chính phủ Campuchia Pay Siphan nhấn mạnh. "Có lẽ những người da trắng muốn kìm chân Campuchia, không cho chúng ta phát triển nền kinh tế của mình".

Vết sẹo ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả đừng bịa đặt - Ảnh 2.

Thông tin về dự án Sân bay Quốc tế Dara Sakor, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: construction-property.com

Báo Mỹ lo ngại về thỏa thuận "bất thường"

Tháng 7 năm nay, một nhóm người mặc quân phục đã đến trước ngôi nhà gỗ của ngư dân Thim Lim ở trong công viên quốc gia lớn nhất Campuchia, và yêu cầu ông Lim rời đi để nhường chỗ cho một dự án của Trung Quốc.

Mảnh đất của Lim nằm trong khu vực mà Campuchia cho tập đoàn Union Development Group (UDG) của Trung Quốc thuê từ hơn 10 năm trước. Điều kì lạ là UDG chưa từng có dự án nào ở nước ngoài, ngoại trừ số đất ở Campuchia.

NYT cho rằng thỏa thuận này đã có nhiều điểm đáng ngờ. Không hề có cuộc đấu thầu công khai nào được tổ chức, nhưng UDG lại được trao một hợp đồng thuê diện tích đất gấp 3 lần diện tích tối đa được quy định trong luật đất đai Campuchia, trong vòng 99 năm. Hơn nữa, công ty Trung Quốc này cũng được miễn tiền thuê đất trong vòng một thập kỷ.

Các tài liệu quảng cáo của UDG về dự án ở Dara Sakor gọi đây là "dự án đầu tư bờ biển lớn nhất, không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên toàn thế giới".

Mặc dù với những điều khoản cho thuê hào phóng như vậy, nhưng tình hình ở nơi duy nhất của Dara Sakor đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng - một khu phức hợp nghỉ dưỡng - khá đìu hiu.

Theo quan sát của phóng viên NYT trong thời gian gần đây, sân golf và casino của khu nghỉ dưỡng này hoàn toàn không có khách. Trong khi đó, tại nhà hàng nổi của khu nghỉ dưỡng này, chỉ có duy nhất một gia đình Trung Quốc, nhưng họ lại tự đem theo đồ hải sản trong túi nilon...

Thế nhưng, UDG không hề rút lui sau dự án khu nghỉ dưỡng ế ẩm nói trên, mà thay vào đó công ty này còn xây dựng những công trình lớn hơn, bao gồm đường băng dài 3,2 km và một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu nặng đến 10.000 tấn.

Trong khi đó, thông tin về cơ quan, đơn vị quản lý các dự án ở Dara Sakor vẫn còn mơ hồ. Nhiều năm qua, UDG vẫn khẳng định dự án này hoàn toàn thuộc về tư nhân.

Tuy nhiên, Tướng Chhum Socheat, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia, nói với NYT rằng cơ quan Hàng không Dân dụng đang quản lý dự án sân bay Dara Sakor, nghĩa là dự án này không thể liên quan tới quân đội Trung Quốc.

Vết sẹo ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả đừng bịa đặt - Ảnh 3.

Nguồn: SCMP

"Sự mơ hồ"

Tọa lạc cách Dara Sakor hơn 80km lại là một khu nghỉ dưỡng khác do Trung Quốc xây dựng trên đất công viên quốc gia Campuchia. Cơ sở này cũng vắng khách và ế ẩm không kém khu phức hợp ở Dara Sakor, dù có vị trí hướng biển và đầu bếp Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của mọi người lại là một dự án ở khu vực lân cận: căn cứ hải quân Ream - căn cứ lớn nhất Campuchia.

"Tất cả các dự án này đều bị sự mơ hồ bao phủ, bởi bạn không bao giờ biết rõ điều gì đang diễn ra", Devin Thorne, đồng tác giả của nghiên cứu có tên "Harbored Ambitions" do Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến thực hiện, nhận định.

Tháng 7 vừa qua, báo Wall Street Journal cho rằng Trung Quốc được trao "thỏa thuận bí mật" để tiếp cận một phần căn cứ hải quân Ream trong vòng 30 năm.

Những đồn đoán xung quanh căn cứ Ream đã xuất hiện kể từ khi phía Campuchia thông báo không còn cần người Mỹ giúp đỡ, dù trước đó Mỹ đã chấp thuận yêu cầu tân trang cơ sở huấn luyện và sửa chữa tàu chiến của căn cứ này - những cơ sở do Mỹ đầu tư chi phí xây dựng.

Trung tá Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết việc chính quyền Campuchia rút lại yêu cầu của mình sau nửa năm là điều "rất bất ngờ, và dấy lên nhiều hoài nghi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ Ream".

Trả lời về vấn đề này, Tướng Chhum Socheat đã bác bỏ việc Campuchia đã đề nghị Mỹ tài trợ kinh phí sửa sang căn cứ Ream.

"Liệu chúng tôi có buộc phải đề nghị Mỹ phát triển lãnh thổ của mình hay không? Liệu chúng tôi có cần phải cầu Mỹ làm giúp dự án này, dự án kia hay không?" - Tướng Chhum Socheat nói.

Tuy nhiên, trong một bức thư gửi Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 8/5, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Phnom Penh đã lưu ý rằng phía Campuchia đã "đề nghị Mỹ giúp đỡ sửa sang và tân trang các cơ sở do Mỹ cung cấp tại căn cứ [Ream]", theo NYT.

Trong thư hồi âm được gửi vào một tháng sau đó, quan chức quốc phòng Campuchia đã đáp rằng "việc sửa chữa và tân trang các cơ sở tại căn cứ không còn cần thiết".

Thủ tướng Hun Sen và các nghị sĩ Campuchia cáo buộc Mỹ có các động thái ủng hộ và giúp đỡ phe đối lập Campuchia. 

Hai năm trước, quân đội Campuchia đã hủy cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, và thay vào đó họ bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc. Tới tháng 7 năm nay, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng ông đã chi 240 triệu USD trong ngân sách quốc phòng của Campuchia để mua khí tài Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, phát ngôn viên chính phủ Pay Siphan từng tuyên bố: "Nếu Đại sứ quán Mỹ không ưa chúng tôi, thì họ có thể thu xếp đồ đạc và rời đi", ông Pay Siphan nói. "Họ là những người gây rối. [Campuchia] đã thấy rõ điều đó khi họ coi thường chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại