Mưu sâu, tính xa

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tuy nói không có ý định chủ động gây chiến tranh nhưng trên thực tế, Mỹ và đồng minh đã luôn dự tính và chuẩn bị những phương án khắc nghiệt nhất với Iran.

Bủa vây Iran

Hiện tại có thể dễ dàng nhận ra sự phân vai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự trong việc thực hiện chủ ý ghì ép Iran chấp nhận đàm phán với Mỹ. Ông Trump đảm trách việc xiết chặt mức độ quyết liệt trong những biện pháp chính sách trừng phạt Iran đồng thời mời chào đàm phán vô điều kiện với Iran.

Giới quân sự Mỹ tiếp tục triển khai quân đội, bố phòng vũ khí và bày binh bố trận sẵn sàng chiến tranh với Iran. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton công du khu vực Trung Đông và vùng Vịnh để phối hợp chiến lược giữa Mỹ và đồng minh. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thực thi sứ mệnh tập hợp lực lượng thành liên quân cùng Mỹ chiến tranh với Iran.

Ông Pompeo tới Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Hai vương triều này xưa nay luôn như hình với bóng ở sau Mỹ trong mọi chuyện liên quan giữa Mỹ và Iran, trung thành với Mỹ nhất nhất như nước Anh ở châu Âu với Mỹ.

Mục đích của ông Pompeo là thành lập một liên quân mới như tổng thống Mỹ George W. Bush đã thành lập năm 2003 để tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq mà ông ta gọi là "Liên minh của những bên đồng tình".

Thật ra thì ông Trump đã thành lập rồi liên minh nhiều nước ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh cùng chống Iran mà còn được gọi là "NATO Ả Rập". Nhưng đấy là một công cụ chiến lược của ông Trump. Mỹ hiện cần và ông Pompeo hiện đang nỗ lực thành lập liên quân mới khác chuyên cho cuộc chiến tranh với Iran, nếu như cuộc chiến tranh này xảy ra.

Mưu sâu, tính xa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Win McNamee/Getty Images

Từ đó có thể thấy tuy ông Trump và cộng sự luôn nhiều lần quả quyết là không hề có ý định chủ động gây chiến tranh với Iran nhưng thật ra vẫn luôn dự tính đến và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh với Iran và vẫn luôn có ý sử dụng chiến tranh làm một phương cách để xử lý quan hệ của Mỹ với Iran.

Nói theo cách khác, Mỹ hiện tại không hẳn hoàn toàn không muốn mà chẳng qua ý thức được rằng chưa thể và chưa nên chiến tranh với Iran. Trong lịch sử xưa nay của nước Mỹ, Mỹ đã không ít lần liều lĩnh gây chiến tranh ở bên ngoài nhưng chưa từng bỏ lỡ cơ hội thuận lợi nào đối với Mỹ để gây chiến tranh ở nước ngoài.

Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003 hay Libya năm 2011 chẳng phải là những ví dụ gần đây nhất hay sao?

Những mục đích lớn nhất của Mỹ

Với việc tìm cách thành lập liên quân mới cùng Mỹ tiến hành chiến tranh với Iran mà ông Pompeo đang theo đuổi, chính quyền hiện tại ở Mỹ nhằm tới 3 mục đích chính sau.

Thứ nhất là gia tăng áp lực đối với Iran. Sự tồn tại của một liên quân như thế sẽ cho thấy không chỉ có Mỹ và còn có cả các nước khác nữa trên thế giới gây sức ép và gia tăng sức ép đối với Iran, tức là Iran bị cô lập.

Càng có nhiều nước trên thế giới nghe theo Mỹ thì áp lực đối với Iran sẽ càng tăng và Iran sẽ càng thêm khó khăn và khó xử kể cả ở tầm chiến lược lẫn chính sách, không chỉ có ở khu vực mà còn cả ở trên khắp thế giới.

Thứ hai là biến chuyện riêng giữa Mỹ và Iran thành chuyện chung giữa thế giới, hoặc ít nhất giữa số đông với Iran. Tập hợp được càng nhiều quốc gia trên thế giới hùa theo Mỹ cùng chiến tranh với Iran giúp Mỹ dùng số đông để tìm cách hợp pháp hóa cuộc chiến tranh với Iran, tạo hình ảnh và cảm nhận là Mỹ gây chiến tranh với Iran vì số đông, vì khu vực và thế giới chứ không phải vì lợi ích và ý đồ riêng của Mỹ.

Mưu sâu, tính xa - Ảnh 2.

Mỹ muốn dùng số đông này trong liên quân để trả lời những câu hỏi về pháp lý và đạo lý như ai đúng và ai sai trong việc gây ra chiến tranh và chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa theo cách và hướng có lợi nhất cho Mỹ.

Cho nên ông Pompeo tuy công du Trung Đông và vùng Vịnh, nhưng không giấu diếm chủ ý quyến rũ và lôi kéo các nước ở vùng xa hơn như châu Âu, châu Á hay châu Phi vào liên quân này của Mỹ.

Thứ ba là định hướng vào lâu dài, cụ thể là xung khắc giữa Mỹ và Iran sẽ kéo dài và chiến tranh bất cứ khi nào cũng có thể xảy ra, đơn giản vì không thể hoàn toàn được loại trừ. Vì thế, Mỹ luôn cần các nước khác không trực tiếp tham chiến với Mỹ thì cũng giúp Mỹ về hậu cần và tài chính cần thiết cho việc tiến hành chiến tranh hay sẵn sàng tiến hành chiến tranh trong thời gian dài.

Mỹ mưu sâu và tính xa như thế. Nhưng mưu tính thì Mỹ có thể chủ động chứ còn thực hiện được không hay thực hiện được đến đâu lại là chuyện khác. Iran hiện tại khác biệt cơ bản so với Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003 hay Libya năm 2011.

Israel, Ả Rập Xê út hay Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất thì có thể sẵn sàng chấp nhận trả mọi giá để theo Mỹ và cùng Mỹ chiến tranh với Iran chứ còn các nước khác trong cũng như ngoài khu vực thì sẽ không và sẽ chỉ đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong mức độ nhất định.

Ông Pompeo không dễ thành công với sứ mệnh thuyết khách này, nếu như không muốn nói là không thể thành công được như Mỹ đã làm được năm 2003.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại