Cựu cố vấn Iran: Nguy cơ xung đột ít nhất 50%, nên nhớ Iran là cường quốc khu vực!

Thi Anh |

"Chúng ta phải nhớ rằng Iran là cường quốc khu vực", cựu cố vấn của Iran nhận định, "Iran sẽ không chịu ở trong hộp và cứ thế mà chết".

Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Iran leo thang thành một tình thế nghiêm trọng hơn "rất, rất cao" mặc dù khả năng diễn ra chiến tranh toàn diện là chưa chắc chắn, cựu cố vấn của chính phủ Iran nói với CNBC.

Căng thẳng Washington và Tehran suýt chút nữa đã bùng bổ vào cuối tuần trước, sau khi Iran tuyên bố bắn hạ một chiếc máy bay không người lái của Mỹ mà nước này cho là đã tiếp cận lãnh thổ của mình. Phía Mỹ thì khẳng định chiếc máy bay chỉ hoạt động ở không phận quốc tế.

"Chúng ta phải nhớ rằng Iran là cường quốc khu vực. Nước Mỹ nói 'tôi sẽ nhét anh vào trong hộp, làm ơn chết đi. Nhưng họ (Iran) sẽ không chịu ở trong hộp và cứ thế mà chết", Fereidun Fesharaki, cựu cố vấn năng lượng của chính phủ Tehran hồi những năm 1970.

"Họ sẽ phản công bằng cách này hay các khác; Tôi nghĩ khả năng xung đột bùng phát thành một tình thế lớn hơn là rất, rất cao trong tương lai gần", Fesharaki - hiện đang là chủ tịch của trung tâm tư vấn về dầu khí Facts Global Energy - chia sẻ trong chương trình "Squawk Box" của CNBC.

Phản ứng với Iran trước hành động bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công quân sự nhằm vào một số mục tiêu của Iran - nhưng rồi lại rút lại các kế hoạch đó.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước đã đẩy giá dầu lên cao, với giá dầu thô Mỹ tăng thêm 9% trong khi giá dầu Brent tăng 5%. Các nhà đầu tư sợ rằng một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ làm gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Trung Đông - khu vực cung cấp hơn 20% sản lượng dầu thế giới.

Ông Fesharaki nhận định, nguy cơ xung đột ít nhất ở mức 50%. Theo cựu cố vấn, có thể sẽ không phải là một "cuộc chiến tranh toàn diện" nhưng sẽ là một cuộc xung đột khiến nguồn cung năng lượng bị gián đoạn.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran và tái áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào nước cộng hòa Hồi giáo này.

Mỹ cũng đồng thời tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông - công bố kế hoạch điều động hàng nghìn binh lính tới khu vực - và đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách tổ chức khủng bố.

Cuộc tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên biển Oman gần eo Hormuz đã "thêm dầu vào lửa", làm tăng thêm nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai nước. Washington cáo buộc Tehran thực hiện vụ tấn công dù Tehran phủ nhận.

Trước đây, Iran từng đe dọa phong tỏa eo Hormuz, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất của thế giới, vốn kết nối các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường trọng yếu khắp thế giới. Hồi đầu tháng này, ông Trump đã tuyên bố, nếu Iran phong tỏa eo Hormuz, "thì khu vực đó cũng sẽ không bị đóng quá lâu".

Về khả năng Iran rút đe dọa chặn eo Hormuz (do nước này cũng cần kênh vận chuyển để xuất khẩu các sản phẩm năng lượng), ông Fesharaki nói: "Họ có một ít tiền nhưng số tiền không đủ lớn để họ có thể... từ bỏ mọi thứ mà Tổng thống Trump yêu cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại