Mượn Triều Tiên, chuyên gia Nga tán dương chương trình tên lửa TQ

Nhật Minh |

Nhận định về chương trình tên lửa của Triều Tiên, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng Bình Nhưỡng có vẻ đang đi trên cùng một con đường với Trung Quốc ngày trước.

Triều Tiên thử thành công tên lửa KN-11

Tuần trước, Bình Nhưỡng đã tiến hành thành công vụ bắn thử tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) KN-11, còn được biết tới là Bukgeukseong-1 hay Polaris-1. Tên lửa đã bay xa khoảng 500km, vươn tới Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Tokyo tại Biển Nhật Bản.

Mượn Triều Tiên, chuyên gia Nga tán dương chương trình tên lửa TQ - Ảnh 1.

Vùng nhận dạng phòng không Nhật Bản

Triều Tiên bắt đầu chế tạo tên lửa này từ cuối tháng 10/2014. Theo các chuyên gia, sự thành công của cuộc thử nghiệm cho thấy KN-11 có thể được triển khai ngay trong năm 2017 hoặc 2018.

Lên án cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng điều này chỉ tiếp tục gây mất ổn định an ninh trên bán đảo. Hôm thứ Hai, một nhóm các nhà lập pháp Hàn Quốc còn lên tiếng thúc giục chính phủ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Mỹ cảnh báo rằng năng lực mới mà Triều Tiên thể hiện trong cuộc thử nghiệm sẽ gây trở ngại cho kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.

Trước đó, vào tháng Bảy năm nay, Washington đã đạt được thỏa thuận với Seoul về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Bắc Kinh và Moscow cảnh báo động thái này của Mỹ-Hàn có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Chuyên gia Nga nói gì?

Bình luận trên tờ Svobodnaya Pressa, ông Vasily Kashin - chuyên gia cấp cao tại Viện Viễn Đông, Học viện Khoa học Nga cho rằng, cuộc thử nghiệm thành công SLBM nhiên liệu rắn đã đánh dấu một bước đột phá trong chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Mặc dù khả năng của tên lửa này vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo ông Kashin, nó có tầm bắn ước tính khoảng 3.000km, mang đầu đạn nặng 650kg.

Khi bình luận về tên lửa mới của Triều Tiên, truyền thông Hàn Quốc cảnh báo rằng KN-11 có khả năng tấn công các mục tiêu nằm trong lục địa Mỹ. Song, ông Kashin cho đó là một nhận định phóng đại.

"Tất nhiên, Triều Tiên có thể tìm cách điều tàu ngầm trang bị tên lửa này áp sát bờ biển Mỹ nhưng điều đó không chắc thành công, bởi ngành công nghiệp đóng tàu của họ vẫn khá lạc hậu. Nói cách khác, không chắc Bình Nhưỡng sẽ có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho những con tàu của mình" - ông Kashin cho hay.

Mượn Triều Tiên, chuyên gia Nga tán dương chương trình tên lửa TQ - Ảnh 2.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một tàu ngầm của nước này

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, so với việc phóng đi thành công từ tàu ngầm thì những gì các kỹ sư Triều Tiên đạt được trong chương trình chế tạo tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn mang ý nghĩa đáng kể hơn nhiều.

"Có thể liên tưởng tới chương trình tên lửa của Trung Quốc từ những năm 1970 và sự ra đời của tên lửa JL-1. Khi ấy, chúng chỉ được triển khai với số lượng hạn chế trên chiếc tàu ngầm thử nghiệm duy nhất của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất của các cuộc thử nghiệm này là Trung Quốc đã chế tạo được một họ tên lửa tầm trung, gọi là DF-21. Chúng vẫn còn được tiếp tục phát triển cho tới ngày nay" - ông Kashin nói.

Mượn Triều Tiên, chuyên gia Nga tán dương chương trình tên lửa TQ - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D của Trung Quốc.

Triều Tiên có vẻ đang đi trên cùng một con đường với Trung Quốc ngày trước. Theo ông Kashin, sớm muộn gì họ cũng sẽ cải tiến các tàu ngầm mang tên lửa và duy trì một hạm đội quy mô nhỏ để biểu dương năng lực kỹ thuật của mình. Song, phiên bản trên bộ của tên lửa này có thể sẽ được sản xuất rộng rãi hơn.

Đó là bởi các tên lửa hiện nay của Triều Tiên có thời gian chuẩn bị phóng quá lâu - gần 1 tiếng rưỡi hoặc hơn, khiến chúng dễ bị tấn công trước. Tuy nhiên, với tên lửa nhiên liệu rắn KN-11, Bình Nhưỡng sẽ đủ khả năng tiến hành tấn công sau khi nhận lệnh từ 15-20 phút.

"Đó là điều mà Hàn Quốc lo sợ nhất" - ông Kashin nói.

Đáng chú ý là cho tới nay, mới chỉ có một số quốc gia thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Ấn Độ có khả năng chế tạo tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn. Pakistan và Iran cũng tìm cách phát triển loại tên lửa tương tự nhưng vẫn kém xa.

Trong khi đó, bất chấp các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại, Triều Tiên bỗng chốc phát triển được thứ vũ khí này, họ thậm chí có thể chào bán trên thị trường toàn cầu.

"Tất nhiên, các lệnh cấm xuất khẩu tên lửa và công nghệ tên lửa từ Triều Tiên vẫn còn hiệu lực và chúng đang được giám sát rất chặt chẽ", ông Kashin nói, "các giao dịch xuất khẩu tên lửa có thể được ngăn chặn nhưng việc ngầm chuyển giao công nghệ vẫn có thể diễn ra trót lọt và điều này mang tính chất tương đối nghiêm trọng".

Theo vị chuyên gia, Bình Nhưỡng có lẽ đã phát triển tên lửa phóng từ biển nhằm mục đích tiếp thị vũ khí mới, bởi đối với họ, việc tập trung phát triển tên lửa nhiên liệu rắn trên bộ ngay từ đầu sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Triều Tiên có thể giấu kín chúng bên trong lãnh thổ.

"Xét cho cùng, chúng ta cần lưu ý rằng hải quân nước này có lỗ hổng công nghệ rất lớn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến tàu ngầm của họ khó tránh được nguy cơ bị chìm tức thì khi có xung đột" - ông Kashin nhận định.

Khi đề cập tới các cuộc tranh luận trước đó về vấn đề Triều Tiên thực sự có đủ công nghệ để chế tạo đầu đạn hiện đại cho tên lửa hạt nhân hay không, ông Kashin cho rằng, hiện nay, các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đều có quy mô rất nhỏ, với sức công phá không vượt quá 10-20 kiloton.

"Nhưng đây vẫn là thứ đáng sợ trên chiến trường. Về vấn đề đầu đạn, hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau, song chưa nhận định nào trong số đó có đủ cơ sở để chứng minh" - ông Kashin cho hay.

"Tôi đã đưa ra ví dụ về chương trình tên lửa hạt nhân Trung Quốc, được phát triển trong những năm 1960 và 1970. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là một nước rất nghèo nhưng chỉ qua 4 cuộc thử nghiệm, họ đã có thể chế tạo được đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo.

Trong cuộc thử nghiệm thứ 4, tên lửa được phóng đi khi lắp đầu đạn và nó đã thành công. Vì vậy, tôi không thấy bất cứ cơ sở nào để khẳng định rằng Triều Tiên hiện nay không thể chế tạo đầu đạn hạt nhân" - Vị chuyên gia kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại