Ấn Độ lộ mật tàu ngầm, vì sao một loạt quốc gia khác chấn động?

Thiên Minh |

Vụ rò rỉ dữ liệu thiết kế của tàu ngầm Scorpene khiến chính quyền Ấn Độ phẫn nộ và nhiều quốc gia khác vô cùng lo ngại.

Theo Đài RFI (Pháp), vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến thế hệ tàu ngầm mới của Ấn Độ đã cho thấy rõ hơn cuộc chiến tàu ngầm đang trở thành trọng tâm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á-Thái Bình Dương.

Một bài viết trên tờ Foreign Policy cho biết, đối mặt với một nước Trung Hoa mạnh tay chi tiền cho cỗ máy quân sự và ngày càng tăng cường những đòi hỏi chủ quyền phi lý, các đối thủ của Bắc Kinh buộc phải đầu tư cho quân đội để đối phó.

Tại châu Á, nhiều nước láng giềng của Trung Quốc rất "chịu chi" để mua tàu ngầm - những cỗ máy yên tĩnh chạy bằng điện và diesel và có khả năng qua mặt lực lượng quốc phòng Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, tiết lộ vào tuần trước của nhật báo Australian về vụ rò rỉ 20.000 trang dữ liệu liên quan đến thiết kế kỹ thuật chi tiết của tàu ngầm lớp Scorpene (mà Pháp bán cho Ấn Độ) đã gây nên làn sóng lo ngại.

Ấn Độ lộ mật tàu ngầm, vì sao một loạt quốc gia khác chấn động? - Ảnh 1.

Tàu ngầm Scorpene đầu tiên của Ấn Độ tại Mumbai.

New Delhi ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp điều tra làm sao một nhà sản xuất nổi tiếng như DCNS lại có thể để mất các dữ liệu trên. Chính quyền Úc - quốc gia vừa chọn tập đoàn của Pháp để đóng thế hệ tàu ngầm mới - cũng nhanh chóng lên tiếng cảnh cáo nhà thầu Pháp tăng cường an ninh bảo mật.

Những phản ứng gay gắt trên cho thấy vị trí quan trọng của tàu ngầm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á.

Thông qua tàu ngầm, các quốc gia đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển quân sự của Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rằng: Họ không khoanh tay đứng nhìn những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh qua các biện pháp cưỡng chế và đơn phương hành động, đặc biệt là ở Biển Đông.

Tàu ngầm - Nhân tố răn đe

Úc, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ... khó có thể kháng cự được hệ thống radar và các giàn tên lửa đặt dọc bờ biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này có thể có được những chiếc tàu ngầm âm thầm lướt dưới hàng rào hải quân của Bắc Kinh.

Thực vậy, theo nhận định của ông Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, mặc dù Trung Quốc chi hàng tỷ USD để nâng cấp mọi mặt của quân đội (từ chiến đấu cơ đến tàu khu trục) nhưng khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của họ thì lại ì ạch. Và kẽ hở này đã để mở một chiến lược cho các đối thủ của Trung Quốc.

Một cựu thành viên Hải Quân Mỹ, đồng thời là cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực tàu ngầm cũng nhận định: "Các nước này thật sự thấy tàu ngầm là yếu tố quan trọng cho đội tàu của họ".

Còn theo ông Jonathan Greenert - cựu tư lệnh Hải Quân Mỹ, tàu ngầm là một loại vũ khí hấp dẫn đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ các nước trong vùng có thể sẽ tăng ngân sách đầu tư mua tàu trong bối cảnh đáng lo ngại là Trung Quốc không ngừng phát triển kho tên lửa.

"Bạn có thể chứng tỏ một cách kín đáo sức mạnh hủy diệt, và đó là một lời răn đe" - ông Greenert nhận định.

Chính vì vậy, tiết lộ về vụ rò rỉ dữ liệu thiết kế của tàu ngầm Scorpene khiến cả 2 khách hàng của tập đoàn Pháp DCNS (Ấn Độ và Úc) lo sợ vì những tài liệu trên chứa rất nhiều thông tin vô cùng quan trọng, như thời gian lặn, các loại ngư lôi và mọi kiểu tiếng ồn trong thời gian vận hành dưới nước.

Ông Emmanuel Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, thừa nhận vụ rò rỉ dữ liệu là một "vấn đề nghiêm trọng" và đang được chính quyền Pháp điều tra vì an ninh quốc phòng. Họ sẽ đánh giá tính chất các tài liệu bị đánh cắp, những thiệt hại có thể xảy ra cho khách hàng của DCNS, cũng như trách nhiệm của vụ rò rỉ thông tin này.

Cuộc chạy đua tàu ngầm xuất phát từ việc Bắc Kinh ngăn cản đối thủ của mình thâm nhập vào các vùng biển bằng hệ thống tên lửa và căn cứ hải quân. Các giàn radar hùng hậu của Trung Quốc càng khiến các đội tàu của Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác tăng cường tuần tra tại Tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai vài chục hệ thống tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cách bờ biển nước này hàng trăm dặm.

Ấn Độ phẫn nộ, nhiều nước lo sợ

Indonesia cũng gia nhập thị trường tàu ngầm tàng hình chạy bằng diesel và tập trung mở rộng hạm đội tàu của mình, từ 2 lên 7 chiếc. Kế hoạch này được công bố vào năm 2015, với thỏa thuận mua 2 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và đang chờ nhà sản xuất tàu ngầm Hàn Quốc giao 3 chiếc theo đơn đặt hàng từ năm 2012.

Jakarta lên kế hoạch triển khai một số tàu, cùng với chiến đấu cơ, tại một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, khu vực nằm chồng lấn với "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng thận trọng theo dõi việc Trung Quốc bắt đầu cho vận hành tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. New Delhi đã thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng đóng 24 tàu ngầm (từ nay đến 30 năm nữa), nhằm theo dõi đội tàu ngầm tối tân của Bắc Kinh.

Thế nhưng, dự án tàu ngầm Scorpene đã bị gián đoạn trong vòng nhiều năm. Chiếc tàu ngầm đầu tiên - INS Kalvari (nằm trong đơn đặt hàng 6 chiếc thuộc lớp này) ban đầu dự kiến được bàn giao vào năm 2012, song cuối cùng phải chờ đến tận năm 2016 mới được thử nghiệm ngoài khơi lần đầu tiên.

Ấn Độ lộ mật tàu ngầm, vì sao một loạt quốc gia khác chấn động? - Ảnh 2.

Tàu ngầm INS Kalvari chuẩn bị thử nghiệm trên biển.

Việc dự án Scorpene gần như giậm chân tại chỗ, cộng thêm vụ đánh cắp hơn 20.000 trang thiết kế đã khiến chính quyền Ấn Độ phẫn nộ.

Sự kiện này cũng tác động đến Úc, khi chính phủ nước này vừa mới ký hợp đồng trị giá 38 tỷ USD với tập đoàn DCNS để đóng tàu ngầm tân tiến.

Dựa trên thiết kế tàu ngầm nguyên tử của Pháp, tàu ngầm loại Barracuda được cho là sẽ giúp Canberra thị uy sức mạnh trong khu vực ngoài khơi phía bắc Úc.

Thay vì chạy bằng nguyên tử, tàu ngầm Barracuda sử dụng điện-diesel, có khả năng thực hiện những chiến dịch ngoài khơi dài ngày và được trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ. Ônng Clark nhận xét: "Đó sẽ là tàu ngầm chạy diesel tốt nhất thế giới nếu họ (Úc và Pháp) thực hiện được".

Paris đã kiên trì vận động hành lang để đạt được hợp đồng đầy lợi nhuận này cho tập đoàn DCNS, bất chấp sự phản đối của Washington.

Nhà Trắng muốn Úc chọn nhà thầu Nhật Bản để tăng cường nền công nghiệp quốc phòng của quốc gia Đông Á, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm một đồng minh chiến lược để cùng gánh trách nhiệm trong khu vực và nhằm ngăn chặn các động thái quân sự của Trung Quốc.

Vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến thiết kế tàu ngầm Scorpene của DCNS đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tình trạng bảo mật của tập đoàn này. Liệu tập đoàn của Pháp có giữ được bí mật các thông số kỹ thuật của Scorpene hay không, trong khi Bắc Kinh luôn quan tâm đến khả năng của tàu ngầm này?

Nhiều quốc gia khác đang đặt tàu Scorpene của Pháp, như Chile, Malaysia và Brazil, cũng lo ngại trước sự kiện đánh cắp thông tin trên.

Tập đoàn DCNS hiện đang cạnh tranh để giành được các hợp đồng đóng tầu ngầm cho Ba Lan và Na Uy. Theo nhận định của ông Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, "vấn đề cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn và đánh cắp thông tin có thể là phương thức được sử dụng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại