Một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt Nam đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 - 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo khoảng 5 - 6g.
Một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt Nam đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 - 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo khoảng 5 - 6g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 - 4 lần so với khuyến cáo. Trong khi vị mặn của muối lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Nhiều người nghĩ rằng ăn mặn, thói quen ăn nhiều muối là do lượng muối nêm vào các món ăn, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Một lượng lớn muối ảo được đưa vào cơ thể đến từ những món ăn truyền thống, khoái khẩu như nước mắm, tương, dưa cà muối, mì ăn liền, bánh mì, rau đóng hộp, cá khô, mì chính...
Thói quen ăn mặn dễ nhận thấy nhất là từ bát nước chấm trong bữa ăn hàng ngày. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, bát nước chấm đóng vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi là trung tâm của cả bữa ăn.
Bát nước chấm dùng chung trên mâm cơm, từ xưa đến nay làm khẩu vị đậm đà hơn, món ăn có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của người Việt.
Chính thói quen dùng nước chấm thường xuyên này đã làm chúng ta ăn mặn hơn bình thường một cách đáng kể bởi hầu hết các loại nước chấm (nước mắm, mắm tôm, tương…) đều chứa hàm lượng muối cao để bảo quản sản phẩm. Chưa kể, các món ăn đã được nêm muối trong quá trình chế biến. Vì vậy, việc dùng nước chấm kết hợp với các món ăn chính hàng ngày đã làm chúng ta ăn muối nhiều gấp nhiều lần số lượng cho phép.
Không chỉ nước chấm, dưa cà là những món ăn truyền thống trong bữa cơm của người Việt. Dưa, cà muối giúp tăng cường vị giác, khiến bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Nhưng bệnh cũng chính từ những món ngon ấy mà ra. Trong dưa, cà tiềm ẩn rất nhiều muối, lại cộng thêm một chút nước chấm, một lượng muối lớn lại được đưa vào cơ thể.
Không chỉ dùng nhiều muối từ nước chấm có trong bữa ăn chính, việc dùng trái cây chấm muối cũng làm chúng ta vô tình nạp muối vào cơ thể. Thậm chí, một số người còn ăn muối không mà không nhận thức được trong bữa ăn mình đã ăn rất nhiều muối so với quy định. Thói quen ăn mặn còn được thể hiện rõ nét qua những món ăn vặt giàu muối không thể bỏ qua như bò khô, bim bim, bánh mặn...
Đặc biệt, do tiết kiệm thời gian, thực phẩm chế biến sẵn đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong mỗi bữa ăn. Ít ai biết được rằng, loại thực phẩm này là một “mỏ muối” vì muối được dùng trong các thực phẩm này rất nhiều để bảo quản thực phẩm được lâu.
Ăn mặn là xuất phát điểm của nhiều căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là tim mạch. Theo nhiều nghiên cứu, ăn mặn là nguyên nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Càng cao tuổi, thói quen ăn mặn ngày càng tăng.
Trong khi ở người cao tuổi, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh tật, nhất là các bệnh lý về tim mạch. Không những vậy, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ăn mặn còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh khác như: suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày..., rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Giảm ăn mặn bằng cách nào?
Đối với người Việt, ăn mặn là thói quen có từ lâu đời và khó bỏ bởi nó làm hài lòng khẩu vị trong mỗi bữa ăn. Vì vậy, để bảo vệ được sức khỏe, đồng thời vẫn duy trì được cảm giác ngon miệng, cần tập ăn nhạt thực hiện dần dần, nhất là đối với người cao tuổi, không nên giảm đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lý mà bác sĩ chỉ định phải ăn nhạt).
Để hạn chế ăn mặn, chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn từng bước một, bằng cách pha loãng nước chấm hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường, nên chọn thực phẩm tươi sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế dùng muối. Không trữ các món mặn khô, mắm ở trong nhà. Cần tập cho trẻ nhỏ thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ để hạn chế các hiểm họa bệnh tật do ăn mặn gây ra.