Mục tiêu mới tuyến đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD: Khởi công năm 2030, hoàn thành 1.545km trong 15 năm

Duy Anh |

Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, đến năm 2030 sẽ phấn đấu khởi công hàng loạt tuyến đường sắt trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2030 khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao

Ngày 31/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Mục tiêu mới tuyến đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD: Khởi công năm 2030, hoàn thành 1.545km trong 15 năm - Ảnh 1.

Các đoạn đường sắt tốc độ cao được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030.

Trước đó, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn 5,82 tỷ USD, chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.

Mục tiêu mới tuyến đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD: Khởi công năm 2030, hoàn thành 1.545km trong 15 năm - Ảnh 2.

Hình ảnh tàu cao tốc shinkansen mới được gọi là Alpha-X của Nhật Bản, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2030, có khả năng đạt tốc độ lên tới 400 km/h. Ảnh: Bloomberg

Mục tiêu này được Bộ GTVT đưa ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Bộ GTVT khá trùng khớp với kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra vào tháng 3/2023 khi đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước năm 2030.

Chính phủ đề ra các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành mục tiêu

Để đạt được các mục tiêu trên, chương trình hành động của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt; kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt;...

Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách, từ năm 2024-2026, Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút đầu tư.

Từ năm 2023-2025, Bộ Tài chính chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ đường sắt; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt;...

Về hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND các tỉnh/thành phố chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoàn thiện quy hoạch hệ thống du lịch gắn kết với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu mới tuyến đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD: Khởi công năm 2030, hoàn thành 1.545km trong 15 năm - Ảnh 3.

Buồng lái tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025 - 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt (đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).

Từ năm 2025 - 2045, Bộ Tài chính ưu tiên tăng phân bổ ngân sách nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ năm 2023 - 2045, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải;...

Theo danh mục dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, chiều dài đường sắt hiện có là 2.440 km; đường sắt xây dựng mới có chiều dài 2.417 km; đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có chiều dài 1.545 km,...

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP, cho phép áp dụng loại hợp đồng BT, ưu đãi, bảo đảm đầu tư chia sẻ rủi ro phù hợp) để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư từng dự án cụ thể.

Ngoài ra ưu tiên dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) và sử dụng nguồn thu từ phát triển đô thị để tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại