Lấy răng giả bằng nhựa, dùng một loại dung dịch được gọi là “keo dán răng” để gắn răng giả vào hàm răng thật, tạo răng khểnh làm duyên. Đây là một trong những thú vui làm đẹp của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Các chuyên gia nhận định, sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, chất lượng tiềm ẩn hiểm họa đối với sức khỏe về lâu dài.
Làm đẹp bằng... răng nanh trôi nổi
Răng khểnh, răng nanh giả hiện được rao bán trên nhiều trang mạng, rao hàng tận nơi. Chỉ cần một cái đúp chuột, người mua tha hồ lựa chọn điểm mua, loại răng, kích cỡ.
Trang rangnanhgia.com chào hàng nhiều loại răng nanh, răng khểnh kích cỡ răng 17mm, 15mm, 13mm… chất liệu polymer, giá 85.000đ/bộ 2 cái đến 100.000đ/bộ. Có địa chỉ khuyến mại keo dán răng 35.000đ/bộ, cùng lời chào mời bằng nhiều hình ảnh hotgirl cười duyên khoe răng khểnh, răng nanh và chỉ dẫn:
“Răng sử dụng nhiều lần, tháo lắp tùy thời gian, ăn uống bình thường chỉ kiêng ăn uống đồ cứng, nóng…”.
Theo số điện thoại 0977xxx, chúng tôi liên lạc tới địa chỉ bán hàng Mai shop tại Lào Cai, chủ hàng (không nói tên) hướng dẫn nhanh: “Cách gắn răng xem trên youtube, chất liệu răng khểnh giả làm bằng nhựa, keo gắn răng là nhựa thông, trộn nhựa thông với bột trắng để gắn răng khểnh. Thông tin khác xem trên mạng”.
Tiềm ẩn nguy cơ độc hại
BS.CKII Trần Ngọc Đỉnh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện RHM TPHCM, cho rằng, sản phẩm răng khểnh giả rao bán trên mạng mục đích thẩm mỹ giải trí dựa trên thẩm mỹ nha khoa có thật. Bởi trong nha khoa cũng có thẩm mỹ răng bằng nhiều chất liệu như sứ, kim cương.
Điều đáng lo ngại là sản phẩm không nhãn mác, hàng trôi nổi thì không thể đảm bảo là không còn dư lượng chất độc hại.
BS.CKII Trần Ngọc Đỉnh kiểm tra nguyên liệu gắn răng khểnh giả
Sau khi phối trộn dung dịch lỏng vào loại bột trắng được nơi bán cho là “keo gắn răng”, BS.CKII Trần Ngọc Đỉnh cho biết, dung dịch lỏng không phải là nhựa thông, chỉ là loại keo dán đồ vật bình thường, dùng dán móng tay.
Nếu là dung dịch nguyên liệu dùng gắn răng thì phải có mùi hắc đặc trưng, hít phải liều lượng lớn có thể gây ngất xỉu. Còn bột trắng có thể là xi măng trắng dùng làm chất độn gắn răng, nhưng nguyên liệu dùng trong nha khoa không tùy tiện mua và không tùy tiện dùng.
Theo BS.CKII Trần Ngọc Đỉnh, một bộ phận giới trẻ đua nhau làm đẹp “nhái” như trên là tự chuốc họa vào thân. Việc lạm dụng các vật liệu làm đẹp không rõ nguồn gốc, chất lượng, sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các độc chất vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng, đơn giản là gây vôi răng nơi gắn răng giả, viêm nướu, lợi...
PGS.TS Đặng Chí Hiền, Viện Hóa học TP.HCM thì cho rằng, sản phẩm răng, nguyên liệu keo gắn răng giả rao bán trên mạng đều không nhãn mác, thành phần, không ai đảm bảo rằng chúng không chứa các độc tố kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen có hại cho răng lợi và hệ thống tiêu hóa khi qua đường miệng vào cơ thể.
Ngoài ra, khi cho dung dịch lỏng và bột trắng kết hợp với nhau chúng có tạo ra độc tố khác nữa hay không? Bộ 2 chiếc răng bằng chất liệu nhựa có đảm bảo nhựa an toàn sức khỏe không?
Sản phẩm núp dưới dạng làm đẹp như đồ chơi giải trí, đánh vào tâm lý giới trẻ tuổi mới lớn, nhưng nguy hiểm tới sức khỏe khi người sử dụng đang tự đưa dần chất độc hại vào cơ thể qua đường miệng, có thể gây viêm nướu răng, nguy hiểm hơn là ung thư vòm họng.
“Hàng bán qua mạng đang bị thả nổi về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, cơ quan quản lý không kiểm soát nổi, người tiêu dùng lại chưa ý thức được nguy cơ hại sức khỏe về lâu dài, nguyên nhân gây ra các bệnh hiểm như ung thư cũng bởi tích tụ các chất độc hại theo thời gian” - PGS.TS Đặng Chí Hiền nói.
Trong thẩm mỹ nha khoa vẫn có việc gắn răng thẩm mỹ nhưng khách hàng phải đến chuyên khoa răng để thực hiện thẩm mỹ răng, các nguyên phụ liệu nha khoa phải có nhãn mác, thành phần hóa chất phải qua kiểm định, được cấp phép sử dụng an toàn trên người, nguyên liệu mua chính ngạch.
Ở nước ngoài, việc mua bán nguyên phụ liệu ngành răng nói riêng, y khoa nói chung liên quan tới sức khỏe con người thì không được mua bán tùy tiện.