Sputnik đưa tin theo một điều khoản khẩn cấp đặc biệt, Phó Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ , Trung tướng Devraj Anbu có quyền phê duyệt khoản ngân sách trị giá 71,8 triệu USD để mua vũ khí mà không cần sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Do đó, ông Anbu đã quyết định sử dụng ngân sách này để mua các tên lửa chống tăng dẫn đường sau khi Ấn Độ và Pakistan rơi vào vòng xoáy căng thẳng từ đầu năm nay.
Hiện không rõ thương vụ mua bán vũ khí giữa Ấn Độ và Rafael là bao nhiêu. Theo một số nguồn tin chia sẻ với tờ Globes của Israel, giá trị bản hợp đồng là “hàng chục triệu USD”. Tuy nhiên, Rafael từ chối bình luận về thương vụ ký kết với Ấn Độ.
Ấn Độ đã thông qua thỏa thuận mua các tên lửa chống tăng tầm trung Spike, nhưng quân đội nước này lại muốn có ngay một số hệ thống vũ khí để thử nghiệm mùa hè.
Theo IHS Jane, đây là lý do trong Hội nghị Chỉ huy Quân đội hai năm một lần được tổ chức tại New Delhi diễn ra trong 5 ngày và kết thúc hôm 13/4, quyết định mua khẩn cấp 240 tên lửa chống tăng của Israel đã được đưa ra.
Còn theo Sputnik, hồi năm 2011, New Delhi đã quyết định chi 500 triệu USD để mua hàng ngàn tên lửa Spike. Nhưng do sự bất đồng giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ mà thương vụ này bị “bỏ rơi” tới tháng 11/2017.
Ngoài ra, dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, chính sách "Make-in-India" (Sản xuất tại Ấn Độ) được thi hành triệt để và đây là cơ hội để Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ cho ra đời tên lửa NAG-190 nội địa. NAG-190 là tên lửa chống tăng dẫn hướng vác vai do Ấn Độ nghiên cứu và sản xuất.
Song điều đáng nói là dù NAG-190 đã thử nghiệm thành công nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu vẫn chưa có. Một nguồn tin chia sẻ với Sputnik hồi tháng 9/2018 rằng, hoạt động sản xuất đại trà NAG-190 sẽ được tiến hành từ năm 2021.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Ấn Độ vẫn cần một lượng lớn tên lửa chống tăng. Theo Diplomat, có thông tin cho rằng quân đội Ấn Độ dự định mua 2.500 tên lửa Spike trong lúc chờ NAG-190. Nhưng cho tới nay, quá trình thảo luận vẫn chưa hoàn tất.
Còn vào ngày 31/1, Hội đồng Thu mua quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn bản kiến nghị mua 5.000 tên lửa chống tăng dẫn hướng thế hệ hai MILAN do Pháp sản xuất.