Thủy quân lục chiến Mỹ được cho là đang cân nhắc khả năng mua hệ thống phòng không Iron Dome - sản phẩm của tập đoàn Rafael và Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel - nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ đạn pháo và rocket tầm ngắn.
Iron Dome được các lực lượng vũ trang Israel triển khai từ đầu những năm 2010 để đánh chặn các cuộc tấn công rocket từ phiến quân Palestine ở dải Gaza. Mặc dù tỷ lệ đánh chặn thành công của nó trong các cuộc xung đột trước đây bị các chuyên gia nghi ngờ nhưng kể từ đó, Iron Dome đã cho thấy mức độ đáng tin cậy cao hơn.
Hầu hết các hệ thống phòng không mà Israel triển khai đều do Mỹ thiết kế (như MIM-23 Hawk và MIM-104 Patriot) hoặc do hai phía hợp tác sản xuất (như David’s Sling). Tuy nhiên, Iron Dome là hệ thống vũ khí hoàn toàn nội địa, có khả năng vượt qua các hệ thống tương tự ở châu Âu và Mỹ.
Nhu cầu cấp bách thúc đẩy Israel phát triển hệ thống phòng không tầm thấp này đến từ mối đe doa xảy ra xung đột với Hezbollah - tổ chức phiến quân với một kho vũ khí lớn gồm tên lửa Triều Tiên và Iran. Hezbollah hiện đang triển khai nhiều hệ thống phóng rocket.
Theo trang mạng MW, hàng xóm của Israel - Syria - cũng đang triển khai lực lượng phóng rocket lớn thứ 7 và lực lượng pháo kéo lớn thứ 6 trên thế giới, nên tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các mục tiêu quân sự và trung tâm dân cư của Israel trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các khả năng của Iron Dome có thể mang lại giá trị cao cho lực lượng tác chiến trên bộ của Mỹ, trước đây Lục quân Mỹ từng bày tỏ mối quan tâm đối với hệ thống này.
Iron Dome từng được triển khai tới một trường bắn tại Mỹ để thử nghiệm vào tháng 4/2016 và đã bắn hạ thành công một máy bay mục tiêu không người lái. Các báo cáo vào tháng 1/2019 cho biết Lục quân Mỹ có kế hoạch mua 2 tổ hợp Iron Dome trị giá 373 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay hợp đồng này vẫn chưa được xác nhận.
Pháo binh Triều Tiên là mối đe dọa lớn với Mỹ.
Mối quan tâm gần đây của Thủy quân lục chiến Mỹ có thể dẫn tới một thỏa thuận lớn hơn, trong đó, Iron Dome được đánh giá cao vì ưu thế vượt trội so với các đối thủ của Mỹ.
Chẳng hạn, ở bán đảo Triều Tiên, các phương tiện tác chiến của Mỹ đang bị đe dọa bởi các trận địa pháo binh dày đặc và vững chắc của Triều Tiên với hơn 5.000 hệ thống pháo bắn rocket, 4.500 pháo kéo và 2.500 pháo tự hành, trong đó có pháo 170mm Koksan thuộc hàng lớn nhất và dài nhất trên thế giới.
Trong khi đó, lực lượng pháo binh Mỹ có quy mô nhỏ hơn nhiều, và chỉ một phần trong số này dự kiến được triển khai tới bán đảo Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột. Do vậy, khả năng đánh chặn rocket Triều Tiên sẽ khiến Iron Dome trở thành một công cụ vô cùng hữu dụng. Nó cũng có thể được Mỹ triển khai để đối phó với lực lượng pháo binh Nga ở Đông Âu.
Mua Iron Dome, Mỹ sẽ bị Trung Quốc nắm thóp?
Trung Quốc đã nắm được nhiều bí mật về Iron Dome?
Thế nhưng, theo MW, bất chấp những năng lực đặc biệt, khả năng của Iron Dome trong việc ngăn chặn cuộc tấn công từ các đối thủ của Mỹ (như Triều Tiên hoặc Nga) vẫn có thể bị tổn hại nghiêm trọng do theo các báo cáo vào năm 2014, một lượng đáng kể dữ liệu kỹ thuật của Iron Dome đã bị các hacker Trung Quốc lấy cắp từ hệ thống máy tính của Israel.
Thông tin này xuất hiện chỉ vài tháng sau khi Iron Dome được Israel đưa vào biên chế. Chuyên gia an ninh mạng Brian Kreb cho biết:
"Trong giai đoạn 10/10/2011 - 13/08/2012, những kẻ tấn công - được cho là hoạt động bên ngoài Trung Quốc - đã đột nhập vào mạng tập thể của 3 công ty công nghệ hàng đầu Israel, trong đó có tập đoàn Elisra, tổ hợp Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel, và công ty các hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael" - Krebs viết.
Krebs cho hay, bằng cách khai thác các cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc bí mật do hacker thiết lập, CyberESI đã xác định được rằng, những kẻ tấn công đã lấy đi một lượng lớn dữ liệu từ 3 công ty trên.
Hầu hết các thông tin bị đánh cắp là tài sản trí tuệ liên quan đến hệ thống Iron Dome, tên lửa Arrow III, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và các tài liệu kỹ thuật khác trong cùng lĩnh vực nghiên cứu.
Mặc dù Trung Quốc và Israel vẫn duy trì mối quan hệ tích cực - bất chấp áp lực lớn từ phía phương Tây nhằm buộc Tel Aviv hạ thấp mối quan hệ đối với các quốc gia Đông Á - nhưng nếu quân đội Mỹ mua và triển khai rộng rãi Iron Dome, thì quân đội Trung Quốc (PLA) có thể sẽ khảo sát kỹ lưỡng hệ thống này để tìm điểm yếu và phát triển các phương thức đối phó.
Những thông tin mà Bắc Kinh nắm giữ có thể được chia sẻ với Nga và Triều Tiên. Dữ liệu có được cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh trong việc phát triển hệ thống phòng không.
Những ứng dụng mà quân đội Trung Quốc có thể đạt được với dữ liệu về Iron Dome sẽ khiến quân đội Mỹ phải cân nhắc kỹ càng liệu có nên tiến hành thỏa thuận này hay không.
Cơ chế hoạt động của hệ thống Iron Dome. Nguồn: Bloomberg