Tiểu Vương (Trung Quốc) ngoài 20 tuổi, sống trong gia đình 4 người, mẹ làm nội trợ toàn thời gian. Anh kể lại, trước khi đi làm luôn cảm thấy nhà mình ăn uống bình thường, nhưng sau khi thường xuyên ăn ngoài mới cảm thấy khẩu vị của cả nhà mình quá mặn. Bởi vì mẹ anh mắc sai lầm tai hại khi nấu nướng đó là cho quá nhiều 1 loại gia vị: muối.
Tiểu Vương nhiều lần khuyên mẹ nên giảm muối nhưng bà không chịu nghe. Bà nói rằng đã ăn như vậy nửa đời người rồi, giảm muối sẽ không ngon, không muốn ăn. Hơn nữa, việc kiểm soát lượng muối trong khi nấu nướng rất khó, nó có trong nhiều loại gia vị - phụ gia, thực phẩm chứ không riêng gì muối. Bà già rồi, thường bỏ gia vị theo thói quen, không muốn nấu bữa cơm cũng cân đo từng chút một.
Kết quả, khi đi khám gần đây cả nhà Tiểu Vương đều gặp vấn đề sức khỏe, chủ yếu liên quan tới tim mạch. Mẹ anh còn bị loãng xương còn bố có vấn đề ở thận. Bác sĩ cho biết điều này có liên quan mật thiết tới thói quen ăn thừa muối, mẹ Tiểu Vương mới ôm mặt hối hận muộn màng.
Ăn bao nhiêu muối là đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 g natri mỗi ngày, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, các báo cáo của WHO cũng chỉ ra trên thực tế thì đa số mọi người thường dùng lượng muối vượt quá mức này, thậm chí gấp đôi. Tức là trên 10g mỗi ngày và gia đình Tiểu Vương là một trong số đó.
Các biểu hiện khi ăn thừa muối phổ biến có thể kể tới như:
- Hay khô miệng, khát nước.
- Cơ thể bị sưng, phù nề bất thường. Nhất là chi dưới.
- Tăng huyết áp.
- Hay thấy đau đầu, phản ứng chậm hơn, suy giảm trí nhớ.
- Đau xương, người mệt mỏi không rõ nguyên do.
- Đi tiểu nhiều hơn, nước tiểu đậm màu.
4 tác hại nguy hiểm của việc ăn thừa muối
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rằng ăn thừa muối gây ra hàng loạt tác hại cho cơ thể. Sau đây là 4 vấn đề sức khỏe phổ biến khi ăn thừa muối:
Bệnh tim mạch
Muối có chứa natri, một ion có tác dụng giữ nước trong cơ thể. Khi lượng muối tiêu thụ quá cao, natri sẽ làm tăng thể tích máu, gây ra tình trạng huyết áp cao. Tăng huyết áp làm tăng sức cản dòng máu trong mạch máu, gây căng thẳng cho tim. Nếu huyết áp không được kiểm soát, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ, suy tim và nhồi máu cơ tim, sẽ cao hơn đáng kể. Nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ lên đến 20 - 40%.
Bệnh ung thư
Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ ung thư do muối có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho vi khuẩn H. pylori phát triển, từ đó làm tăng khả năng gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, muối còn chứa nitrat, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành amoni nitrat, một chất gây ung thư mạnh. Việc tiêu thụ quá nhiều muối trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác.
Bệnh thận
Ăn thừa muối gây áp lực lớn lên thận, vì thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng natri dư thừa. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận theo thời gian, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Thêm vào đó, lượng muối cao còn khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến phù nề và tăng huyết áp, gây trầm trọng thêm bệnh thận. Bệnh thận phổ biến nhất do ăn thừa muối là suy thận.
Loãng xương
Ăn thừa muối gây ra sự mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể. Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều muối, cơ thể sẽ thải ra nhiều canxi qua nước tiểu. Canxi là khoáng chất quan trọng cho xương chắc khỏe, và việc mất canxi kéo dài có thể dẫn đến loãng xương, làm xương trở nên yếu và dễ gãy. Người ăn nhiều muối có nguy cơ cao mắc các vấn đề về xương, đặc biệt là khi họ có chế độ ăn thiếu canxi hoặc vitamin D.
Nguồn và ảnh: The Paper, Family Doctor