Đó là trường hợp ông Oum Sokun (48 tuổi, quốc tịch Campuchia). Bệnh nhân được chuyển từ Campuchia đến một bệnh viện tại quận Bình Tân, TP.HCM trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát.
Ngoài ra ông còn phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên người cùng với sang thương hoại tử da nghiêm trọng.
Người đàn ông bị hồng ban xuất huyết đầy trân mặt.
Theo lời kể người nhà, trước khi nhập viện 5 ngày ông Sokun bị cảm, người mệt mỏi nên tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống.
Chỉ ít giờ sau đó bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Campuchia nhưng phải đặt nội khí quản thở máy ngay khi đến nơi vì suy hô hấp nặng.
Sau 5 ngày điều trị tình trạng ngày một trầm trọng nên người nhà quyết định chuyển bệnh nhân sang Việt Nam điều trị.
Phiên hội chẩn khẩn cấp giữa các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã diễn ra ngay sau đó. Sau khi thực hiện xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh học cần thiết, bệnh nhân được xác định bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc nguyên nhân do dị ứng thuốc .
Bệnh đã diễn tiến đến tổn thương đa cơ quan bao gồm hôn mê, suy thận cấp nặng, viêm kết mạc, tổn thương viêm lan tỏa 2 phổi bội nhiễm kèm khí phế thủng, tràn khí dưới da thành ngực.
Bệnh nhân được xác định bị hội chứng Stevens Johnson.
Người đàn ông còn bị tăng men tim, men gan, xuất huyết tiêu hóa, giảm 3 dòng tế bào máu, chức năng đông máu bị ảnh hưởng nặng.
Nhận định tình trạng nghiêm trọng, các bác sĩ khoa Chăm sóc tích cực cho bệnh nhân thở máy kiểm soát ngay, chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu và các sản phẩm của máu trong khi chạy thận nhân tạo.
Bệnh nhân đã được sử dụng corticoid liều điều trị, kháng sinh điều trị viêm phổi, dinh dưỡng tích cực đường tiêu hóa và tĩnh mạch, nâng đỡ chức năng gan, tủy xương, truyền máu, mở khí quản ra da, tập vật lý trị liệu...
Một thách thức quá lớn mà bệnh nhân phải đối mặt là tình trạng viêm phổi liên quan đến thở máy tái phát nhiều lần với vi trùng đa kháng thuốc trên nền tổn thương xơ phổi, khí phế thủng.
Sau chặng đường dài 97 ngày điều trị, bệnh nhân dần hồi phục thần kỳ.
Thời gian lệ thuộc máy thở đã kéo dài trên 2 tháng. Đã có những lúc các bác sĩ tuyệt vọng nhưng vẫn cố "còn nước còn tát".
Sau chặng đường dài 97 ngày điều trị, bệnh nhân dần hồi phục thần kỳ, chức năng thận cải thiện hoàn toàn, tri giác ổn định.
Bệnh nhân đã được ngưng thở máy sau 2 tháng. Hiện tại người đàn ông được chuyển khoa Ngoại tiếp tục chăm sóc và điều trị.
Bệnh nhân đã được mở nội khí quản.
Ths.BS Đào Thị Mỹ Vân, người theo dõi điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, hội chứng Stevens-Johnson là những phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vaccine sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus…
Bệnh rất nguy hiểm vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong các thể nặng ghi nhận từ đến 5-30%. Các thuốc hay gặp gây ra hội chứng này bao gồm: Allopurinol, Carbamazepine, Lamotrigine, Nevirapine, NSAIDs, Phenobarbital, Phenytoin, Sulfamethoxazole, Sulfasalazine.
Cho đến nay, cơ chế miễn dịch được xem là cơ chế bệnh sinh chính được ghi nhận. Tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc liên quan đến tế bào lympho CD4, CD8 cùng với các tế bào diệt tự nhiên, các chất granulysin, perforin, granzyme B, FasL…
Một trường hợp khác cũng bị dị ứng thuốc nguy kịch.
Một số nghiên cứu báo cáo bệnh còn liên quan đến tính di truyền.
Bác sĩ khuyến cáo bất kỳ ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng thuốc. Đôi lúc dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh nhưng phải theo toa bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần.
Nếu biết mình dị ứng với thuốc nên ghi lại tên thuốc và báo cho bác sĩ biết khi đến khám bệnh tại cơ sở y tế.