Một năm đại dịch Covid-19: Thế giới chờ đợi “điều kỳ diệu”

THU HOÀI, |

Số ca mắc tăng gấp 900 lần, số ca tử vong tăng gấp 5 lần tròn 1 năm sau đại dịch Covid-19 nhưng cũng trong 365 ngày đó, vaccine Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục.

Tròn một năm sau ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới đã phải chứng kiến số ca mắc tăng gấp 900 lần lên gần 117 triệu người và số ca tử vong cũng tăng gấp 5 lần lên hơn 2,6 triệu người. Tuy nhiên, cũng trong chưa đầy 365 ngày sau đó, thế giới được chứng kiến điều phi thường: Vaccine ngừa Covid-19 được phát triển và đưa vào tiêm chủng đại trà trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Một năm đại dịch Covid-19: Thế giới chờ đợi “điều kỳ diệu” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

“WHO đã luôn đánh giá dịch bệnh này và chúng tôi hết sức lo ngại cả về các cấp độ lây lan báo động, mức độ nghiêm trọng lẫn việc không có phản ứng ở mức đáng lo ngại. Chính vì thế chúng tôi đưa ra đánh giá đây là một đại dịch, đại dịch đầu tiên do virus corona”, WHO cho hay.

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu khi số ca mắc được xác nhận là 180.000 người và số ca tử vong là gần 5.000 người. Một năm sau đó, thế giới chứng kiến số ca mắc tăng hơn 900 lần, lên 117 triệu người và số ca tử vong cũng tăng gấp 5 lần, lên hơn 2,6 triệu người.

Cũng trong ngày 11/3/2020, Italia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phải ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc khi số ca mắc vượt mốc 10.000 người.

Ngay tối cùng ngày, từ phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo những hạn chế đầu tiên đối với việc đi lại từ châu Âu, gây ra một cuộc tranh cãi xuyên Đại Tây Dương. Những ngày sau đó, các sân bay ngập tràn người không đeo khẩu trang. Và rồi chúng nhanh chóng trở nên hoang vắng. Tuy nhiên, đối với phần lớn thế giới, đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Sau một năm chống dịch Covid-19, nỗi ám ảnh đối với nữ y tế Sheeba Philip, đang làm việc tại Bệnh viện Đông Lancashire, hạt Lancashire, chính là tiếng còi xe cấp cứu bởi chị không biết trong số này có bao nhiêu người sẽ không thể qua khỏi và trong số này có người thân của mình hay không. Người phụ nữ 43 tuổi này chia sẻ, cứ đến cuối ca trực, cô không khỏi lo lắng về chuyện có thể mang virus về nhà và lây cho mẹ đang phải chạy thận nhân tạo hay không.

“Mỗi ngày đều nghĩ rằng mình có thể mang virus về nhà, điều đó thật khó khăn. Tuy nhiên, đó là sự thật mà bạn phải chấp nhận. Bạn biết rằng bạn phải đề phòng, nhưng bạn cũng biết rằng với tư cách là một chuyên gia, bạn phải có trách nhiệm với bệnh nhân. Dù trái tim tôi muốn mình ích kỷ một chút, nhưng tôi lại không thể”.

Đại dịch Covid-19 đã lây lan ra hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch cách đây 1 năm, ít ai có thể lường trước được con đường dài phía trước: sức khỏe, sự sống bị đe dọa, nền kinh tế bị hủy hoại, cuộc sống bị gián đoạn... Tuy nhiên, cũng trong chưa đầy 365 ngày sau đó, thế giới được chứng kiến điều phi thường: Vaccine ngừa Covid-19 được phát triển và đưa vào tiêm chủng đại trà trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Chuyên gia y tế về các bệnh truyền nhiễm quốc gia Italy Maria Rosaria Capobianchi đánh giá: “Vaccine là ánh sáng cuối đường hầm trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Chúng ta không thể chiến thắng Covid chỉ trong vài ngày tới, nhưng vaccine cho chúng ta ánh sáng của hi vọng, cho chúng ta lý do để nghĩ về một tương lai tốt hơn và cho chúng ta niềm tin vào con đường đang đi là đúng đắn”.

Với tốc độ chế tạo nhanh chóng chưa từng có tiền lệ, thành tựu này đã lóe lên tia hi vọng chấm dứt đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt đặt ra cho thế giới sau một năm đại dịch, đó là đảm bảo người dân tại tất cả các quốc gia trên thế giới đều được tiếp cận vaccine. Theo Liên minh Vaccine Nhân dân, nếu như tại các nước giàu, cứ mỗi giây lại có một người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì trái lại, phần lớn nước nghèo lại chưa có liều vaccine nào. Con số hơn 30 triệu vaccine ngừa Covid-19 được phân phối tới 51 quốc gia nghèo hơn theo Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) chỉ như muối bỏ biển.

Dẫu vậy, thực tế một năm qua đã chứng minh không gì con người không thể vượt qua và điều quan trọng hơn là cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng đã thắp sáng hy vọng, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều được hưởng lợi ích từ những thành tựu phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19 và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại