Một loạt vũ khí "sát thủ" của Nga biến đâu mất trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ?

Anh Tú |

Điểm đáng chú ý nhất trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng năm nay là khán giả đã không nhìn thấy bất cứ một phương tiện chiến đấu tự động nào của Nga, kể cả “sát thủ” Uran-9.

Những khí tài hiện đại được Nga giới thiệu tại Lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng

Sau một thời gian trì hoãn vì Đại dịch Covid-19, Nga đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng Phát xít trên Quảng trường Đỏ ở Thủ Đô Moscow ngày hôm qua.

Tại sự kiện trọng đại này hàng năm, Quân đội Nga vẫn thường trình diễn những mẫu vũ khí mới nhất do nước này sản xuất. Khánh thăm quan cũng luôn rất ngóng chờ để được tận mắt chứng kiến những sản phẩm quân sự độc đáo của Nga. Lễ diễu binh năm nay cũng không phải ngoại lệ.

Một loạt khí tài hiện đại đã lần lượt được Nga phô diễn: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, T-90M (Proryv-3); các hệ thống tên lửa S-400, S-350 Vityaz, S-300V4, 9K720 Iskander; hệ thống pháo phun lửa hạng nặng Tos-2 Tosochka...

Tất nhiên, Ngày Chiến Thắng sẽ không phải là buổi lễ hoàn hảo nếu thiếu vắng các hệ thống tên lửa đạo liên lục địa (ICBM) cơ động. Trong màn trình diễn năm nay, Nga vẫn giới thiệu cả ICBM RS-24 Yars.

Một loạt vũ khí sát thủ của Nga biến đâu mất trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars tại Lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng năm 2020

RS-24 Yars là hệ thống tên lửa chiến lược của Nga, động cơ nhiên liệu rắn, có khả năng mang từ 3 - 4 đầu đạn nhiệt hạch MIRV (đầu đạn hạt nhân phân hướng độc lập tấn công mục tiêu) với sức công phá lên đến 150 kiloton.

Tên lửa Yars được chế tạo để qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, có khả năng cơ động trong hành trình bay và được trang bị các loại mồi bẫy. Tầm bắn của RS-24 có thể đạt tới 12.000 km.

Khán giả tham dự lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến Thắng tại Moscow năm nay cũng được tận mắt chứng kiến 3 biến thể mới của hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir, gồm: Pantsir tiêu chuẩn, Pantsir-SM và Pantsir-SA - phiên bản dành riêng cho Bắc Cực.

Mỗi hệ thống Pantsir trang bị 12 tên lửa tầm ngắm và 2 pháo 30mm. Pantsir được xem là một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong tác chiến phòng không và liên tục được các đơn vị quân sự của Quân đội Nga sử dụng, đặc biệt là trên chiến trường Syria thời gian gần đây.

Các robot chiến đấu "biến mất" đầy bí ẩn?

Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong buổi lễ trên Quảng trường Đỏ ngày hôm qua là khán giả đã không nhìn thấy bất cứ một phương tiện không người lái nào của Nga, gồm cả robot “sát thủ” Uran-9, vũ khí đã từng chiếm vị trí nổi bật trong các lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng năm 2018 và 2019.

Uran-9 là phương tiện tác chiến không người lái (UGV) tân tiến của Nga, được thiết kế để làm nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ hỏa lực cho rất nhiều sứ mệnh khác nhau được thực hiện bởi các đơn vị chống khủng bố, trinh sát và tác chiến ở môi trường đô thị.

Robot Uran-9 được Quân đội Nga đưa vào trang bị chính thức vào tháng Giêng năm 2019 và cũng đã từng tham chiến ở chiến trường Syria.

Một loạt vũ khí sát thủ của Nga biến đâu mất trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ? - Ảnh 2.

Robot chiến đấu Uran-9 tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2018 trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP

Vũ khí được trang bị trên Uran-9 gồm: Súng máy đồng trục PKTM 7,62mm, pháo tự động Shipunov 2A72 30mm,, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120-1 Ataka, 6 súng phóng đạn nhiệt áp RPO-M Shmel-M. Với vai trò hỗ trợ hỏa lực phòng không tầm ngắn, Uran-9 có thể mang theo 4 tên lửa đất đối không 9K338 Igla-S/SA-24 Grinch.

Uran-9 được bổ sung cảm biến nhiệt độ, máy đo xa laser và các loại kính quang học có thể quan sát cả ngày lẫn đêm. Hệ thống có thể tự động phát hiện, nhận biết và theo dõi mục tiêu.

Việc Uran-9 “biến mất hút” trong lễ kỷ niệm năm nay có thể là dấu hiệu cho thấy Nga vẫn còn thiếu tự tin với các phương tiện tác chiến tự động do nước này chế tạo.

Uran-9 từng được đánh giá là không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong các hoạt động chiến đấu thông thường, dựa trên những kết quả yếu kém thể hiện ở chiến trường Syria.

Theo tiết lộ của nghiên cứu viên cao cấp A.P. Anisimov thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương số 3 - Bộ Quốc phòng Nga, Uran-9 đã bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong các cuộc thử nghiệm thực tế tại Syria.

Chẳng hạn như, khung gầm của Uran-9 đã không thể sử dụng được trong các vai trò cận chiến mặt đất thời gian dài và buộc phải sửa chữa ngay trên chiến trường. Khi thực thi các nhiệm vụ chiến đấu trong môi trường đô thị với những tòa nhà thấp tầng, tầm kiểm soát trung bình của Uran-9 chỉ là từ 300 m - 500 m.

Với khả năng trinh sát, các ống kính quang - điện tử được sử dụng để do thám và phát hiện mục tiêu chỉ hoạt động được ở tầm xa chưa tới 2 km. Ống kính quang học OCH-4 đã không phát hiện được các thiết bị định vị mục tiêu của kẻ thù, đồng thời còn phát ra rất nhiều tín hiệu nhiễu ở khu vực giám sát dưới mặt đất cũng như trên không.

Cũng có thể còn một lý do khác nữa là Nga không muốn thu hút sự chú ý của công chúng. Điều này có vẻ thuyết phục hơn. Ngay cả khi Nga cho giới thiệu những hệ thống vũ khí mới nhất và hiện đại nhất của họ thì người xem cũng chỉ có thể được chứng kiến những gì mà Nga muốn phô trương, còn cái gì cần cất giấu thì họ đã cất giấu.

Bộ QP Nga công bố video giới thiệu khả năng chiến đấu của Uran-9

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại