Ăn tối quá muộn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh: Adobe Stock)
Một nghiên cứu của Đại học Sorbonne Paris Nord (Pháp) cho thấy ăn tối sau 9 giờ tối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc thiếu máu não cục bộ thoáng qua (hay còn gọi là cơn đột quỵ nhỏ - TIA).
Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại thời gian ăn tối của hơn 100.000 người. Theo đó, những người tham gia được chia làm 3 nhóm, trong đó nhóm ăn tối sớm nhất hoàn thành bữa tối trước 8 giờ tối và nhóm ăn tối muộn nhất hoàn thành bữa tối sau 9 giờ tối.
Trong 7 năm quan sát, nhóm nghiên cứu ghi nhận khoảng 2.000 trường hợp mắc các bệnh về tim mạch, trong đó có đau tim và đột quỵ. Đặc biệt, những người ăn tối sau 9 giờ tối có nguy cơ đột quỵ hoặc TIA cao hơn 28% so với những người ăn tối xong trước 8 giờ tối.
Vì sao ăn tối muộn lại làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Ăn tối muộn là thói quen của không ít người, đặc biệt là người trẻ. Các nhà khoa học của Đại học Sorbonne Paris Nord cho biết, thông thường huyết áp có xu hướng thấp hơn vào buổi tối. Thế nhưng, việc ăn tối muộn sẽ làm tăng huyết áp cũng như lượng đường trong máu. Theo thời gian, hai yếu tố này có thể gây tổn thương mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn đến đột quỵ, đau tim.
Ngoài kết luận ăn tối sớm hơn sẽ tốt cho sức khỏe, nghiên cứu này cũng khẳng định việc không ăn vặt hoặc ăn thêm bữa vào ban đêm sẽ giảm được đáng kể nguy cơ đột quỵ và TIA.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu xem thời gian ăn tối muộn liệu có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe như chế độ ăn uống không lành mạnh hay không.
Ăn uống thế nào để phòng ngừa được đột quỵ?
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sẽ giúp chúng ta phòng ngừa được nhiều loại bệnh tật, trong đó có đột quỵ. Cụ thể:
• Nên ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau củ khác nhau mỗi ngày. 5 phần này có thể là trái cây và rau củ tươi, đông lạnh, sấy khô hoặc đóng hộp.
• Tinh bột trong bữa ăn có thể là khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống hoặc các dạng tinh bột khác, nhưng lý tưởng nhất là ngũ cốc nguyên hạt.
• Nên bổ sung đủ 30g chất xơ mỗi ngày. Lượng chất xơ này bao gồm lượng chất xơ có trong 5 phần trái cây và rau củ ở trên cộng thêm chất xơ từ các nguồn khác như khoai tây nướng nguyên vỏ, bánh mì nguyên cám,...
• Uống sữa hoặc sản phẩm thay thế sữa (như sữa đậu nành) ít béo và ít đường.
• Bổ sung đa dạng nguồn protein từ đậu, cá, trứng, thịt,... Đặc biệt, nên ăn ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi tuần, trong đó phải có 1 khẩu phần là cá béo.
• Sử dụng các loại dầu hoặc bơ không có chất béo bão hòa và tiêu thụ với một lượng vừa phải.
• Uống đủ nước.
• Người lớn nên tiêu thụ ít hơn 6g muối mỗi ngày.
(Nguồn: Diabetes, Daily Mail)