Một kế hoạch nguy hiểm ở Syria

MỸ HẠNH |

Liên quân chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu vừa lên kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria với sự tham gia của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và các nhóm vũ trang Syria.

Đây được đánh giá là một kế hoạch nguy hiểm vì có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với nền hòa bình, chủ quyền cũng như sự thống nhất của Syria, làm leo thang căng thẳng ở khu vực.

Kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới với 30.000 quân gồm các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn bị cáo buộc là nhằm hỗ trợ lực lượng này kiểm soát một khu vực rộng lớn phía bắc Syria sau khi tiêu diệt tổ chức IS.

SDF, nòng cốt là các tay súng thuộc Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Trong bối cảnh tiến trình chính trị ở Syria vẫn đang bế tắc thời kỳ hậu IS và quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, động thái này gây quan ngại sẽ tạo ra những trở ngại to lớn. Người ta không tìm thấy lợi ích nào cho đất nước Syria với bản kế hoạch gây tranh cãi.

"Vết thương" chiến tranh và chia rẽ còn đang "nhức nhối", đất nước này lại đối mặt với nguy cơ bị hứng thêm một "nhát dao cắt". Dường như giấc mơ có tổ quốc của người Kurd đang được tiếp sức với bản kế hoạch mới ở Syria.

Nó đang khuyến khích các nỗ lực đòi ly khai hòng chia cắt đất nước Syria thống nhất, thậm chí là thành lập một "vùng cát cứ" chống lại chính quyền trung ương Syria.

Kế hoạch mới ở Syria ra đời trong bối cảnh Nga được cho là đang có sự trở lại "ngọt ngào" và ấn tượng ở Trung Đông.

Với việc thực hiện thành công chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria và đẩy lui nguy cơ chính quyền đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, Moscow đã khẳng định được sức mạnh và vai trò ngày càng tăng, tạo đà cho sự trở lại của nước Nga ở khu vực địa chiến lược này.

Nga đã nhanh chóng thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với một loạt nước Trung Đông trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao thông qua các chính sách khôn khéo, "lạt mềm buộc chặt".

Sự trở lại một cách vững chắc của nước Nga đã làm thay đổi cán cân quyền lực và từ đó chi phối các lợi ích ở đây. Trung Đông vốn là nơi cả Nga và Mỹ đều có nhiều ràng buộc về lợi ích, từ vấn đề an ninh quốc gia cho tới bán vũ khí hay hợp tác năng lượng, tài nguyên dầu mỏ...

Vì vậy, Washington không dễ gì để mất những lợi ích mà mình đã hao tổn nhiều tâm sức để bảo vệ trong suốt nhiều năm qua.

Chiến lược an ninh quốc gia công bố mới đây của Mỹ cũng đã xác định rõ Mỹ đang phải đối mặt với các quốc gia kình địch, gồm cả Nga, bất chấp quan điểm cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông muốn có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ không thể ngồi yên nhìn nước Nga dần vượt qua mình ở khu vực Trung Đông, nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng có thể chi phối thế giới.

Kế hoạch mới cũng phù hợp với hai mục tiêu "duy trì hòa bình thông qua sức mạnh" và "tăng cường ảnh hưởng của Mỹ"-hai trong số bốn trụ cột của Chiến lược an ninh quốc gia mà Mỹ mới công bố cách đây ít ngày. Hậu thuẫn lực lượng an ninh biên giới ở Bắc Syria sẽ giúp Mỹ duy trì sự hiện diện lâu dài và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực bằng chính sức mạnh quân sự.

Nó cũng nhằm phục vụ cho phương châm "Nước Mỹ trên hết" của Chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó Mỹ có thể đơn phương hành động, bỏ qua các thỏa thuận đang có, không tính đến lợi ích của các nước liên quan trong một số vấn đề, bao gồm vấn đề biên giới.

Không phải ngẫu nhiên cùng thời điểm này, trong một phát biểu tại Đại học Stanford mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Mỹ sẽ hành động để buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực, dù thừa nhận, vị thế của chính quyền Syria mới đây đã được củng cố.

Ông khẳng định Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria, với mục tiêu chính là làm cho IS không thể phục hồi sau những thất bại vừa qua tại Iraq và Syria.

Cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn không ấn định bất kỳ thời hạn nào cho sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria. Washington coi đây là một giải pháp nhằm tiếp tục cuộc chiến chống IS và là một phương tiện nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Tổng thống al-Assad.

Vì vậy, kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới ở Bắc Syria làm lộ rõ mục tiêu chiến lược là kiềm chế Iran, một đồng minh của Syria, mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực.

Với những bước đi được đánh giá là mạo hiểm và tham vọng này, nếu không thận trọng, việc đi vào "vết xe đổ" của các chính quyền tiền nhiệm là khó tránh đối với Washington.

Nguy cơ bị "sa lầy" ở Syria đối với Mỹ là rất thực tế khi sự can dự của nước này tại Syria đã ở năm thứ 5, kể từ khi phát động cuộc chiến chống IS vào năm 2014 mà chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ kết thúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại