Một bậc thang khác dẫn về Đệ nhị Thế chiến

Đông Thiên |

Trên những bậc thềm dẫn nhân loại vào cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu nhất thế kỷ XX, nước Đức Quốc xã do Adolf Hitler dẫn dắt luôn là tâm điểm chú ý đối với giới nghiên cứu lịch sử và quân sử hậu thế. Tuy vậy, cuộc chiến tranh xâm lược đầu tiên, hay nói đúng hơn là hành động quân sự mang tính chất “gây hấn” đầu tiên từ phía phe Trục, đã diễn ra khá lâu trước chiến dịch sáp nhập nước Áo vào Đế chế thứ ba của Đức...

Những người lính Ethiopia không có gì ngoài lòng dũng cảm.

Những người lính Ethiopia không có gì ngoài lòng dũng cảm.

Ngày 18-7-1935, Hoàng đế Ethiopia - Haile Selassie – đã sẵn sàng, khi kêu gọi thần dân của mình: "Chiến đấu đến người cuối cùng", trước dã tâm của phát-xít Ý. Và ba tháng sau, ngày 3-10, các quân đoàn Ý rầm rập vượt Địa Trung Hải, đổ sang Ethiopia.

"Một chiến dịch khó khăn"

Đó là tiêu đề bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ Robert M.Citino, trên trang History.net, về lãnh tụ phát xít Ý Benito Mussolini và cuộc xâm chiếm Abyssinia, hoặc Ethiopia – cái tên thông dụng hơn dành cho vùng đất cổ xưa nằm ở khu vực Sừng Châu Phi.

Bằng vài dòng ngắn gọn, Robert M.Citino phác họa tương quan lực lượng giữa hai quân đội: "Người dân Ethiopia đơn giản là được vũ trang bằng… lòng dũng cảm. Họ có được trang bị tốt như một đội quân phương Tây hiện đại không? Dĩ nhiên là không. Xe tăng? Không. Máy bay? Không. Súng phòng không, một trong những dấu hiệu chính của vũ khí trang bị hiện đại trong những năm 1930? Không nốt".

Đối diện với họ, vào thời điểm mùa hè năm 1935 ấy, là một đoàn quân viễn chinh Ý khổng lồ đang được tập trung hầu như tất cả mọi khả năng, với sự vượt trội rất xa cả về kinh nghiệm tác chiến hiện đại lẫn khí tài quân sự.

Mặc dù vậy, cũng phải mất nửa năm, quân Ý mới tiến được vào thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Cũng phải đến tận tháng 2-1937, công cuộc "bình định" mới có thể xem như kết thúc thắng lợi, để làm Benito Mussolini hoàn toàn yên tâm và "nở mày nở mặt". Điều đó, cũng có nghĩa là một sự củng cố lòng tự tin cho phe Trục nói chung và cho người láng giềng Đức Quốc xã nói riêng, để tiếp tục trở nên "tham lam" hơn trên những tiến trình bành trướng tại Trung - Đông Âu.

Trong suốt quãng thời gian ấy, quân Ý thậm chí đã phải thay đổi tổng chỉ huy ở chiến trường này. Nhưng rút cục, họ vẫn hoàn tất được điều mà giới truyền thông phương Tây thời đó, đơn cử như tờ The New York Times, ca ngợi là "công việc khó khăn được thực hiện một cách xuất sắc".

Và trong suốt quãng thời gian ấy, Hội Quốc Liên đã làm những gì?

Một bậc thang khác dẫn về Đệ nhị Thế chiến - Ảnh 2.

Hoàng đế Ethiopia Haile Selassie.


Khi các cường quốc khoanh tay

Nói một cách ngắn gọn, kế tiếp cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, cuộc xâm lược Ethiopia năm 1935 của người Ý tô đậm thêm khả năng hoạt động thiếu hiệu quả của Hội Quốc Liên (cơ quan quyền lực toàn cầu cao nhất trên lý thuyết, trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, tiền thân của Liên Hợp Quốc hiện tại).

Trên thực tế, khi cuộc chiến bùng nổ, Hoàng đế Haile Selassie của Ethiopia đã "kêu cứu" với Hội Quốc Liên. Tuy nhiên, như World Encyclopedia nhận xét: "Không có cuộc đàm phán nào từ Hội Quốc Liên có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của các cường quốc".

Trang nghiên cứu uy tín Britanica xác nhận: "Đáp lại lời kêu gọi của Ethiopia, Hội Quốc Liên lên án cuộc xâm lược của Ý vào năm 1935, và biểu quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với kẻ xâm lược. Song, các biện pháp trừng phạt vẫn không hiệu quả vì thiếu sự ủng hộ nói chung. Mặc dù hành động gây hấn của Mussolini bị người Anh, quốc gia nắm giữ nhiều lợi ích ở Đông Phi, chỉ trích, nhưng các cường quốc khác không thực sự quan tâm đến việc chống lại ông ta".

Hội Quốc Liên không có lực lượng quân sự riêng để can thiệp. Và đương nhiên, cũng chẳng cường quốc nào sẵn sàng làm điều đó, nhằm "bênh vực người yếu thế", trước tham vọng được bộc lộ rõ ràng của nhà độc tài phát xít Ý.

Với Benito Mussolini, Ethiopia là mục tiêu nhất thiết phải đánh chiếm. Trước hết, ông ta cần cuộc "chinh phạt" này như một thắng lợi mang tính biểu tượng dành cho chính thể mà ông ta dẫn dắt. Chính là quân đội hoàng gia Ý, cuối thế kỷ XIX, đã hai lần cố gắng áp đặt ách thống trị lên mảnh đất này. Nhưng rút cục, với sự kháng cự mãnh liệt của mình, sau đại thắng Adwa (tháng 3-1896) trước quân Ý, Ethiopia vẫn là một quốc gia độc lập.

Sau đó, xét cho cùng, nước Ý trước Đệ nhị Thế chiến không còn không gian bành trướng ở châu Âu lục địa, khi bị kẹp giữa người "bằng hữu" Đức Quốc xã và nước Pháp – một trong hai đại cường dẫn dắt Hội Quốc Liên thời điểm đó. Không thể mạo hiểm, Mussolini chỉ có thể hướng tầm mắt đến các vùng lãnh thổ hải ngoại, như bước chuẩn bị đầu tiên cho tiến trình phân chia lại hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới – mục tiêu mà ông ta và Adolf Hitler cùng chia sẻ.

Sau cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu đầu những năm 1930, nước Ý cũng cần được bổ sung thêm những nguồn lực từ thuộc địa. Đã nắm giữ được quyền cai trị các khu vực lân cận là Etritrea và Somalia, Mussolini lại càng thèm khát Ethiopia nhằm khuếch trương thanh thế cũng như tầm kiểm soát của mình ở Đông Phi, nhằm hướng sang Ấn Độ Dương.

Đối với Anh và Pháp - những người chiến thắng trong Đệ nhất Thế chiến, bước tiến này của nước Ý có lẽ không phải là vấn đề gì quá to tát. Nó chưa xâm phạm trực tiếp đến hệ thống thuộc địa của họ, những nguồn lợi ích thiết thực của họ, cũng như trật tự thế giới mà họ đang cố gắng làm mọi cách để duy trì một cách bình ổn. Trong khi đó, việc Đức và Ý xích lại gần nhau cũng có thể khiến bất cứ ai phải e dè. Mới chưa đầy 20 năm sau khi Đệ nhất Thế chiến khép lại, cả Anh và Pháp đều cùng chưa sẵn sàng, hay nói đúng hơn là không có nhu cầu bước vào một cuộc đọ sức quân sự đích thực nào.

Còn nước Mỹ, khi ấy, đang quay lại tuân thủ triệt để "chủ nghĩa biệt lập" theo "học thuyết Monroe", ít nhất là với liệt cường Âu lục. Và họ thậm chí còn không phải là thành viên Hội Quốc Liên.

Trứng chọi đá

Ngày 3-10-1935, kịch bản tồi tệ nhất mà Hoàng đế Ethiopia Haile Selassie tiên liệu đã xảy đến.

Một đội quân Ý khoảng 100.000 người từ Somalia tiến sang, dưới sự chỉ huy của tướng Emilio de Bono. Đoàn quân này được phiên chế thành 9 sư đoàn hoàn chỉnh, được trang bị đầy đủ , được yểm trợ bởi xe tăng và không quân. Ở phía nam, một cánh quân khác nhỏ hơn do tướng Rodolfo Graziani dẫn dắt đánh ngược lên tạo thế gọng kìm.

Cuộc tiến công ở phía bắc sớm bị sa lầy. Một phần là do bản tính thận trọng của De Bono. Một phần là do ông cần phải xây dựng một con đường tiếp tế nối liền hậu cứ. Một phần nguyên nhân khác nữa là do "địa hình khủng khiếp". Người Ethiopia đã tận dụng được sự chậm trễ này để tung ra hàng loạt những trận phản kích uy lực, thậm chí suýt chút nữa phá vỡ mặt trận của Ý. Tuy nhiên, họ không bao giờ phối hợp được các cánh quân của mình hoàn hảo, nên sau những ngày đen tối, Emilio de Bono đã có thể điều động đủ hỏa lực để đánh bại họ.

Vào tháng 12, Thống chế Pietro Badoglio thay thế De Bono làm chỉ huy ở phía bắc, và mở một loạt cuộc tấn công hiệp đồng nhằm đè bẹp quân chủ lực Ethiopia. Đóng một vai trò quyết định ở đây là lực lượng không quân Ý – công cụ để hoàn tất việc tiêu diệt các lực lượng Ethiopia đã bị đánh bại, khi họ đang cố gắng rút lui. Sau trận đánh lớn cuối cùng, tại Mai Ceu, tất cả những gì còn lại là cuộc chiếm đóng thần tốc cao nguyên Ethiopia rộng lớn. Badoglio tiến vào Addis Ababa vào ngày 5-5. Haile Selassie buộc phải lưu vong.

Chiến dịch ở miền nam mang một diện mạo rất khác. Tư lệnh Ý, Tướng Rodolfo Graziani, dẫn đầu một lực lượng cơ động hơn Badoglio, được tổ chức thành các lực lượng đặc nhiệm nhỏ hơn (gruppi) gồm xe tăng, xe bọc thép và bộ binh cơ giới, cùng với sự hỗ trợ đáng kể từ trên không. Nhưng, Graziani lại di chuyển rất chậm. Mãi đến ngày 18/4, hai tuần sau khi lực lượng chính của quân đội Ethiopia bị tiêu diệt tại Mai Ceu, ông mới thực sự tiến quân.

Nhưng dù sao, vừa thua thiệt về mọi mặt trong lĩnh vực quân sự, vừa bị bỏ rơi trên trường quốc tế, dù đã tỏ ra anh dũng và can trường, những người lính Ethiopia cũng không thể tận dụng được những khiếm khuyết của quân địch, để bẻ gãy gọng kìm xâm lược. Trong thế trứng chọi đá, họ bị nghiền nát.

Vấn đề là, sau đó, Ethiopia vẫn còn lựa chọn. Họ lựa chọn kéo dài cuộc chiến đấu của mình ở hình thức chiến tranh du kích. Để đến năm 1941, cùng quân Đồng minh đánh đuổi quân Ý khỏi đất nước của mình.

* Nước Ý chính thức tuyên bố sáp nhập Ethiopia vào lãnh thổ của mình ngày 7-5-1936. Vua Ý Victor Emmanuel II trở thành Hoàng đế. Ethipia, Eritrea và Somalia được gộp vào thành tỉnh Đông Phi thuộc Ý.

*Dù sao, khi bộc lộ rõ rệt các thông điệp chính của chủ nghĩa đế quốc Ý, cuộc chiến này cũng đã làm hằn sâu thêm ranh giới giữa hai phe Anh – Pháp và Đức – Ý ở châu Âu. Đồng thời, cuộc đấu tranh của nhân dân Ethiopia cũng trở thành tiền đề phát triển các phong trào độc lập dân tộc ở châu Phi, sau năm 1945.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại