"Mộng đẹp không thành" ở Idlib, Syria: Thổ Nhĩ Kỳ "hụt hẫng" khi Nga chơi "ván bài lật ngửa"?

Quốc Vinh |

Nga muốn theo đuổi mối quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng luôn đặt mình ở vị thế cao hơn. Trong khi Ankara dường như đã đặt quá nhiều hy vọng.

Thâm ý của Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến thăm Moscow vào cuối tháng 8 để nêu lên những lo ngại của ông trước nguy cơ tấn công quân sự của quân Chính phủ ở tỉnh Idlib của Syria.

Tổng thống Vladimir Putin đã dành cho ông một sự chào đón nồng nhiệt nhưng không cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một sự đảm bảo nào về tình hình ở Idlib. Về cơ bản, đó không phải là điều mà Ankara hy vọng trước chuyến đi.

Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới Nga, hàng ngàn người Syria đã bỏ chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc giao tranh trên khắp tây bắc Syria.

Theo thỏa thuận vào năm ngoái, Nga cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Syria ở Idlib. Nhưng Moscow đã không làm như vậy, cũng như không đáp ứng với sự phàn nàn của Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình.

Có hai lý do khiến Nga không sẵn lòng giải quyết các mối quan ngại của Ankara. Đầu tiên là sự không hài lòng của Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện cam kết chính theo thỏa thuận Idlib, đó là xóa bỏ các nhóm cực đoan ra khỏi tỉnh và giải tán các đơn vị quân đội.

Và một lý do ngầm khác có liên quan đến tương lai của Syria, đó là bảo đảm những quyền lợi của chính quyền Tổng thống Assad để họ tiếp tục là đối tác của Moscow sau chiến tranh, cây bút Bulent Aras viết trên LobeLog.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao Nga không muốn đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib nhưng lại vẫn tỏ ra quan tâm đến tất cả (hoặc ít nhất là giả vờ quan tâm) mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

Có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này. Nga không cảm thấy triển vọng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai sẽ có sự cân xứng, khi cảm thấy vị thế của mình luôn trên cơ với Ankara.

Tuy nhiên, Nga vẫn tỏ ra nồng nhiệt với Thổ Nhĩ Kỳ để giữ mối quan hệ ở mức tạm đủ trong bối cảnh hiện tại. Về cơ bản, sự tương tác giữa cả hai có thể được coi là một liên minh tình huống hơn là một liên minh lâu dài.

Liên minh tình huống

Moscow đã khéo léo tận dụng các vấn đề trong nước và khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, mà một ví dụ trong đó là hỗ trợ Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính tháng 7/2016. Quan hệ đối tác này mang lại cơ hội cho Nga trong một số lĩnh vực.

Đầu tiên, lợi ích của Nga là biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một đồng minh phụ thuộc, đặc biệt là trong vấn đề Syria.

Mối quan tâm chính của Ankara ở Syria liên quan đến an ninh biên giới, người Kurd và người tị nạn. Ankara đã nhận ra tầm quan trọng của vai trò của Nga ở Syria sau sự cố bắn hạ máy bay năm 2015, khiến quan hệ rơi xuống vực thẳm.

Sau khi hàn gắn, Nga đã có thể kiểm soát vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và đã cố gắng quản lý các hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo họ không cản trở chương trình nghị sự của Nga.

Mộng đẹp không thành ở Idlib, Syria: Thổ Nhĩ Kỳ hụt hẫng khi Nga chơi ván bài lật ngửa? - Ảnh 2.

Nga-Thổ sẽ khó trở thành một liên minh.

Moscow cũng thể hiện mình là một trung gian hòa giải ở Syria thông qua tiến trình Astana, dựa vào sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ngoài Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Putin về một G8 mở rộng, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là một khách hàng đáng tin cậy của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp các lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, thậm chí vẫn kiên trì mua hàng mặc dù bị loại khỏi dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Quyết định đó đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tiêu tốn 1,5 tỷ USD mua S-400 mà còn khiến các công ty Thổ Nhĩ Kỳ vuột mất số tiền 12 tỷ USD tiềm năng từ việc tham gia vào quá trình sản xuất F-35.

Tổng thống Erdogan dường như thể hiện sự quan tâm lớn đến máy bay chiến đấu Su-57 mới của Nga tại hội chợ hàng không và vũ trụ Nga 2019 (MAKS-2019), như một sự thay thế cho F-35.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu mua bất kỳ máy bay nào của Nga, Moscow xác nhận đã có các cuộc thảo luận đang diễn ra và ông Erdogan đã chọn Su-35, Su-57 làm phương án thay thế cho máy bay Mỹ.

Moscow và Ankara cũng thảo luận về các dự án phòng thủ chung, và Tổng thống Erdogan đã chỉ ra mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia sản xuất hệ thống phòng không S-500 thế hệ tiếp theo.

Thứ ba, Moscow thích bất kỳ sự chia rẽ nào trong NATO và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Quan hệ đối tác đang phát triển của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra mối quan ngại đáng kể ở Washington và Brussels.

Lý do cho những lo ngại này bao gồm từ khả năng các bí mật quân sự của phương Tây có thể bị phơi bày trước người Nga đến những khác biệt chính trị trong khuôn khổ an ninh phương Tây.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga đã đặt ra câu hỏi về tư cách thành viên NATO của nước này trong tương lai. Bất kỳ vết nứt nào trong NATO đều đồng nghĩa với việc lập trường thống nhất đối đầu với Nga bị phá vỡ.

Nga muốn theo đuổi mối quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng luôn đặt mình ở vị thế cao hơn. Nếu chấp nhận điều này, nó đáp ứng các cân nhắc chính trị và mối quan tâm an ninh ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó lại gây bất lợi trong trung hạn đến dài hạn.

Quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - Nga là một thực tế cần thiết ở Syria, mặc dù vẫn còn đó những thách thức lờ mờ.

Chủ nghĩa thực tế của Moscow có thể sẽ là rào cản khiến nước này không muốn chia sẻ nhiều giá trị với bất kỳ liên minh nào. Nhưng mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trở ngại lớn trong chính sách khu vực của Nga.

Tóm lại, không có tương lai lâu dài cho mối quan hệ đối tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vốn được coi là bất đối xứng, và mối quan hệ tương lai của họ sẽ phụ thuộc vào sự phát triển trong cảnh quan khu vực, cũng như các vấn đề trong nước của cả hai quốc gia này.

Liên minh hiện tại của họ có thể sẽ chuyển sang một sự pha trộn giữa hợp tác và cạnh tranh, tương tự như các giai đoạn trước, nhưng có lẽ sẽ ít căng thẳng hơn sau giai đoạn quan hệ tốt đẹp hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại