"Một nhúm dầu chảy", "lòng đỏ đượm nồng", "bột bột ngầy ngậy" - đó là cách CCTV mô tả về trứng vịt biển, món đặc sản được nhà đài ưu ái làm hẳn một phóng sự dài 60 phút để khen ngợi.
Món ăn lạ tai này là đặc sản từ vùng rừng ngập mặn ở thành phố Bắc Hải, Quảng Tây - một tỉnh ở Trung Quốc nằm giáp biên giới Việt Nam. Ở đây có giống vịt biển đặc biệt được nuôi thả trên các bãi triều ven biển màu mỡ. Khi thủy triều xuống, nghêu sò, tôm cá bị mắc trên bờ sẽ trở thành nguồn thức ăn giàu đạm cho vịt biển sinh trưởng. Tảo biển và rong rêu cũng là thực phẩm mà chúng yêu thích.
Chế độ ăn toàn hải sản của vịt biển đã tạo nên những quả trứng có hương vị béo ngậy. Hình ảnh: Sohu
Nhờ chế độ ăn đắt giá này mà vịt biển có thể sản xuất ra những quả trứng cô đọng tinh túy từ biển cả. Nhiều người so sánh trứng vịt biển "có hương vị béo ngậy như gạch cua".
Trứng to, vỏ dày, lòng đỏ màu hạt điều. So với trứng vịt thông thường thì lòng trắng trứng vịt biển đặc hơn và hầu như không có mùi tanh. Tuy nhiên, vịt biển có năng suất đẻ trứng thấp, chi phí chăn thả lại cao nên giá trứng cũng đắt gấp đôi vịt thường.
Trứng vịt biển ngon nhất là khi đem làm trứng muối. Trứng có lòng trắng ngả nâu, vị mặn. Lòng đỏ màu đỏ cam, khi ăn thấy béo ngậy và thoảng hương hải sản. Đặc biệt là khi chọc vào quả trứng, một nhúm dầu màu đỏ điều chảy ra cực kỳ hấp dẫn. Lượng dầu chảy này chính là chất béo trong lòng trắng trứng chuyển hóa thành sau quá trình ủ muối.
Lớp dầu màu đỏ điều là đặc trưng của món trứng vịt biển muối. Hình ảnh: Sohu
Nghệ thuật "nhúng bùn"
Để làm nên những quả trứng vịt biển muối đúng điệu là cả một nghệ thuật kỳ công. Ở vùng Bắc Hải, người ta đem rơm rạ đốt thành tro, trộn cùng với muối biển thành thứ bùn sền sệt màu đen. Hoàn thành sau hỗn hợp, người làm mới phết bùn lên từng quả trứng, bọc kín rồi đặt vào cái hũ sành, ủ trong 28 ngày.
Hết thời gian ủ, trứng được đem ra nướng liên tục ở 130 độ C trong vòng 5 tiếng. Công đoạn này giúp tạo nên lớp dầu béo ngậy đặc trưng của trứng vịt biển.
Phần khó nhất trong các công đoạn này là lúc trộn muối với tro bùn, nếu quá ít muối thì trứng không chảy dầu, quá nhiều muối quá trứng lại bị mặn. Đây chính là công thức bí mật của người Bắc Hải.
Phương pháp "nhúng bùn" làm trứng vịt muối đã tồn tại hàng trăm năm ở Bắc Hải. Hình ảnh: Sohu
Không chỉ có hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng của trứng vịt biển cũng rất cao. Trứng giàu protein, canxi và các nguyên tố vi lượng hơn, trong khi hàm lượng cholesterol lại thấp hơn trứng thông thường.
Theo ghi nhận từ CCTV, 100 gram trứng vịt biển chứa đến 4056 gam lecithin - hỗn hợp chất béo cần thiết để điều hòa lượng cholesterol trong cơ thể (cao gấp 50 so với lượng lecithin trong 100 gram sữa).
Trứng vịt biển muối có thể ăn cùng cơm nóng, cháo nóng đều rất ngon miệng, cầu kỳ hơn là đem nghiền nhỏ chiên sơ làm các món xào hoặc làm nhân bánh. Những món ăn Trung Quốc dùng kèm trứng muối như thế này thường được gọi là "kim sa" như bánh bao kim sa, bí ngô xào kim sa.
Vị mặn đậm đà, bùi bùi của trứng muối rất hợp với cháo trắng, cơm trắng. Hình ảnh: Sohu
Bí ngô kim sa là món bí ngô chiên tẩm bột từ lòng đỏ trứng muối. Hình ảnh: Sohu
Ở Trung Quốc, giá thành của trứng vịt biển muối dao động từ 2 - 4 NDT (tương đương 7.000 - 14.000 đồng) một quả. Trứng thường được đóng gói thành từng quả và bán trên các sàn thương mại điện tử, mua về có thể bảo quản 2 - 3 tháng trong tủ lạnh.
Tới nay, trứng vịt biển là món đặc sản được yêu thích bởi nhiều du khách đến Trung Quốc, thị trường Nhật Bản cũng rất ưa chuộng mặt hàng này. Tại đất nước mặt trời mọc, một hộp trứng vịt biển muối cao cấp mua làm quà có thể được bán với giá 3,5 triệu đồng.
Bài viết tham khảo từ Sohu