Món ăn thuốc cho người bệnh hàn thấp

BS. Tiểu Lan |

Chứng hàn thấp là tên gọi cho các chứng do tà khí từ ngoài xâm phạm hoặc thể trạng vốn tỳ dương không mạnh dẫn đến thủy thấp ứ đọng ở trong gây nên.

Nguyên nhân phần nhiều do cảm nhiễm sương móc nước mưa hoặc nằm ngồi nơi ẩm ướt, ăn thức sống lạnh mà thành bệnh.

Người bệnh có biểu hiện nặng nề, các khớp sưng đau co duỗi khó, không mồ hôi, mỏi mệt sợ lạnh hoặc phù mặt và thân mình, đau vùng thượng vị, đại tiện lỏng hoặc khí hư bạch đới, tiểu tiện không lợi; lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch nhu nhược. Sau đây là một số món ăn thuốc tốt cho người bệnh.

Món ăn thuốc cho người bệnh hàn thấp - Ảnh 1.

Chân dê hầm lá lốt tốt cho người cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng.

Cháo trần bì: gạo tẻ 100g, trần bì 15 - 20g. Trần bì hãm lấy nước. Gạo vo sạch. Cho gạo vào nồi, đổ nước sắc trần bì vào nấu cháo, khi ăn thêm chút đường, bột gia vị. Thích hợp cho người đầy bụng đau quặn, buồn nôn, nôn, ho có đờm.

Cháo thịt chó đậu hạt: thịt chó 200g, gạo tẻ 60g, đậu xanh (hoặc đậu đen) 60g. Thịt chó làm sạch thái lát, cùng gạo đậu đã vo sạch, hầm nhừ, thêm gia vị, chia ăn nhiều bữa trong ngày. Món này rất tốt cho người tỳ vị hư hàn, đầy trướng bụng, đau bụng.

Canh cá diếc: cá diếc 1 con, bột hạt hẹ 20g (hoặc rau hẹ 40 - 50g). Cá diếc làm sạch, nấu canh với bột hạt hẹ, ăn trong ngày; dùng trong 7 - 10 ngày. Thích hợp cho người bệnh có hội chứng lỵ, đại tiện nhiều lần trong ngày.

Cá cháy hầm sâm truật, hoài sơn: cá cháy 1 con, đảng sâm 15g, bạch truật 15g, hoài sơn 30g. Dược liệu sắc lấy nước, dùng nước nấu với cá cháy. Món này rất tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn kém chậm tiêu, đầy trướng bụng, tay chân yếu mỏi.

Gà hầm thảo quả, bột nghệ, hồ tiêu, vỏ quýt: gà sống 1 con (500 - 1.000g), thảo quả 2 quả, bột nghệ 3g (hoặc nghệ tươi), hồ tiêu 6g, vỏ quýt 3g. Gà làm sạch. Dược liệu cho vào túi vải. Gà và túi thuốc cho vào nồi, thêm hành, dấm, nước mắm, đổ nước vừa đủ hầm nhừ, ăn khi đói. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, đầy bụng, không tiêu.

Đầu chân dê hầm lá lốt: thịt đầu dê và chân dê 1kg, lá lốt 30g, gừng tươi 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị lượng tùy ý. Thịt dê làm sạch cho vào nồi, đổ nước luộc chín, cho lá lốt, gừng, hạt tiêu, hành trắng, đậu xị, bột canh và các gia vị, tiếp tục nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng tốt cho người có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng.

Vằn thắn thịt dê: thịt dê 300g, thảo quả 5g (đập giập), gừng tươi đập giập. Các vị cho vào nồi, thêm nước đun to lửa (luộc chín thịt dê). Bột mì 500g, bột đậu 500g, thêm nước nhào cán thành lá mỏng để sẵn. Thịt dê đã luộc chín thái lát, cho bột mì lá, thịt dê, bột tiêu, muối và các gia vị khác cùng nấu thành món vằn thắn hoặc sủi cảo thịt dê. Ăn hằng ngày. Thích hợp cho người tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, tiêu chảy.

Tân lang ẩm: tân lang 10g, lai phục tử 10g, trần bì 5g. Tân lang đập vụn, lai phục tử sao qua, trần bì rửa sạch thái lát. Cả 3 vị nấu sắc lấy nước, thêm đường khuấy đều, để nguội, uống vài lần trong ngày. Dùng tốt cho người ăn uống không tiêu, đầy bụng chán ăn, đầy hơi ợ hơi, hôi miệng.

Nước hồ hạt hẹ: hạt hẹ 20g tán mịn, hoà với nước gạo rang, thêm đường uống. Thích hợp cho người mắc hội chứng lỵ.

Bột thần khúc trần bì cam thảo: thần khúc 10g, trần bì 10g, cam thảo 5g cùng tán thành dạng bột mịn. Mỗi lần uống với nước cháo hoặc nước hồ, nước gạo rang. Dùng rất tốt cho trẻ bị nôn ói, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại