Mỗi năm, hơn 1 triệu người TQ chết vì ô nhiễm không khí, giải pháp của họ là gì?

Mỹ Huyền |

Hiện nay, Trung Quốc đang đề ra những giải pháp đầy táo bạo để làm sạch không khí.

Hiện trạng ô nhiễm không khí báo động ở Trung Quốc

Sáu thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc đều thuộc tỉnh Hà Bắc, giáp thủ đô Bắc Kinh. Khí than từ các nhà máy công nghiệp và nhà máy nhiệt điện hướng về Bắc Kinh, góp phần tạo nên bầu “không khí ngày tận thế” (airpocalypses) nổi tiếng ở thành phố này.

Mức độ ô nhiễm hạt mịn trong không khí ở khu vực Bắc Kinh đã giảm thêm 25% vào năm 2014 và 2015 nhờ những nỗ lực cắt giảm ban đầu. Tuy nhiên, cuối năm 2016 đầu năm 2017, chỉ số này lại tăng vọt.

Một phân tích của Greenpeace cho thấy: sản lượng thép thực sự đã tăng lên vào năm 2016, dù năng suất giảm trước đó. Sự phản đối kịch liệt của dân chúng với ô nhiễm buộc chính phủ phải ra tay, nhưng thay đổi trong công nghiệp nặng là một hành trình gian nan.

Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là một phần của tính toán lớn hơn về thảm họa sức khỏe và môi trường. Kinh tế phát triển giúp hàng trăm triệu người thoát đói nghèo, nhưng nó cũng để lại cho rất nhiều người dân nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm bẩn và không khí độc hại.

Mỗi năm, hơn 1 triệu người TQ chết vì ô nhiễm không khí, giải pháp của họ là gì? - Ảnh 1.

Những ngành công nghiệp nặng sử dụng nguyên liệu hóa thạch là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Ước tính, mỗi năm, hơn 1 triệu người TQ chết vì ô nhiễm không khí. Vậy, Trung Quốc đã làm gì để cải thiện tình hình này?

Những giải pháp đầy táo bạo để làm sạch không khí của Trung Quốc

Các giải pháp chính để đem lại bầu trời xanh bao gồm: Giảm sản xuất thép và điện từ than đá. Để thay thế than đá, Trung Quốc đang triển khai đầu tư lớn vào năng lượng gió và Mặt trời.

Tonny Xie, Giám đốc Ban Thư ký Liên minh Làm sạch Không khí Trung Quốc, cho biết ông khá bị thuyết phục về sự cần thiết phải cải thiện chất lượng không khí. Tổ chức trên là một nhóm các chuyên gia, nhà tư vấn cho chính phủ về ô nhiễm.

Những nỗ lực cải thiện môi trường của chính phủ bao phủ trên phạm vi rộng lớn. Các thành phố Trung Quốc đang hối thúc cư dân từ bỏ bếp than và lò nung tại nhà.

Xăng và dầu diesel chất lượng cao được yêu cầu cho phương tiện giao thông. Các tiêu chuẩn về khí thải có hiệu lực vào năm 2020 sẽ tương đương với tiêu chuẩn ở Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là công nghiệp nặng. Tháng 3/2017 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện đốt than – có khả năng tạo ra hơn 50 GW điện. Nước này cũng sẽ cắt giảm sức sản xuất thép thêm 50 triệu tấn.

Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu để theo dõi mức độ PM2.5 – những hạt nhỏ xíu xâm nhập vào cơ thể, máu con người, gây các vấn đề hô hấp, đau tim, đột quỵ và các bệnh về thần kinh.

Mỗi năm, hơn 1 triệu người TQ chết vì ô nhiễm không khí, giải pháp của họ là gì? - Ảnh 2.

PM2.5 – những hạt nhỏ xíu xâm nhập vào cơ thể, máu con người, gây các vấn đề hô hấp, đau tim, đột quỵ và các bệnh về thần kinh. Ảnh: Shanghai Daily.

Thêm nữa, nước này cũng thiết kế những màn hình công khai các dữ liệu ô nhiễm. Điều tương tự được thực hiện với các thang đo bên ngoài các nhà máy. Bất kỳ ai có điện thoại thông minh ở Trung Quốc đều có thể kiểm tra chất lượng không khí cục bộ tại thời gian thực.

Họ có thể xem liệu một nhà máy cụ thể nào có vượt quá lượng phát thải hay không, báo cáo trường hợp vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thông qua mạng xã hội.

Theo Ma Jun thuộc Viện Công cộng và Môi trường thì điều này đánh dấu một sự thay đổi trong mối quan hệ giữa người dân và chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở nước này.

Dịch từ: Nationalgeographic 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại