Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động tại Hà Nội
Không khí tại Hà Nội ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Ứng dụng Airvisual trên smartphone và trang web aqicn.org đánh giá chỉ thị mức ô nhiễm không khí PM2.5 ở Hà Nội thường xuyên đạt trên 150.
Đây là mức ô nhiễm có hại cho sức khỏe của tất cả mọi người. Có rất nhiều thời điểm, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức rất nguy hiểm với chỉ số PM2.5 lên đến trên 250-300.
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội thời điểm 12-18h ngày 01/03/2017 tại Hà Nội cao hơn 150 (nguồn: aqicn.org)
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội) cho rằng, nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông đóng góp chính vào tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại Hà Nội.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng số lượng phương tiện giao thông cá nhân ở mức khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ôtô.
GS. Luc Hens, Viện Nghiên cứu Công nghệ Flemish (VITO), Vương quốc Bỉ đã gắn bó với lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam hơn 30 năm. Ông chia sẻ:
"Tôi đã chứng kiến sự thay đổi rất tích cực của các đô thị Việt Nam trong 30 năm qua. Tuy nhiên, sự gia tăng với tốc độ đáng báo động của các phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe máy và ôtô, lại là một sự thay đổi rất đang lo ngại.
Ô nhiễm môi trường không khí đang thách thức sự phát triển bền vững của các đô thị Việt Nam hiện nay, đặc biệt là Hà Nội."
GS. Luc Hens trong dịp nhận bằng khen và kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thành phố Hải Phòng năm 2010 (nguồn: VAST)
Xe buýt nhanh (BRT): Giải pháp "vàng" cho đô thị Hà Nội?
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh cho rằng, một đô thị bền vững cần phải được tạo lập trong một môi trường trong sạch và thân thiện, quy hoạch hợp lý hệ thống không gian xanh và không gian mở, kiểm soát chặt chẽ chất lượng không khí và tải lượng khí thải, sử dụng công nghệ và vật liệu mới, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng, phát triển các phương tiện giao thông công cộng, các hệ thống buýt nhanh (Bus Rapid Transit, BRT).
Nghiên cứu của Liên đoàn Xe đạp châu Âu (ECF) đã chỉ ra, lượng khí thải CO2/người.km của xe buýt thấp hơn 2,4 lần so với xe ôtô con. Một nghiên cứu khác của tiến sỹ Vasic thuộc Phòng Thí nghiệm và Nghiên cứu Vật liệu Liên bang Thụy Sĩ chỉ ra rằng, so với xe ôtô con, xe máy phát thải lượng khí nhà kính nhiều gấp 16 lần, carbon monoxide và các chất ô nhiễm khác gấp 3 lần.
Trong điều kiện giao thông đô thị, phát thải khí nhà kính trung bình hàng năm của xe máy gấp đến 49 lần so với xe ôtô con.
Theo zing.vn, một tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM cho thấy xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.
Lượng khí CO2 phát thải từ các phương tiện giao thông (nguồn: ECF infographic)
Phần lớn các quốc gia trên thế giới phải đưa ra chính sách hạn chế xe máy. Tại Việt Nam, nhằm thực hiện việc kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm đã trình Bộ Giao thông vận tải Đề án kiểm soát khí thải xe máy từ năm 2018.
"Để đạt được sự bền vững, Hà Nội cần có những nỗ lực để cắt giảm ô nhiễm không khí và giảm nhẹ biến đổi khí hậu dựa trên thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính", PGS.TS. Nguyễn An Thịnh cho biết.
Với những chuyến buýt nhanh (BRT) mới được vận hành tại Hà Nội từ năm 2017, Việt Nam trở thành quốc gia thứ tám trong khu vực Đông Nam Á triển khai thực hiện BRT.
Tuyến BRT số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã được khai trương vào sáng 31/12/2016. Tuyến BRT số 2 Kim Mã - Hòa Lạc dự kiến khởi công trong năm 2017.
6 tuyến BRT nữa tiếp tục được triển khai tại Hà Nội trong vòng 13 năm tới để hiện thực hóa mục tiêu 8 tuyến BRT, theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
"Một hệ thống giao thông công cộng hiện đại và thuận tiện, thu hút được nhiều người dân đô thị sử dụng sẽ giúp cắt giảm khí nhà kính và giảm ô nhiễm không khí. Đây là tiền đề để Hà Nội nhanh chóng trở thành một thành phố xanh và thông minh.", GS. Luc Hens cho biết.
Xét về mặt kinh tế, hệ thống BRT được coi là phù hợp với điều kiện kinh tế, giao thông của Hà Nội. Đây là loại hình phương tiện công cộng có chi phí đầu tư xây dựng thấp, có tiềm năng cải thiện hiệu quả năng lực giao thông công cộng của thành phố.
Về lý thuyết, thực hiện BRT sẽ cải thiện chất lượng không khí bằng cách giảm đáng kể số lượng xe cá nhân. Tuy nhiên, thuyết phục số đông người dân Hà Nội ưu tiên lựa chọn BRT lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo báo cáo chính thức từ Sở Giao thông Hà Nội, hành khách BRT tăng hơn 62% trong 12 ngày đầu tiên ra mắt, trung bình 41 hành khách mỗi chuyến đi.
Tuy nhiên, điều này có nghĩa BRT vẫn còn hoạt động dưới công suất chứa tối đa là 90 hành khách. Hầu hết hành khách vẫn là sinh viên hoặc người nghỉ hưu, đã quen với việc sử dụng giao thông công cộng.
Có rất nhiều thách thức đang diễn ra với việc thực hiện BRT: cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa hoàn thiện, thói quen giao thông của cư dân không thể thay đổi ngay trong khoảng thời gian ngắn…
Đời sống sinh hoạt của đa số cư dân đô thị Hà Nội vẫn phải gắn liền với các phương tiện giao thông cá nhân. Sự linh hoạt giúp cho phương tiện xe máy và ôtô con vẫn đang được ưu tiên hàng đầu.
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nhận định: "Hệ thống BRT mới của Hà Nội sẽ chỉ có thể làm giảm ùn tắc và cải thiện chất lượng không khí đô thị, nếu nó cung cấp đủ các dịch vụ thiết yếu để nhiều cư dân đô thị sẵn sàng thay đổi thói quen giao thông của họ.
Khi được cư dân đô thị ưu tiên sử dụng, hệ thống BRT sẽ có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Điều đó có nghĩa hệ thống BRT chỉ có thể cắt giảm hiệu quả ô nhiễm không khí và giảm nhẹ biến đổi khí hậu nếu thu hút đủ lượng khách sử dụng".