Mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng: Nhà khoa học sốc vì nguy cơ rất cao

Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Thư Hiệu đính: BS. Lê Thị Ánh Kim |

TS Samuel cho rằng việc sử dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn 49% ở những người dưới 50 tuổi là một kết quả gây kinh ngạc.

Ung thư đại trực tràng hiện là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến ung thư đứng thứ 2 tại Mỹ. Trước đây, ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ mắc căn bệnh này đã tăng lên ở những người dưới 50 tuổi.

Gần đây, Tạp chí Ung thư Anh Quốc đã công bố một nghiên cứu bệnh chứng có dữ liệu gồm gần 40.000 người. Nghiên cứu đã xác định được mối liên quan giữa việc sử dụng kháng sinh và nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.

Mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng: Nhà khoa học sốc vì nguy cơ rất cao - Ảnh 1.

Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân gây ra nhiều nguy cơ như không khỏi được bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đã kháng kháng sinh, chịu nhiều tác dụng bất lợi khi phải tăng liều hoặc kết hợp nhiều loại kháng sinh mới và cũ để tăng hiệu quả điều trị. Nghiên cứu mới nhất còn cho thấy lạm dụng kháng sinh có thể tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng đến 49% ở người dưới 50 tuổi. Nguồn ảnh: sdglife

Tiến sĩ Leslie Samuel, tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại Đại học Aberdeen. cho biết: "Việc sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em đã tăng lên đáng kể trên toàn cầu, đây có thể là một yếu tố phụ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi. Các yếu tố khác cũng có khả năng liên quan là chế độ ăn chứa nhiều đường, béo phì, lười vận động và bệnh đái tháo đường."

Kháng sinh khiến thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột

Hệ vi sinh vật trong đường ruột có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Chúng giúp tiêu hóa thức ăn, phá vỡ các chất độc hại và giải phóng các chất quan trọng giúp điều hòa hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng khi sự cân bằng của hệ sinh vật này thay đổi có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau.

Thuốc kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến việc sản xuất thừa hoặc thiếu một số chất trung gian quan trọng trong quá trình điều hòa miễn dịch. Sự mất cân bằng này thậm chí có thể góp phần vào sự phát triển của một số bệnh ung thư.

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi, và chưa có kết luận rõ ràng nào được đưa ra.

Nghiên cứu thú vị

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Anh (Đại học Aberdeen, Dịch vụ Y tế Quốc gia Grampian và Đại học Queen’s Belfast) đã bắt đầu nghiên cứu xem việc sử dụng kháng sinh có liên quan đến sự phát triển ung thư đại trực tràng ở những người trẻ tuổi hay không. Nguy cơ phát triển mỗi loại ung thư đại trực tràng khác nhau, cũng như nguy cơ khi sử dụng các thuốc kháng sinh khác nhau, cũng được tìm hiểu.

Sử dụng dữ liệu từ năm 1999–2011 ở Scotland, nghiên cứu so sánh khoảng 8.000 người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng với hơn 30.000 người không bị căn bệnh này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện so sánh dựa trên vị trí khối u, năm sinh, giới tính và năm phát hiện bệnh. Họ cũng loại trừ những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc những người đã có sẵn nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng: Nhà khoa học sốc vì nguy cơ rất cao - Ảnh 2.

Tiêu thụ quá nhiều đường (9 muỗng cà phê với nam giới, 6 muỗng cà phê với nữ giới mỗi ngày, theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Mỹ) đã được xác định là một trong những nguy cơ gây ra rất nhiều bệnh ở con người hiện đại. Nguồn ảnh: Menshealth

Các nhà khoa học chia dữ liệu thành hai nhóm: khởi phát sớm và khởi phát muộn. Nhóm khởi phát sớm (có gần 500 người) là những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng trước 50 tuổi, nhóm khởi phát muộn được chẩn đoán sau 50 tuổi (khoảng 7.500 người).

Khi có bằng chứng cho thấy các yếu tố nguy cơ có thể khác nhau giữa nhóm khởi phát sớm và nhóm khởi phát muộn, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích riêng trên từng nhóm. Các yếu tố nguy cơ cần phân tích bao gồm các thuốc kháng sinh đường uống, được phân loại theo nhóm thuốc và khả năng chống vi khuẩn kỵ khí. Điều này giúp cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về các loại vi khuẩn liên quan đến ung thư đại trực tràng.

Những vi khuẩn kỵ khí chiếm tỷ lệ lớn trong hệ vi sinh vật đường ruột của con người. Thuốc kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí giúp diệt những chủng này.

Nhóm nghiên cứu cũng thu thập các thông tin quan trọng khác, bao gồm:

• Tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý kèm theo.

• Các loại thuốc khác đang sử dụng, chẳng hạn như aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

• Tình trạng hút thuốc.

• Tình trạng sử dụng rượu

Sau đó, họ phân tích cụ thể liên quan đến vị trí chính xác của khối u nguyên phát và chỉ số khối cơ thể (BMI).

Kết quả đáng lo ngại

Khoảng 55% những người bị ung thư đại trực tràng trong mỗi nhóm là nam giới và gần 50% những người tham gia đã sử dụng kháng sinh. Nhiều người mắc ung thư đại trực tràng là những người đã dùng thuốc kháng sinh.

Nhìn chung, việc sử dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn 49% ở những người dưới 50 tuổi và ước tính nguy cơ cao hơn 9% ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Tiến sĩ Samuel nói:"Không có gì đáng ngạc nhiên khi phát hiện ra mối liên quan giữa thuốc kháng sinh và sự gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng ở những người trẻ tuổi, nhưng mức độ nguy cơ (gần 50%) là một điều đáng ngạc nhiên".

Với căn bệnh ung thư trực tràng, sử dụng kháng sinh không liên quan đến việc tăng nguy cơ ở cả hai nhóm tuổi. Ngoài ra, nguy cơ dường như không liên quan đến thời gian dùng thuốc kháng sinh.

Kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí được phát hiện có mối liên quan với việc tăng nguy cơ ung thư đại tràng ở cả hai nhóm tuổi, dù mối liên quan này chưa đủ cơ sở thống kê để khẳng định chắc chắn.

Các kháng sinh không chống vi khuẩn kỵ khí có thể làm thay đổi nguy cơ ung thư đại trực tràng ở nhóm tuổi trẻ hơn, nhưng không làm thay đổi nguy cơ này ở nhóm tuổi cao hơn.

Khi các nhà nghiên cứu hiệu chỉnh các dữ liệu chỉ số BMI, việc sử dụng thuốc, bệnh nền thì mối liên quan giữa nguy cơ ung thư đại trực tràng và kháng sinh đã tăng lên. Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng kích thước mẫu trong phân tích này không đủ lớn để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.

Cần nghiên cứu thêm

Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng có nhiều yếu tố có khả năng liên quan tới sự gia tăng ung thư đại trực tràng khởi phát sớm như chế độ ăn uống, béo phì, căng thẳng và giảm tập thể dục. Tuy nhiên vẫn chưa có đủ bằng chứng thống kê để khẳng định chắc chắn mối liên quan này.

Ông Alice Davies, giám đốc Thông tin y tế tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Anh Quốc, cho biết: "Hiện tại, không có đủ bằng chứng để khẳng định liệu kháng sinh có chắc chắn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng hay không, nhưng nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn là cần thiết. Chúng ta cần biết loại kháng sinh nào có thể làm tăng nguy cơ, các biến đổi xảy ra như thế nào và nguy cơ có thể tăng tới mức nào. Thuốc kháng sinh là một thuốc cần thiết để điều trị các bệnh thông thường, vì vậy, điều quan trọng là cần phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ khi sử dụng."

Các tác giả của bài báo nói rằng có khả năng thuốc kháng sinh đã phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, điều này thường kích thích hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, cuối cùng là tăng khả năng gây ung thư.

Nói cách khác, không phải thuốc kháng sinh là nguyên nhân gây ung thư, mà là những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh.

Tiến sĩ Samuel nói ông muốn nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ khởi phát ung thư diễn ra khác nhau ở các vùng khác nhau của đại tràng. Ông nói: "Do nguy cơ ung thư đại tràng phải dường như đặc biệt cao hơn, do đó nên xem xét hệ vi sinh vật 'bình thường' của đại tràng phải kỹ lưỡng hơn và sự thay đổi của nó trong các tình huống khác nhau, chẳng hạn như ở những người đang kiêng ăn đường".

"Nếu chúng ta có thể biết sự khác biệt trong hệ vi sinh vật giữa bệnh nhân 'bình thường' và bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, chúng ta có thể có các kế hoạch can thiệp nhằm giảm sự khác biệt đó, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng men vi sinh và cấy ghép vi sinh vật trong phân."

Chúng ta cần làm gì?

Các tác giả của bài báo thừa nhận nhóm có ung thư đại trực tràng khởi phát sớm là khá ít, đặc biệt là khi phải tiếp tục chia dữ liệu thành 2 nhóm: sử dụng kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí và không chống vi khuẩn kỵ khí.

Việc sử dụng kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí được cho là có thể không liên quan vì hầu hết các kháng sinh đều có hoạt tính kép chống cả vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn hiếu khí.

Ngoài ra, dữ liệu không có thông tin về tiền sử gia đình hoặc thói quen ăn uống của những người tham gia và thông tin BMI chỉ có ở khoảng một phần ba người tham gia nghiên cứu. Cả hai yếu tố này có thể có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng: Nhà khoa học sốc vì nguy cơ rất cao - Ảnh 3.

Vận động cơ thể bằng tất cả mọi hình thức + giảm rượu và đường là biện pháp giản dị, không tốn tiền nhưng rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Nguồn ảnh: istockphoto.

Tiến sĩ Samuel nói: "Kết quả nghiên cứu nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách về sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ở những người trẻ tuổi, cũng như các yếu tố nguy cơ có thể được thay đổi thông qua chính sách xã hội.

Những điều này bao gồm thúc đẩy hoạt động thể chất, giảm béo phì, hạn chế chế độ ăn nhiều năng lượng, nhiều đường, giảm mức tiêu thụ rượu, nâng cao nhận thức của chuyên gia và cộng đồng về các rủi ro cũng như lợi ích khi sử dụng các loại thuốc như kháng sinh."

Mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng: Nhà khoa học sốc vì nguy cơ rất cao - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại