Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Kavkaz: Mọi thứ "mới chỉ bắt đầu" với Nga và Iran!

Hoài Giang |

Nhà phân tích Ruben Melkonyan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã được "cởi trói" và Armenia "không còn cơ hội để mắc sai lầm".

Mới đây, Sputnik Armenia đã đăng tải bài viết nhan đề: "Aнкара усиливает военное присутствие в регионе: эксперт о турецкой угрозе на Южном Кавказе" (tạm dịch: Ankara tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực: Chuyên gia nói về mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Caucasus".

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là từ một chuyên gia người Armenia về mối đe dọa của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khi được triển khai trên lãnh thổ nước láng giềng Azerbaijan, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Armenia không thể mắc thêm sai lầm"

Nhận xét về tình hình ở Nam Caucasus (Kavkaz) sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Karabakh, Trưởng khoa Đông phương học của Đại học Quốc gia Yerevan, ông Ruben Melkonyan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã được "cởi trói".

Là "người chơi" lớn thứ ba trong khu vực, Ankara không giấu giếm mong muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở Nam Caucasus.

Điều này đặc biệt được nhấn mạnh bằng việc thống nhất thành lập một trung tâm giám sát ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở trên lãnh thổ Azerbaijan, cũng như việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự thảo sắc lệnh của tổng thống nước này về việc cử quân nhân tới Baku.

Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Kavkaz: Mọi thứ mới chỉ bắt đầu với Nga và Iran! - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Sputnik Armenia).

Theo vị chuyên gia, vấn đề về tương lai của Nagorno-Karabakh cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo ông Melkonyan, các sự kiện ở Nagorno-Karabakh cũng đã giúp Ankara tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Ông Melkonyan tin rằng trên thực tế, Baku đã công khai cho phép Ankara thâm nhập Azerbaijan và hợp pháp hóa sự hiện diện trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ ở đất nước của họ.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sức mạnh bằng cách hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột Karabakh và qua đó gửi thông điệp tới Nga, Iran và Armenia.

Ông Melkonyan cho rằng thực tế này đã được chứng minh qua các thông điệp của Ankara gửi tới Yerevan, Moscow và Tehran: "Armenia đang phải đối mặt với những thách thức mới và không còn quyền mắc sai lầm".

"Tất cả các nước (liên quan) đều cũng đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Iran đã triển khai quân tới biên giới, Nga đã cử một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Karabakh".

Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Kavkaz: Mọi thứ mới chỉ bắt đầu với Nga và Iran! - Ảnh 3.

Hình minh họa (Nguồn: al-Jazeera).

"Mọi thứ mới chỉ bắt đầu ở Nam Caucasus"

Ông Melkonyan lưu ý rằng "tiếng nói" của Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới đã khác nhiều so với những năm 50 - 90 của thế kỷ 20.

Ông cũng cho rằng nguy cơ xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, có nghĩa là mọi thứ mới chỉ bắt đầu ở Nam Caucasus.

Tuy nhiên, nhà phân tích loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Armenia ở giai đoạn này, lưu ý rằng điều này có nghĩa là mở ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.

Ngoài ra, bước đi này sẽ được coi là một thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tấn công một thành viên của CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể) và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và khó lường hơn không chỉ cho khu vực mà cho toàn thế giới.

Theo ý kiến ​​của ông, vấn đề Karabakh nay đã trở thành một phần của chính trị toàn cầu, những "người chơi" chính đều phải có trách nhiệm tham gia giải quyết vấn đề khó khăn này.

Đối với tuyên bố ba bên về Nagorno-Karabakh, theo ý kiến ​​của nhà phân tích, việc ký kết nó đã phá hủy những nền móng "mong manh" của một thỏa thuận hoà bình đã được tạo ra trong nhiều thập kỷ qua.

Chuyên gia người Armenia kết luận bằng việc so sánh các sự kiện của năm 2020 và cuộc chiến giữa người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1920 rằng: "Tất cả các vấn đề đều tương tự, các vấn đề đều giống nhau".

Cuộc chiến Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1920 là một cuộc xung đột trong mùa thu 1920 giữa Đệ nhất Cộng hòa Armenia và những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Một đội quân Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền chỉ huy của Kâzım Karabekir đã đánh bại lực lượng Armenia, đồng thời chiếm lại các phần lãnh thổ mà Đế chế Ottoman đã mất vào tay Đế quốc Nga năm 1878.

Vào cuối năm 1920, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Yerevan, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa Armenia đã đầu hàng và Armenia không còn tồn tại như một quốc gia độc lập.

Sau Hiệp ước Moscow và Hiệp ước Kars (1921), các lãnh thổ của Đế quốc Nga chiếm được từ Đế chế Ottoman trong Chiến tranh Nga-Thổ 1878 (và sau đó là Đệ nhất CH Armenia) đã được Liên Xô bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ (ngày nay là các tỉnh Kars, Iğdır và Ardahan).

Cũng trong giai đoạn này, khu vực tự trị Nakhichevan ở phía tây nam Armenia được thành lập và nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan.

Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Kavkaz: Mọi thứ mới chỉ bắt đầu với Nga và Iran! - Ảnh 6.

Lính Nga và lính Azerbaijan tại một điểm kiểm soát gần thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sputnik).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại