"Móc hầu bao" tỷ đô mua vũ khí Nga, Ai Cập khó tránh kịch bản "huynh đệ tương tàn" với Thổ Nhĩ Kỳ?

Mạnh Kiên |

Cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh thân cận của Mỹ, tuy nhiên một cuộc chiến sẽ khó thể tránh khỏi khi "lằn ranh đỏ" Sirte và al-Jufra ở Libya bị xâm phạm.

Nước cờ chiến lược của Ai Cập...

Ai Cập đang tìm cách tăng cường vũ khí cho quân đội trước các mối đe dọa đến từ Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và Libya, đặc biệt là vũ khí Nga. Từ giữa tháng 6, đã có nhiều tin tức về việc Ai Cập chuẩn bị nhận hệ thống siêu phòng thủ Bastion của Nga để bảo đảm an ninh cho bờ biển và các mỏ khí đốt ở Địa Trung Hải.

Hệ thống tên lửa bờ Bastion có khả năng bảo vệ 600 km bờ biển và đảm bảo an ninh một khu vực biển rộng 100.000 km2, được trang bị bệ phóng thẳng đứng với tổng cộng 36 tên lửa.

Tính toán này đã được lên kế hoạch từ năm 2015, khi Ai Cập đã ký hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD mua vũ khí Nga. Hợp đồng được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Cairo và Ankara từ năm 2013.

Thỏa thuận mua bán bao gồm hệ thống tên lửa bờ Bastion và 12 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, Sukhoi Su-30, MiG-29M, trực thăng tấn công Mi-35M, hệ thống tên lửa S-300VM, Tor-M2E, tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet và trực thăng vận tải Mi-17 do Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicpoters) chế tạo.

Ai Cập đang tăng cường năng lực hải quân trước những thách thức phải đối mặt ở Địa Trung Hải, đặc biệt là sau khi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này có kế hoạch thành lập căn cứ hải quân tại thành phố Misrata của Libya, với tầm nhìn ra Địa Trung Hải.

Không chỉ ký kết các thỏa thuận với Moscow, Ai Cập còn có kế hoạch ký hợp đồng với Italy cho mục đích tương tự. Báo La Repubblica của Italy ngày 12/6 đưa tin, Cairo có kế hoạch ký kết với Roma thỏa thuận quân sự lớn nhất với một quốc gia châu Âu, trị giá khoảng 10 triệu euro.

Thỏa thuận bao gồm hợp đồng mua hai tàu khu trục FREMM lớp Bergamini, ngoài ra còn có bốn tàu khu trục khác sẽ được chế tạo riêng cho Ai Cập.

Theo Global Firepower, trang web chuyên về các vấn đề quân sự nổi tiếng, hải quân Ai Cập được hiện xếp hạng thứ bảy trên toàn cầu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 20.

Hiểm họa Libya

Móc hầu bao tỷ đô mua vũ khí Nga, Ai Cập khó tránh kịch bản huynh đệ tương tàn với Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.

Vào ngày 20/6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi quân đội Ai Cập sẵn sàng thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Libya để bảo vệ an ninh quốc gia, giữa bối cảnh các bước tiến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm dấy lên mối đe dọa ở biên giới.

Ai Cập được biết đến là quốc gia ủng hộ cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã bước vào hậu thuẫn cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).

Sau chuỗi ngày dồn ép Tripoli, LNA bất ngờ phải đón nhận hàng loạt thất bại sau khi Ankara giúp GNA lật ngược thế cờ. Thừa thắng xông lên, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chiếm lấy hai mục tiêu quan trọng là thành phố chiến lược Sirte và căn cứ quân sự al-Jufra.

Sự sẵn sàng của Ai Cập không chỉ giới hạn ở hoạt động mua vũ khí. Lực lượng hải quân Ai Cập đang tiến hành các cuộc huấn luyện hải quân chung với hải quân Tây Ban Nha ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải hôm 18/6 như một phản ứng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tập trận hải quân và không quân ở Địa Trung Hải cách đó một tuần.

Trong khi đó, Israel đã bày tỏ mối quan ngại về việc Ai Cập tăng cường khả năng hải quân. Tạp chí Quốc phòng Israel cho biết, hải quân Ai Cập đang cải thiện năng lực với tốc độ rất nhanh trong bóng tối.

"Quân đội Ai Cập đang đi theo chính sách răn đe, dựa trên các nguyên tắc chuẩn bị cho chiến tranh, nga y cả khi họ không thực sự muốn chiến đấu. Họ trang bị thêm vũ khí, tăng cường quân lực và thể hiện sức mạnh trong các bài tập chung cho đến khi kẻ thù e sợ mà rút lui", Thiếu tướng Nasr Salem, chuyên gia quân sự tại Học viện quân sự cấp cao Nasser, nhận định với Al-Monitor.

"Hải quân Ai Cập được xếp hạng tốp đầu về sức mạnh, vũ khí và nhân sự. Họ bắt buộc phải bảo vệ sự thịnh vượng của Ai Cập ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ, cũng như bảo vệ các dự án thăm dò khí đốt".

"Ai Cập đối mặt với các mối đe dọa khu vực từ năm 2011 sau khi một số quốc gia láng giềng như Libya và Syria sụp đổ. Các nhóm cực đoan của các quốc gia đó đã chờ đợi sóng gió nổi lên ở Ai Cập, vì vậy quân đội Ai Cập - chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước - đã nhận ra những thách thức này để tăng cường vũ khí", tướng Yahya al-Kadwani, thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Ai Cập, nói với Al-Monitor.

Kadwani lưu ý sức mạnh quân sự của Ai Cập nhằm đảm bảo sự ổn định của toàn bộ khu vực và bảo vệ các nước Ả Rập khỏi tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giải thích rằng Ai Cập dưới thời chính quyền Sisi sẽ dựa vào chính sách đa dạng hóa các nguồn vũ khí.

Ai Cập có tấn công?

Móc hầu bao tỷ đô mua vũ khí Nga, Ai Cập khó tránh kịch bản huynh đệ tương tàn với Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 4.

Thành phố Sirte và căn cứ al-Jufra được coi là "lằn ranh đỏ" của Ai Cập.


Mặc dù quân đội Ai Cập được xếp hạng bảy trên thế giới, nhưng nước này đã không tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự truyền thống lớn nào kể từ sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Ngoài ra, Ai Cập cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn khi chống chọi với dịch bệnh đang hoành hành. Do đó, không có khả năng tổng thống Ai Cập sẽ khởi xướng một cuộc phiêu lưu quân sự ở Libya, khi biết cái giá chính trị và kinh tế mà ông sẽ phải trả.

Cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra không quan tâm đến cuộc khủng hoảng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và yêu cầu cả hai nhà lãnh đạo bình tĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Erdogan đã giành được ưu thế tốt hơn.

Theo tờ Jerusalem Post, có hai yếu tố có thể thay đổi lập trường của Ai Câp.

Thứ nhất, một cuộc tấn công trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng hậu thuẫn vào lằn ranh đỏ Sirte và al-Jufra, điều này sẽ buộc Cairo phải can thiệp để giữ thể diện như đã tuyên bố.

Và thứ hai, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở miền Đông Libya gần biên giới Ai Cập.

Nếu một trong những kịch bản này diễn ra, giới quan sát sẽ chứng kiến một cuộc chiến mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại