Mẹ hốt hoảng vì trên mạng nói trẻ đổ mồ hôi trộm có thể là ung thư: Chuyên gia Nhi nói gì?

Ngọc Anh |

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ là sinh lý bình thường và trẻ sẽ tự hết nhưng nếu đổ mồ hôi trộm kèm theo sụt cân, ho cha mẹ cần cảnh giác với một loại bệnh lý nguy hiểm.

Đồ mồ hôi có đáng lo

Chị Thanh Hương, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ con gái chị 3 tuổi, bé thường xuyên đổ mồ hôi. Thậm chí, bé chỉ ngồi ăn cơm cùng gia đình nhưng sau bữa cơm tóc của con cũng ướt sũng. Nhiều lần chị đi làm về thấy con chỉ chơi với bạn bình thường nhưng mồ hôi vẫn ướt nhẹp.

Tối đi ngủ, lưng và tóc của bé cứ ướt sũng, thậm chí có lúc thấm cả ra ga giường. Chị Hương liên tục phải theo dõi để lau khô lưng cho con và thay áo.

Sốt ruột vì con đổ mồ hôi quá nhiều nên chị đã cho con đi khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết bé hơi thiếu vitamin D và kẽm nên đề nghị mẹ bổ sung thêm cho trẻ. Còn các triệu chứng đổ mồ hôi chỉ là sinh lý thông thường.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, không riêng gì chị Hương mà rất nhiều bậc phụ huynh cũng từng hỏi ông về việc con đổ mồ hôi trộm. Có những bà mẹ cho rằng con đổ mồ hôi trộm là thiếu canxi, có bà mẹ hốt hoảng sợ con mắc bệnh lý ác tính vì trên mạng nói đổ mồ hôi có thể là ung thư. Thực tế là các bà mẹ đã lo lắng nhiều quá.

Mẹ hốt hoảng vì trên mạng nói trẻ đổ mồ hôi trộm có thể là ung thư: Chuyên gia Nhi nói gì? - Ảnh 1.

Trẻ bị đổ mồ hôi trộm chủ yếu là sinh lý

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đổ mồ hôi ban đêm có thể xảy ra với trẻ ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên, nhưng cũng có thể thi thoảng mới gặp phải. Một nghiên cứu tại Mỹ tiến hành năm 2012 trên 6.381 trẻ em từ 7 đến 11 tuổi cho thấy, gần 12% trẻ bị đổ mồ hôi ban đêm hàng tuần.

Trẻ em có cơ chế chuyển hoá rất tốt để giúp trẻ phát triển chiều cao, não bộ… khi chuyển hoá nhiều thì có thể gây ra tình trạng đổ mồ hôi ở trẻ. Vì vậy, thân nhiệt của trẻ cao và chỉ cần trẻ nóng, vận động chút ít là sẽ đổ mồ hôi ướt sũng.

Ở những trẻ lớn, tăng tiết mồ hôi có thể do thay đổi hormone. Quá trình dậy thì có thể bắt đầu từ 8 tuổi ở trẻ gái và 9 tuổi ở trẻ trai. Và sự thay đổi này có thể khiến trẻ bài tiết nhiều mồ hôi hơn. Dậy thì có thể kích hoạt tình trạng đổ mồ hôi toàn thân, đổ mồ hôi cả ngày hoặc chỉ là tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm.

Trẻ em thường bị đổ mồ hôi toàn thân hoặc ở đầu, lưng. Tuỳ theo môi trường, vật dụng trẻ mặc trên người mà trẻ có thể đổ mồ hôi ở vị trí khác nhau.

Bác sĩ Khanh cho rằng phần lớn trẻ em bị tăng tiết mồ hôi quá mức có tình trạng sức khỏe bình thường và khi thăm khám kết quả thường là đổ mồ hôi sinh lý. Tuy nhiên, tăng tiết mồ hôi có thể là triệu chứng sớm của một loại bệnh lý.

Đổ mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lao, hoặc nếu mắc Covid-19, trẻ cũng có thể bị đổ mồ hôi. Bác sĩ Khanh cho biết, trường hợp nếu trẻ đổ mồ hôi về đêm kèm theo sụt cân, ho kéo dài thì cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra sức khoẻ để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm.

Xử lý trẻ đổ mồ hôi

Bác sĩ Khanh cho biết, khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm về đêm, cha mẹ có thể xử trí bằng cách thay áo cho trẻ nếu áo trẻ bị ướt. Vì nếu để trẻ mặc áo ướt có thể gây cảm lạnh. Cha mẹ nên chọn áo dễ thấm hút cho trẻ và thường xuyên lau khô mồ hôi cho trẻ.

Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều cha mẹ nên cho trẻ uống nước bù để tránh mất nước, cha mẹ cũng có thể bù thêm vitamin D cho trẻ vì thiếu vitamin D có thể gây ra tình trạng đổ mồ hôi.

Khi trẻ đổ mồ hôi, cha mẹ cần chờ cho trẻ khô mồ hôi rồi tắm như bình thường. Không nên sợ trẻ có mồ hôi mà không tắm vì mồ hôi khô làm trẻ khó chịu, ngứa ngáy và có thể gây viêm da cho trẻ.

Đối với trẻ hay đổ mồ hôi nhiều thì cha mẹ nên cho trẻ mặc đồ cotton, mang nước theo để bổ sung nước cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh dùng sữa mẹ để bù nước là tốt nhất. Đối với trẻ lớn cha mẹ có thể cho trẻ uống nước muối loãng để bù lại lượng natri, clorua, kali và chất điện giải khác bị mất đi do đổ mồ hôi. Nếu không có nước muối, phụ huynh có thể dùng nước lọc.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại