Tình anh em rạn nứt
Ngày 18-3-2014, sau một cuộc trưng cầu ý dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo bán đảo Crimea đã ký kết một hiệp định sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga. 5 năm sau, mảnh đất ở vùng Biển Đen này vẫn còn là hố sâu ngăn cách trong mối quan hệ giữa Nga - Ukraine.
Sự kiện Crimea 2014 đã phá vỡ hoàn toàn tình hữu nghị giữa hai nước Nga-Ukraine. Đúng như lời của chuyên gia Dmitry Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ Nga-Ukraine ngày càng tồi tệ, không bao giờ có thể quay trở lại như trước đây.
Cũng trong năm 2014, Chính phủ Ukraine đã triệu hồi Đại sứ ở Nga, sau đó từ chối chấp nhận Đại sứ mới của Nga ở Ukraine. Diễn biến trên đã làm cho kim ngạch giữa hai nước đang từ 18,5 tỷ USD giảm xuống còn 10 tỷ USD.
Ở khu vực Donbass cách xa miền Đông Ukraine, xung đột kéo dài hơn 5 năm giữa binh sỹ Ukraine và lực lượng thân Nga khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Thậm chí, có chính khách Ukraine từng kêu gọi người dân Ukraine không nên đến Nga xem World Cup 2018. Trong khi đó, Kiev vốn dự định tẩy chay World Cup trên truyền hình, nhưng đài truyền hình quốc gia Ukraine đã mua bản quyền phát sóng.
Cuộc khủng hoảng Crimea cũng khiến tranh chấp ở biển Azov trở nên gay gắt hơn trong thời gian gần đây. Sau khi Nga đưa vào sử dụng cầu vượt eo biển Kerch vào tháng 5-2018, thống kê của Ukraine cho thấy, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7-2018, lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ và kiểm tra 93 chiếc thuyền chuẩn bị đi qua eo biển Kerch tới các cảng của Ukraine.
Tờ New York Times của Mỹ cho rằng, công trình được người Nga gọi là "cầu Putin" chính là điểm tựa để Nga tăng cường quyền kiểm soát đối với Crimea. Sự kiện xảy ra hôm 25-11-2018 chứng minh chiến lược xây dựng cây cầu đúng là đã được sử dụng cho mục đích đó, vì Nga chỉ cần cho một chiếc tàu neo đậu dưới cây cầu này là có thể phong tỏa eo biển Kerch, từ đó biến biển Azov thành nội hải của mình.
Tàu chiến Nga đi qua eo biển Kerch. (Nguồn: RT)
Mối quan hệ Nga-Ukraine thời gian gần đây liên tục đi xuống, thậm chí cựu Tổng thống Ukraine từng tuyên bố chấm dứt Hiệp ước quan hệ hợp tác hữu nghị Nga-Ukraine ký năm 1997; Ukraine ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, chuyển sang nhập khẩu khí đốt của châu Âu; giáo hội Ukraine tuyên bố tách khỏi Giáo hội Chính thống giáo Nga, tìm cách độc lập tự chủ.
Một điểm nữa có thể khoét sâu hố ngăn cách trong quan hệ giữa Nga và Ukraine chính là cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine khi Tân Tổng thống Vladimir Zelensky giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2019, đã đẩy mạnh thực hiện chính sách "bài Nga", khiến quan hệ Nga - Ukraine tiếp tục "căng như dây đàn".
Sắc lệnh đổ thêm dầu vào lửa
Mới đây, ngày 24-4-2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp hộ chiếu Nga cho cư dân vùng Donbass, khiến vết rạn nứt giữa hai nước Nga-Ukraine ngày càng khó hàn gắn. Hành động này được giới chuyên gia nhận định như "đổ thêm dầu vào lửa.
Sau hơn 1 tháng triển khai sắc lệnh đã có hàng vạn người thuộc Cộng hòa Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine nộp đơn đăng ký. Ngày 8-6-2019, người đứng đầu chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông D. Pushilin cho biết, trong vòng hơn 1 tháng qua, các cơ quan chức năng của DPR đã tiếp nhận khoảng hơn 7.000 đơn xin nhập quốc tịch Nga (bắt đầu tiếp nhận từ ngày 3-5-2019). Trong số đó, đã có hơn 6.000 hồ sơ đã được phê duyệt và gửi đến cơ quan chức năng của Nga để xử lý.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Ukraine Zelensky có những động thái "ăn miếng, trả miếng" thời gian gần đây, đẩy căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. (Nguồn: Wion)
Trước động thái mới của Nga, dư luận Ukraine phản ứng gay gắt, cụ thể:
(1) Chính giới Ukraine phản ứng gay gắt với hành động của Nga, tuyên bố sẽ không chấp nhận các hộ chiếu này; cáo buộc Nga đang thực hiện chiến lược "Nga hóa", "xâm lược mềm" các khu vực có đông người gốc Nga như đã từng xảy ra tại Abkhazia, Nam Ossetia (Gruzia), Pridnestrovie (Moldova) và Crimea (năm 2014); chỉ trích Nga sử dụng sắc lệnh này để cản trở việc thực hiện Thỏa thuận Minsk và chia cắt đất nước Ukraine.
(2) Phái đoàn Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi thư đề nghị Tổng thư ký LHQ cho lưu hành rộng rãi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine với nội dung phản đối quyết định đơn phương của Nga, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế không công nhận, không chấp nhận các giấy tờ Nga cấp cho công dân Ukraine tại vùng "đang bị Nga chiếm đóng" và tăng cường trừng phạt nga.
(3) Ngoại trưởng Ukraine P. Klimkin ngày 13-5 tuyên bố: "Ukraine sẽ từ chối tuân thủ thỏa thuận Minsk nếu EU giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống Nga" để phản đối việc Nga bắt đầu cấp hộ chiếu cho cư dân DPR và LPR.
Trong khi, Thủ tướng Ukraine Groisman đã phê chuẩn Nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Nga vào ngày 15-5, theo đó cấm nhập khẩu từ Nga một số loại hàng hóa nhất định và áp dụng nhiều loại thuế đặc biệt đối với hàng hóa Nga từ 1-8 tới.
(4) Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức ngày 20-5-2019, tân Tổng thống Ukraine Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ động thái trên của Nga, đồng thời đưa ra cam kết sẽ ưu tiên việc bảo vệ và lấy lại lòng tin của người dân ở miền Đông Ukraine đối với chính quyền, trong đó có việc đảm bảo phúc lợi tốt nhất về an sinh xã hội cho người dân.
Ông Zelensky cũng tiến hành một số hành động thể hiện thái độ cứng rắn trong vấn đề miền Đông Ukraine như kêu gọi Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, khẳng định Washington "vẫn là đối tác chính của Ukraine trong việc vượt qua sự xâm lược của Nga" và bất ngờ thăm một số đơn vị quân đội Ukraine đóng ở Luhansk để cổ vũ, khích lệ tinh thần binh sỹ, khẳng định quyết tâm giành lại lãnh thổ miền Đông Ukraine khỏi sự chiếm đóng của lực lượng ly khai…
Có thể thấy, vết rạn nứt chính trị trong quan hệ Nga-Ukraine đã nảy sinh từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc xung đột giữa Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai bùng nổ ở Donbass đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và mối quan hệ văn hóa giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những điều này cũng không thể xóa bỏ di sản văn hóa chung của người Nga và người Ukraine như văn học Nga, các bộ phim thời Liên Xô và "hậu Xô Viết", những bài hát và chương trình truyền hình, trong đó có cả những chương trình dài tập đã đưa Vladimir Zelensky trở thành một diễn viên hài nổi tiếng.
Danh hài Zelensky và đoàn nghệ thuật của mình từng khá thường xuyên tới Nga lưu diễn và ông cũng xuất hiện trong bộ phim hài do Nga-Ukraine hợp tác sản xuất với tên gọi "Tình yêu trong một thành phố lớn". Giờ đây, người ta lại chờ đợi một luồng gió mới đem đến "tình yêu trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine", dù đó chỉ là hy vọng rất mong manh.
Link bài gốc tại đây.