Máy bay tiêm kích Không quân Mỹ tiêu tốn bao nhiêu USD/giờ bay?

Anh Tuấn |

Có rất nhiều tạp chí quốc phòng đã đăng tải những nội dung của dự luật Thẩm quyền Quốc phòng 2017 của Mỹ rằng, Lầu Năm Góc “phải thực hiện nghiên cứu chi phí đối với việc khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22”.

Tại sao F-22 lại được quan tâm như vậy? Một số người tin rằng khả năng chiến đấu của F-22 vượt trội hơn so với F-35.

Khi được hỏi về vấn đề này, Thiếu tướng Christopher Bogdan, người phụ trách dự án F-35 nói rằng các nhà báo nên tìm hiểu ý kiến của các phi công đã từng lái cả F-22 và F-35. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chi phí.


Máy bay F-22 của không quân Mỹ

Máy bay F-22 của không quân Mỹ

Bản thân Không quân Mỹ hiểu rằng F-22 tiêu tốn nhiều ngân sách để điều động. Vào năm 2013, lực lượng này công bố những thông tin thống kê chi phí cho mỗi giờ bay của từng loại máy bay quân sự của Mỹ từ năm 2008 đến 2012.

Theo đó: máy bay F-22 Raptor tốn 68.362 USD/giờ; F-15C Eagle tốn 41.921 USD/giờ; F-15E Strike Eagle 32.094 USD/giờ; F-16C Fighting Falcon 22.514 USD/giờ; A-10 Warthog 17.716 USD/giờ; MQ-9A Reaper 4.762 USD/giờ.

Còn về máy bay F-35 hiện đại, mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác, nhưng vào tháng 2 vừa qua văn phòng của ông Bogdan cho biết mỗi máy bay F-35 sẽ có chi phí vào khoảng 42.000 USD với mỗi giờ bay, thấp hơn nhiều so với F-22.

Theo họ, với số lượng ngày càng tăng lên cũng như việc các phi công quen hơn với F-35, chi phí sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa.

Việc sử dụng một loại máy bay mới như F-35 nhằm thay thế phi cơ F-16C đã bắt đầu có tuổi trong thời điểm ngân sách quốc phòng đang có xu hướng giảm là điều vẫn còn đang gây tranh cãi, bởi chi phí bảo dưỡng của F-35 cao gấp đôi so với F-16C.

Trong một cuộc hội đàm được tổ chức bởi Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ (NDIA), chuyên gia người Mỹ Roger Zakheim của hãng Covington & Burling cho biết chính chi phí hoạt động của các máy bay đang hao mòn ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Đáp lại, ông Camron Gorguinpour, một quan chức cấp cao của Không quân Mỹ nói rằng việc nghiên cứu chế tạo nhằm nâng cấp các máy bay có thể giúp giảm bớt chi phí bảo dưỡng trong tương lai.

Vấn đề là các loại máy bay tàng hình thường rất khó để có thể thay mới các linh kiện bên trong và nâng cấp để theo kịp thời đại.

Trong khi đó, máy bay không người lái hiện tại lại có khả năng sống sót kém hơn phi cơ tiêm kích thông thường trong một trận không chiến lớn, do đó mặc dù có chi phí hoạt động mỗi giờ thấp hơn, máy bay không người lái chưa thể thay thế các tiêm kích hiện tại.

Cho dù Lầu Năm Góc có ý định mua thêm bất kỳ loại máy bay nào đi nữa, họ sẽ cần phải tìm cách hạn chế chi phí lâu dài của nó. Máy bay F-22 cất cánh lần đầu vào năm 1997, nhưng Mỹ đã phải đau đầu với chi phí mà nó để lại từ đó đến nay.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại