Việt Nam có thể sở hữu S-300V với giá rẻ bất ngờ

Bạch Dương |

Do gặp phải khó khăn về kinh tế mà Ukraine đã buộc lòng đưa các tổ hợp tên lửa phòng không lục quân tầm xa S-300V vào lực lượng dự bị.

S-300V (SA-12 Gladiator/Giant) nằm trong danh sách những tổ hợp tên lửa phòng không cơ động uy lực nhất thế giới, nó cũng đồng thời là hệ thống phòng thủ tên lửa di động đích thực duy nhất hiện nay.

Mặc dù chia sẻ nhiều công nghệ với S-300P, nhưng do được phát triển theo yêu cầu riêng của Lực lượng Phòng không Lục quân Liên Xô mà S-300V mang rất nhiều nét khác biệt.

Toàn bộ hệ thống đặt trên khung gầm xe bánh xích có sức cơ động cao, radar của S-300V phát hiện được các mục tiêu bay (kể cả có diện tích phản xạ radar thấp) hoạt động ở độ cao cực lớn lẫn cực thấp.

S-300V trang bị 2 loại tên lửa chính là Novator 9M82/SA-12B Giant cùng 9M83/SA-12A Gladiator, chúng có ngoại hình khá giống nhau nhưng khác biệt nhiều ở kích thước cũng như công nghệ bên trong.

Đạn 9M83 Gladiator nhỏ hơn được dùng để tiêu diệt các mục tiêu hàng không ở mọi độ cao, trong đó có cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Trong khi đó 9M82 Giant “to xác” có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu thanh, thậm chí cả máy bay gây nhiễu ở tầm xa.


Xe mang phóng tự hành (TELAR) 9A83 và 9A82 của hệ thống S-300V

Xe mang phóng tự hành (TELAR) 9A83 và 9A82 của hệ thống S-300V

Tên lửa 9M83 có chiều dài 7.898 mm; đường kính thân (lớn nhất) 915 mm; trọng lượng 3.500 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.200/1.700 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 75/6 km; trần bay/sàn bay 25/0,0025 km.

Tên lửa 9M82 có chiều dài 9.913 mm; đường kính thân (lớn nhất) 1.215 mm; trọng lượng 5.800 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.800/2.400 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 100/13 km; trần bay/sàn bay 30/1 km.

Với khả năng chịu quá tải 20G và mang theo đầu đạn nặng 150 kg, xác suất tiêu diệt mục tiêu của 9M83 vào khoảng 50% - 65% đối với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 70% - 90% đối với máy bay.

Thông số này của 9M82 Giant là 40% - 60% đối với tên lửa đạn đạo tầm trung, 50% - 70% đối với tên lửa tấn công phóng từ máy bay kiểu AGM-69.

Xét về năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo, các loại đạn trang bị cho S-300V được đánh giá cao hơn hẳn 5V55 hay 48N6 của S-300PS/PMU.

Tên lửa hai tầng 9M82 của S-300V có tốc độ cao hơn 48N6E2 của S-300PMU-2 (2.000 m/s), giúp nó bay đến mục tiêu nhanh, đồng thời động năng tiếp cận cũng lớn hơn dòng tên lửa một tầng 48N6.

Ưu thế trên khiến cho S-300V thêm nguy hiểm, máy bay đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh khi lọt vào tầm hỏa lực.


Xe mang phóng tự hành của tổ hợp S-300PMU-1 Việt Nam

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp S-300PMU-1 Việt Nam

Với những tính năng ưu việt, nếu Việt Nam mua được S-300V để phối hợp cùng S-300PMU-1 sẽ tạo ra một tấm lá chắn cực kỳ lợi hại, đảm bảo đánh bại mọi cuộc tập kích đường không của kẻ thù.

Trở ngại cần phải xét đến chỉ là giá thành của S-300V khá cao, nhưng "đắt luôn xắt ra miếng".

Tuy vậy, chúng ta lại đang đứng trước cơ hội sở hữu S-300V với giá rẻ bất ngờ, giải pháp chính là mua lại các tổ hợp đang được niêm cất bảo quản trong kho của Quân đội Ukraine.

Theo globalsecurity.org, quốc gia Đông Âu này thừa hưởng một số lượng nhỏ S-300V sau khi Liên Xô tan rã, các tổ hợp này đã phục vụ tích cực đến đầu những năm 2010 thì bị đưa sang lực lượng dự bị do thiếu kinh phí hoạt động.

Do rất "khát tiền" và hiện nhu cầu dành cho S-300V của Ukraine là gần như không có, họ sẽ sẵn sàng tân trang để bán lại cho đối tác nào quan tâm. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam nhanh chóng hiện đại hóa lưới lửa phòng không của mình.

Mặc dù năng lực không bằng bản nâng cấp Antey-2500, nhưng S-300V vẫn mạnh hơn nhiều các tổ hợp phòng không lục quân khác như Buk-M2 hay Tor-M2. Điều cốt yếu hiện chỉ là Việt Nam có quyết tâm sở hữu hệ thống này hay không mà thôi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại