Tu-160.
Chuyến bay đáng chú ý
Cách đây hai tuần, Điện Kremlin thông báo không quân Nga đã xuất kích 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 để thực hiện hành trình bay 9600km quanh Bắc Âu.
Với chiều dài 54m, Tu-160 cánh cụp cánh xoè là máy bay ném bom uy lực nhất trong kho vũ khí Nga, thường xuyên xuất hiện trên bầu trời châu Âu trong các bài huấn luyện thăm dò hệ thống phòng thủ NATO, cũng như tiến hành các cuộc không kích tầm xa xuống lực lượng nổi dậy ở Syria.
Về cơ bản, nhiệm vụ của các máy bay ném bom trong thời bình thường mang tính răn đe: “Chúng tôi đang ở đây và bạn có thể trở thành mục tiêu”, chuyên gia quân sự Pavel Luzin của Nga mô tả vai trò.
Nhưng chuyến bay lần này được cho là mang đến nhiều sự chú ý. Đầu tiên, những chiếc Tu-160 có thể đang báo hiệu phản ứng của Nga đối với việc Mỹ lần đầu tiên triển khai 4 máy bay ném bom B-1 tới Na Uy.
Ngoài ra, oanh tạc cơ hạng nặng của Nga dường như đang thử nghiệm một đường bay mới có tầm quan trọng chiến lược trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Câu hỏi đặt ra là những chiếc Tu-160 siêu thanh — có thể mang tên lửa hành trình hạt nhân và thông thường — sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh với NATO?
Mẫu máy bay này thiếu tên lửa chống hạm, vì vậy các mục tiêu tiềm năng của chúng hoàn toàn là trên đất liền. Các mục tiêu có thể bao gồm các trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân và hải cảng.
Các máy bay chiến đấu của NATO thường xuyên đánh chặn Tu-160 bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen, Biển Baltic, Biển Bắc và Bắc Băng Dương, ngụ ý rằng các máy bay ném bom này trong thời chiến có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự ở Ukraine và dọc theo sườn phía Bắc của NATO.
Chuyến đi lần này của Tu-160 mang đến một bước ngoặt mới. Các máy bay Tu-160 được cho là đã bay từ căn cứ Engels ở phía Tây nước Nga lên phía Bắc, tới Bắc Băng Dương sau đó về phía Tây đến Svalbard, phía Nam đến Biển Na Uy, phía đông dọc theo bờ biển Na Uy và cuối cùng là phía Nam quay trở lại Engels.
Một cặp máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 bay từ căn cứ không quân Rogachevo ở miền Bắc nước Nga đã hộ tống các máy bay ném bom khi chúng gầm rú băng qua Biển Kara về phía Bắc Cực.
Hai chiếc tiêm kích F-16 của không quân Na Uy từ căn cứ không quân Bodo ở tây bắc Na Uy đã đánh chặn những chiếc Tu-160 trên vùng biển phía Bắc đất nước.
Chặng đường trong kế hoạch bay có đội Tupolevs lao về phía Iceland từ phía Bắc trước khi chuyển hướng sang phía Đông được đánh giá là thú vị. Hiện không rõ tần suất các máy bay ném bom của Nga bay trên tuyến đường đó trong những năm gần đây như thế nào.
Tín hiệu của Nga
“Đó có thể là một tín hiệu chống lại sứ mệnh kiểm soát không quân của NATO ở Iceland ”, Hans Kristensen, một chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ở Washington nói với Forbes.
Theo thỏa thuận giám sát trên không với Iceland, các nước NATO triển khai tới quốc đảo này một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu theo các đợt luân phiên kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Các loại máy bay chiến đấu gần đây đảm nhận nhiệm vụ giám sát trên không bao gồm EF-2000 Euro Typhoon của Anh, F-35 của không quân Ý và tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ.
Các máy bay chiến đấu giám sát trên không tuần tra trên dải đại dương giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh — còn được gọi là “Dải GIUK”. Trong thời chiến, NATO có khả năng sẽ tiến hành một chiến dịch “chống tiếp cận”, nhằm ngăn chặn các lực lượng Nga đột phá khu vực này từ biển khơi.
Các lực lượng Nga sẽ tìm cách trấn áp các lực lượng NATO bảo vệ Dải GIUK. Nhiệm vụ đó đang trở nên quan trọng hơn đối với Moscow khi NATO triển khai ngày càng nhiều lực lượng tinh vi hơn dọc theo sườn phía Bắc nước này.
Bên cạnh việc gửi máy bay ném bom B-1 tới Na Uy, không quân Mỹ cũng đã đưa đến máy bay ném bom B-2 ở Iceland.
Các máy bay ném bom tàng hình B-2 bay từ Iceland có thể đe dọa các căn cứ của Nga trong khu vực, bao gồm các cảng chính hỗ trợ Hạm đội Phương Bắc của Nga. “Điều đó khiến Iceland trở thành mục tiêu quan trọng hơn nhiều đối với các máy bay ném bom của Nga”, Kristensen nói.
Iceland là được đánh giá là tấm lá chắn khó thể phá vỡ. Khả năng máy bay chiến đấu của Nga thành công trong việc tấn công hòn đảo chỉ có thể phụ thuộc vào Tu-160.
Tầm bay cực xa của loại máy bay này cho phép nó bay vòng quanh Iceland, bên ngoài tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu bám đất của địch thủ, trước khi bay trở về căn cứ dọc theo một đường vectơ giúp giảm thiểu sự hớ hênh của nó trước hệ thống phòng thủ của NATO.
Khả năng tiến hành bao vây trên không là một lợi thế chính của máy bay ném bom so với máy bay chiến đấu tầm ngắn.
Khi ngày càng có nhiều máy bay ném bom - của cả Nga và NATO - xuất hiện ở Bắc Âu, điều này cho thấy cả hai bên đều có dự định sử dụng chúng trong trường hợp chiến tranh lạnh trở nên “nóng” hơn.