Máy bay ném bom nào của Mỹ khiến cả Nga, Trung Quốc, Triều Tiên đều phải “lạnh gáy”?

Trung Phạm |

Giống với chiếc B-2 tiền bối, B-21 Raider sẽ là một máy bay ném bom chiến lược hạng nặng được thiết kế mang theo cả vũ khí thông thường và hạt nhân.

Ngày 27/10/2015, sau gần 34 năm Northrop Grumman nhận được hợp đồng phát triển máy bay ném bom tàng hình đầu tiên, Không quân Mỹ lại trao cho tập đoàn công nghiệp quốc phòng này một bản hợp đồng mới: chế tạo máy bay ném bom B-21 Raider.

Tên gọi của B-21 Raider mang đậm dấu ấn của cả thế kỷ 21 và cuộc đột kích huyền thoại năm 1942 khi Tướng James "Jimmy" Doolittle sử dụng máy bay ném bom B-25 Mitchell tấn công các mục tiêu bên trong và những khu vực xung quanh Tokyo, Nhật Bản.

Lấy Cuộc đột kích Doolittle (Doolittle Raid) để đặt tên cho B-21, Không quân Mỹ muốn thu hút sự chú ý tới bản chất táo bạo, yếu tố bất ngờ về chiến lược và chiến thuật của cuộc tấn công, cũng như khoảng cách "ngoại mục" mà Tướng Doolittle và đội đột kích của ông đã cất cánh để thực thi nhiệm vụ.

B-21 Raider - phiên bản đẳng cấp hơn cả B-2 Spirit

Với hình dạng không đuôi, nhìn giống như một con dơi, phiên bản chính thức của B-21 Raider mà không quân Mỹ công bố đặc biệt giống với máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Tất nhiên, nó vẫn hội tụ những khác biệt rất đặc trưng.

Ở B-21, các động cơ được bố trí ở vị trí gần đuôi cánh hơn, tức gần điểm giao cắt giữa cánh và thân máy bay. Trong khi đó, cặp động cơ General Electric F118-GE-100 của B-2 lại tách hẳn thân máy bay và nằm trên phần cánh.

Hệ thống hút gió động cơ của Raider nhìn góc cạnh và không có răng cưa như ở B-2 Spirit. Không giống với B-2, B-21 Raider có các hệ thống xả khí treo ngoài cánh để che giấu tín hiệu hồng ngoại của 4 động cơ.

B-21 có vẻ như cùng kích cỡ với B-2 Spirit, khiến gần như chắc chắn nó sẽ là loại máy bay ném bom 4 động cơ. Có hai mẫu thiết kế động cơ nhiều khả năng sẽ được lựa chọn: F-100 và F-135.

Trong đó, F-100, động cơ dùng cho loạt máy bay chiến đấu F-15 Eagle dường như được ưu thích hơn nhưng Không quân Mỹ có thể cũng sẽ muốn dùng F-135 trang bị cho dòng F-35 bởi ưu thế về tiềm năng phát triển và khả năng giúp hạ giá thành cho phi đội F-35.

Giống với chiếc B-2 tiền bối, B-21 Raider sẽ là một máy bay ném bom chiến lược hạng nặng được thiết kế mang theo cả vũ khí thông thường và hạt nhân. Giống một chiếc B-2 có kích thước tương tự như vậy, B-21 cũng sẽ mang theo số đạn dược tương đương, nghĩa là sẽ có 2 khoang chứa bom.

Để giảm bớt chi phí, Không quân Mỹ có thể sẽ lựa chọn sử dụng lại Ống phóng xoay tròn cho các ứng dụng tiên tiến (AARL) từ chiếc B-2. AARL sẽ được lắp đặt cho từng khoang chứa, mỗi khoang có thể mang theo 8 quả bom hoặc tên lửa.

Máy bay ném bom nào của Mỹ khiến cả Nga, Trung Quốc, Triều Tiên đều phải “lạnh gáy”? - Ảnh 1.

Một chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ bay qua Thái Bình Dương ngày 2/5/2005. Ảnh: National Interest

Đảm trách cả sứ mệnh hạt nhân và thông thường

Với sứ mệnh hạt nhân, Không quân Mỹ sẽ trang bị cho B-21 tên lửa tầm xa LRSO, là loại tên lửa hành trình hạt nhân tàng hình thế hệ kế tiếp. Nó cũng sẽ mang các quả bom hạt nhân B-61, đặc biệt là bom B61-12 mới, với khả năng tự điều chỉnh sức công phá (dial-a-yield).

Sự kết hợp hai loại vũ khi này với nhau sẽ cho phép B-21 sử dụng các tên lửa hành trình tàng hình "dọn đường" mạng lưới phòng không đối phương trước,sau đó mới dội bom B-61 vào các mục tiêu sơ cấp và thứ cấp.

Với các sự mệnh thông thường, B-21 sẽ mang theo tên lửa hành trình JASSM-ER và các bom dẫn đường vệ tinh GBU-31 (bom tấn công trực diện phối hợp – JDAM) nặng 2.000 pound.

B-21 cũng có thể sử dụng những vũ khí này theo cách tương tự như trong sứ mệnh hạt nhân, tức sẽ "khai thông" hệ thống phòng không của kẻ thù trước khi thả bom JDAM.

Hoặc theo cách khác, B-21 có thể được dùng như 1 xe chở tên lửa, phóng tới 16 quả JASSM-ER vào các mục tiêu đối phương từ khoảng cách xa hay xâm nhập các hệ thống phòng không ít phức tạp hơn của kẻ thù để thả JDAM xuống mục tiêu.

B-21 cũng có thể mang theo siêu bom công phá boong ke (MOP), loại bom thông thường lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ. B-2 hiện tại là máy bay ném bom duy nhất có thể vận chuyển loại bom lớn như vậy.

Giống như rất nhiều hệ thống vũ khí mới khác, Không quân Mỹ đã định hướng Northrop Grumman phát triển máy bay này với hệ thống phần cứng và phần mền theo kiểu thiết kế "cấu trúc mở". Nhờ đó, không giống với các dòng máy bay ném bom trước đây, B-21 có thể còn có chức năng hơn cả một máy bay ném bom hạng nặng.

Cấu trúc mở nhằm đảm bảo những nâng cấp trong tương cho B-21 dễ dàng được thực hiện và để cho máy bay này thích nghi với nhiều sứ mệnh mới, khác nhau.

Khoang vũ khí của B-21 có thể sẽ đảm trách thêm nhiều sứ mệnh khác hơn chỉ là một khoang chứa bom thông thường. Nó có thể được trang bị thêm các thiết bị do thám, liên lạc, tác chiến điện tử để yểm trợ cho nhiều sứ mệnh khác nhau, đặc biệt trong các môi trường chống tiếp cận.

B-21 Raider đang trên hành trình trở thành chiếc máy bay ném bom đa nhiệm đầu tiên của Mỹ. Dự kiến, nó sẽ cất cánh vào giữa những năm 2020 và Không quân Mỹ có kế hoạch mua ít nhất 100 chiếc để thay thế cho B-52H Stratofortress và B-1B Lancer.

Tất nhiên, một phi đội lớn hơn nữa, cỡ 200 chiếc chẳng hạn, là điều có thể nhưng có vẻ như chưa thật phù hợp với thực tế ngân sách hiện nay của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại